Kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng ghi nhận lượng khách nội địa đông đảo, nhiều địa phương đón khách đông chưa từng có.

Kỷ lục liên tục được xô đổ, cho thấy sức hồi phục và đà bật tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp xanh. Người làm du lịch đón tin vui, khi lần đầu tiên sau đại dịch, khách Trung Quốc hồi phục, trở thành thị trường quốc tế gửi khách lớn nhất, phá vỡ kỷ lục của Hàn Quốc đã nắm giữ suốt năm 2024. Trung Quốc và Hàn Quốc với lần lượt 1,58 triệu và 1,26 triệu lượt khách, đóng góp 47% vào tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và đặc biệt là sự trở lại của khách Nga cũng tiếp sức cho mục tiêu đón 20-22 triệu khách quốc tế trong năm nay.
Thành quả có được nhờ sự nỗ lực của chuỗi hoạt động xúc tiến, quảng bá tích cực, các sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật để tăng sức hút cho điểm đến. Điều quan trọng nhất là động lực từ chính sách miễn thị thực cho công dân 12 nước do Chính phủ ban hành trong tháng 3, trong đó phải kể tới sự bật tăng của ba thị trường mới được miễn thị thực Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ.
Không riêng khách quốc tế đổ bộ đông đảo, nhu cầu khách nội địa vẫn trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Chưa bước vào mùa cao điểm, du lịch phục vụ hơn 35,5 triệu lượt khách nội địa, riêng tháng 3 có 9 triệu lượt khách. Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (5-7/4), Phú Thọ thu hút tới 5,5 triệu lượt người, chỉ riêng 9 tháng 3 âm lịch đón 2 triệu lượt. Đông đảo khách đổ xô đến TPHCM, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Phú Quý (Bình Thuận), Sa Pa (Lào Cai), Quảng Ninh,... trong lúc chờ kỳ nghỉ cao điểm đầu tiên trong năm vào 30/4-1/5.
Thế nhưng mặt trái của tấm mề đay chính là hạn chế cố hữu bao lâu nay chưa thể xoay chuyển. Không riêng đất Tổ Phú Thọ ùn tắc trong kỳ nghỉ, mọi nẻo đường huyết mạch đổ về các thành phố lớn, điểm du lịch đều trong trạng thái kẹt cứng. Rào cản giao thông khiến cho trải nghiệm của mỗi kỳ nghỉ, chuyến du lịch bớt đi vài phần thư thái. Vé máy bay leo thang, xe ô tô cá nhân tăng vọt do xu hướng kỳ nghỉ ngắn ngày, du lịch tự túc lên ngôi thời gian qua trở thành thách thức cho du lịch để giải bài toán quá tải, điều phối dòng khách và đặc biệt là hệ thống cảnh báo hiệu quả. Các doanh nghiệp lữ hành ngày càng chật vật hơn để chiều được thị hiếu của khách, bởi chưa bao giờ du khách có thể tự do thiết kế kỳ nghỉ, có muôn vàn lựa chọn dịch vụ, du lịch như lúc này.
Cảm xúc sau mỗi kỳ nghỉ kết thúc để trở về nhịp sống thường nhật là sự tiếc nuối. Bởi sau bao nhiêu đề xuất, hiến kế về vai trò nhạc trưởng, sự kết nối, liên ngành để giải bài toán du lịch thấu đáo vẫn bị bỏ ngỏ. Không riêng câu chuyện chất lượng du lịch nghỉ lễ luôn bị tác động từ sự quá tải, mà hơn hết ngành du lịch vẫn đang hân hoan với bề nổi ở chỉ số tăng trưởng, đếm số lượng khách mà chưa hoàn toàn đi vào chiều sâu chất lượng.
Trăn trở lớn nhất với du lịch Việt Nam vẫn là tăng trưởng tỷ lệ khách siêu giàu, khách có mức chi tiêu cao, làm sao để khách quốc tế đến Việt Nam chi nhiều tiền hơn nữa, làm sao để đa dạng hóa thị trường quốc tế để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Du lịch lập đỉnh, xô đổ các kỷ lục đấy, nhưng điều căn cốt vẫn là sức bền, sự tăng trưởng bền vững dựa trên nền tảng của chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Theo Toan Toan (TPO)

Du lịch Việt Nam vượt qua Singapore

Việt Nam lần đầu tiên có hãng lữ hành xa xỉ đạt chứng nhận du lịch bền vững
