Du khách ngoại mê chim Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người Việt có thói quen tai hại nhốt chim để ngắm, thì nhiều du khách nước ngoài 'bay' theo cánh chim trời ở VN để được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc lạ và thể hiện ý thức bảo vệ thiên nhiên.

Tôi đề nghị ông Nguyễn Hoài Bảo, một trong những nhà điểu học hàng đầu VN, và cũng là người tổ chức các tour đi xem chim nhiều nhất hiện nay, sắp xếp cho một chuyến tháp tùng người ngoại quốc đi ngắm chim. Sát tết, có khách đến VN đặt tour, ông Bảo sực nhớ và gọi tôi lên đường gấp. Thế là tôi cũng tức tốc lên taxi "bay" theo chim.

Cặp vợ chồng "điên" dễ thương

Giới ngắm chim, chụp ảnh chim hay dùng từ "crazy lovely" để nói những người đi xem chim hoang dã là điên khùng nhưng dễ thương. Bây giờ thì tôi có dịp theo chân những du khách ngoại quốc "điên khùng, dễ thương" này.

7 giờ giờ sáng, chiếc tắc ráng rời bến ngay tại khách sạn Wildbird Tràm Chim, chở theo đôi vợ chồng ngoại quốc mê chim, một du khách Việt, ông Nguyễn Hoài Bảo và tôi. Đôi vợ chồng ngoại đến từ Úc là ông Meiring Gouws và bà Nellke. "Chúng tôi tìm hiểu trên mạng biết Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim có nhiều loài chim và quyết định đến đây để chứng kiến tận mắt", bà Nellke thổ lộ.

Đôi vợ chồng Nellke - Meiring Gouws phấn khích ngắm chim ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Quang Viên

Đôi vợ chồng Nellke - Meiring Gouws phấn khích ngắm chim ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Quang Viên

Chiếc tắc ráng xình xịch nổ máy rồi chầm chậm lướt trên dòng kênh xuyên qua những bãi sình, những hàng cây tràm, cỏ dại, hoa sen, hoa súng... Ông bà Gouws - Nellke có vẻ bồn chồn. Nhưng chẳng phải đợi lâu, chỉ dăm phút sau, bà Nellke đã phấn khích reo lên: "Oh bird! Oh bird!" khi thấy rất nhiều loài chim đang bay lượn hoặc đi trên những bãi sình tìm thức ăn. "Chúng tôi khá bất ngờ. Trước khi tham gia tour này chưa thể hình dung khung cảnh thật tuyệt vời ở đây, đặc biệt số lượng và số loài chim rất nhiều", ông Gouws nói với ông Hoài Bảo, cũng là Giám đốc điều hành của Wild Tour, một công ty có thị phần lớn về tổ chức các tour đưa khách đi xem chim hiện nay.

Ông Meiring Gouws chuyển đổi đủ kiểu tư thế chọn góc chụp ưng ý để lia ống kính "bắn" liên tục các loài chim. Trong khi, vợ ông mắt không rời chiếc ống nhòm. "Được đi trên thuyền, nhìn thấy chim ở tầm thấp và gần. Hơn nữa, ngoài những con chim đẹp thì còn thấy được những con chim ăn trên những bãi hoa, đó là điều tôi rất thích. Đến đây được trải nghiệm nhiều điều bất ngờ và tốt hơn cả mong đợi", bà Nellke chia sẻ.

Meiring Gouws chăm chú lia máy chụp chim. Ảnh: Quang Viên

Meiring Gouws chăm chú lia máy chụp chim. Ảnh: Quang Viên

Trước khi đến VN, cặp vợ chồng người Úc cũng đã đi chụp chim, ngắm chim tại Singapore, Nam Phi... nhưng ở VN là trải nghiệm hoàn toàn khác đối với họ. "Ở một số nước có thể ngắm chim tại công viên, còn ở VN ngắm chim ở những khu vực khá xa, hệ sinh thái hoàn toàn tự nhiên. Chúng tôi thấy tour xem chim ở VN rất đặc biệt và thú vị", ông Meiring Gouws cho biết.

Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ xuôi theo dòng kênh vắt ngang VQG Tràm Chim để ngắm chim, tôi hỏi Meiring Gouws những loài chim nào ấn tượng nhất đã lọt vào tầm mắt ông, Gouws hồ hởi: "Tôi rất vui khi thấy giang sen, loài đặc biệt quý hiếm, được xếp vào sách đỏ thế giới. Ngoài ra, tôi thấy được chim chích với tiếng hót nhẹ nhàng như bài hát. Tôi cũng thích các chú chim săn mồi, chẳng hạn loài diều mướp".

Đối với vợ chồng bà Nellke, ngắm chim trở thành niềm đam mê khó cưỡng. Ông Gouws tiết lộ sẽ tiếp tục hành trình đi VQG Cát Tiên xem chim. Điều đáng trân trọng đối với nhiều vị khách ngoại quốc, trong đó có vợ chồng ông Gouws, là họ bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để tham gia các tour du lịch chim không đơn thuần là ngắm chim mà thể hiện ý thức bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nói chung, các loài chim hoang dã nói riêng. Như sau chuyến đi này, bà Nellke nhắn gửi rằng: "VN có những vườn chim tự nhiên rất độc đáo rất cần mọi người chung sức gìn giữ, bảo tồn; nên cho những tình nguyện viên khắp nơi đến chia sẻ, giúp cho cộng đồng địa phương bảo vệ các loài chim. Truyền thông cũng phải đóng vai trò hết sức quan trọng cho chuyện bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, trong đó có loài chim".

TS Callyn York gỡ chim mắt lưới tại một bãi biển ở VN. Ảnh: Hồ Phú Quý

TS Callyn York gỡ chim mắt lưới tại một bãi biển ở VN. Ảnh: Hồ Phú Quý

TS Callyn York, đến từ bang California (Mỹ), là giáo viên nghỉ hưu, đã đi du lịch xem chim nhiều nơi trên thế giới. Những năm gần đây, ông dành phần lớn thời gian để tìm hiểu các loài chim tại VN. Callyn không chỉ giống một "crazy lovely" mà theo tôi ông còn là nhà điểu học.

Chuyến đi xem, tìm hiểu chim ở VN mang lại sự phấn khích đặc biệt với TS York. Ông hứng khởi ngay từ khi đến khách sạn Wildbird Tràm Chim nhận phòng nghỉ tiện nghi và phát hiện trong đó còn có những bức hình chim quý hiếm rất đẹp. "Tôi rất bất ngờ. Một cơ sở lưu trú tiện nghi 3 sao chỉ có 30 USD/ngày đêm. Ở đây còn có nhà hàng ăn ngon và đội ngũ nhân viên xinh xắn. Đặc biệt, anh Nguyễn Hoài Bảo hào phóng cống hiến kiến thức chuyên môn đáng kể của mình về chim với tư cách là người hướng dẫn", TS York hào hứng nói.

TS Callyn York (phải) và ông Nguyễn Hoài Bảo (giữa). Ảnh: Quang Viên

TS Callyn York (phải) và ông Nguyễn Hoài Bảo (giữa). Ảnh: Quang Viên

Thông thường khách Việt đi xem chim ở VQG Tràm Chim chỉ trong vòng 1 buổi, còn TS York dành cả 4 ngày. Ông mang theo bộ đồ nghề lỉnh kỉnh để thỏa mãn đam mê. Đó là máy ảnh hai ống kính Zeiss 10 x 42, máy ảnh cầm tay Nikon D3X được trang bị ống kính Nikon PF 500mm IF, VR. Trong khi đó, máy ảnh điện thoại di động Google Pixel 3X được sử dụng để chụp phong cảnh chung và các điểm ưa thích. Ngoài ra, một cuốn sổ tay bỏ túi được sử dụng để nhập dữ liệu và sao chép lại vào mỗi buổi tối… "Ghi chú hiện trường và hình ảnh kỹ thuật số của tôi đã tạo sẽ thành cơ sở cho báo cáo sau này. Hình ảnh bao gồm siêu dữ liệu GPS cập nhật, ghi chép trong các tuyến khảo sát chim, sau này có thể được lập bản đồ", ông chia sẻ.

Có thể nói chính xác hơn, TS York theo cánh chim trời ở VN không đơn thuần là để ngắm mà làm một cuộc khảo sát về thực trạng các loài chim ở VN. Chỉ riêng ở VQG Tràm Chim trong 4 ngày, Callyn dành hết tâm trí cho các cuộc khảo sát chim. Cuộc khảo sát đường bộ, ông đi bộ dọc bờ kênh bắt đầu từ khách sạn Wildbird Tràm Chim và kéo dài về phía bắc khoảng 2 km.

Hai cuộc khảo sát bằng thuyền máy đã được thực hiện tại khu vực số 1 VQG Tràm Chim để có thể nhìn bao quát một khu vực có tổng diện tích khoảng 120 ha. Chúng tôi cũng được ông tâm sự về chuyện phát hiện tình trạng săn bắt, bẫy chim hoang dã ở những nơi khác tại VN mà ông có dịp chứng kiến. Khi nói điều này, chúng tôi thấy ở ông sự lo lắng, thậm chí phẫn nộ. Những du khách ngắm chim "điên điên, khùng khùng" dễ thương như vậy đó.

Chim trích cồ do TS Callyn York chụp ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: NVCC

Chim trích cồ do TS Callyn York chụp ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: NVCC

Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, du khách nhiều quốc gia đến VN xem, tìm hiểu chim hoang dã ngày càng đông. Phần lớn họ ở lại VN 3 - 4 tuần để đi xem chim từ Nam ra Bắc… Du khách Mỹ, châu Âu (Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy) hay Úc, Canada thường đi ngắm chim.

Còn du khách chụp hình chim chủ yếu là châu Á như Nhật, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore. Nếu Tổng cục Du lịch, Bộ NN-PTNT biết cách khai thác sản phẩm tour xem chim như các nước Thái Lan, Malaysia, các nước Nam Mỹ thì nguồn thu không nhỏ và bảo vệ được môi trường thiên nhiên.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.