Du lịch mới từ cầu treo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những chiếc cầu treo không chỉ mang chức năng duy nhất là phương tiện đi lại của người dân miền núi, mà đang dần trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách trên hành trình khám phá non cao…
Vẻ đẹp thơ mộng của những chiếc cầu treo ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vẻ đẹp thơ mộng của những chiếc cầu treo ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), Lê Hồng Thái (23 tuổi) cùng bạn ngược núi đến với “cổng trời” Tây Giang để khám phá vẻ đẹp độc đáo của núi rừng, thiên nhiên, sông suối. Điểm dừng chân, được chọn sau quá trình tìm hiểu không phải là Đỉnh Quế, mà là các bản làng vùng cao nơi có những chiếc cầu treo bắc qua.

Với Thái và nhiều người có đam mê du lịch, đó là điểm check-in lý tưởng để trải nghiệm sương núi, ghi lại khoảnh khắc ấn tượng vào những thời điểm đẹp nhất trong ngày.

Mùa giêng hai năm nay, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, lượng người đến với Tây Giang khá đông và sớm hơn mọi năm. Sau những ngày mưa phùn, vùng cao bắt đầu có từng đợt nắng đẹp, vàng ánh tạo nên khung cảnh nên thơ dọc con đường mới.

Sự yên bình bắt đầu xuất hiện ngay trên từng chiếc cầu treo về làng. Sương phủ che mờ trên những chiếc cầu về bản vào những buổi sớm mai của vùng cao càng khiến chàng trai xứ Đà thành thích thú.

Thời buổi công nghệ số, Thái nói, câu chuyện bắt nhịp khoảnh khắc là điều hết sức dễ dàng. Chỉ cần có điện thoại thông minh và tinh thần khám phá, mọi điểm đặt chân đều có thể là không gian tuyệt vời nhất để ghi lại hành trình khám phá yêu thương.

“Với Tây Giang, mình rất thích cảm giác được hòa vào sương núi, chạm tay vào “đảo mây” bồng bềnh trên những chiếc cầu treo vắt ngang suối. Khoảnh khắc đó thật êm dịu và yên bình” - Thái chia sẻ.

Cầu kính - sản phẩm du lịch mới của Bắc Trà My được nâng cấp từ cầu treo.

Cầu kính - sản phẩm du lịch mới của Bắc Trà My được nâng cấp từ cầu treo.

Đón lấy cơ hội từ cầu treo, năm ngoái, huyện miền núi Bắc Trà My đã nảy ra ý tưởng “lột xác” cầu treo bắc qua con sông Trường tại trung tâm thị trấn Trà My thành chiếc cầu kính đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh. Kể từ khi địa phương có cây cầu bê tông mới, cầu treo này ít người sử dụng nên ngày càng chìm dần vào quên lãng. Nhưng đúng lúc đó, địa phương tổ chức Lễ hội Văn hóa các dân tộc Bắc Trà My với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Để tìm kiếm sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, chính quyền địa phương bàn phương án nâng cấp cầu treo cũ thành cầu kính, đảm bảo độ an toàn cao. Vậy là làm, chỉ sau thời gian ngắn, cầu kính được hoàn thành, như sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách tham quan.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói, chỉ thay một số vật liệu đã hư hỏng, thiếu an toàn, còn lại gần như kết cầu cầu treo được tận dụng tối đa để giảm bớt kinh phí. Vì thế, chẳng bao lâu, từ chiếc cầu treo cũ kỹ, đã qua sử dụng và đứng trước nguy cơ bỏ hoang, địa phương đã trùng tu, lột xác ngoạn mục thành cầu treo kính đầu tiên ở vùng núi xứ Quảng. “Cầu kính là một trong số sản phẩm độc đáo phục vụ du khách trong các đêm hội văn hóa của địa phương. Không chỉ tạo nền tảng ban đầu về điều kiện hạ tầng, cầu kính còn là nơi tham quan, khám phá trải nghiệm rất thú vị và luôn thu hút du khách. Vì thế, sau thời gian đưa vào hoạt động, cầu treo kính Bắc Trà My nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và du khách” - ông Vũ nói.

Không dừng lại ở lễ hội, thời gian gần đây, cầu treo kính Bắc Trà My luôn thu hút du khách tìm đến. Như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cầu kính luôn phục vụ lượng người… quá tải đến chụp ảnh và tìm cảm giác mạo hiểm. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương cắt cử lực lượng túc trực, làm nhiệm vụ phân luồng, tránh người dân và du khách tập trung đông trong một thời điểm, phòng xảy ra sự cố bất ngờ.

Dọc dài bản làng vùng cao, cầu treo - chứng nhân của một thời gian khó lưu thông cách trở nay đang dần tự chuyển đổi công năng hình thành nên sản phẩm du lịch độc đáo. Mở hướng phát triển du lịch từ cầu treo, trong suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là du khách thích khám phá trải nghiệm, sản phẩm du lịch mới này luôn mang lại cảm giác thú vị. Một buổi sáng mờ sương, đứng từ giữa cầu treo nhìn về thung ngàn, mây núi bồng bềnh cứ như lạc vào bồng lai tiên cảnh rất nên thơ và lạ lẫm…

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

'Nóng' với du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày, tạo cơ hội cho nhiều gia đình lên lịch vui chơi. Đặc biệt, tour nội địa có xu hướng dịch chuyển ngược, khi lượng khách đổ về TPHCM khá đông nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.