Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất mỏi mòn chờ mặt bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự án xây dựng nhà ga T3 được đánh giá mang tính cấp bách để giải quyết ách tắc trên trời lẫn dưới đất cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng hơn 2 năm sau khi được Thủ tướng phê duyệt, dự án nhiều lần trễ hẹn khởi công vì vướng mặt bằng.
Vướng 16,05ha đất Quốc phòng
Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5.2020 với kinh phí gần 11.000 tỉ đồng, từ nguồn vốn của Tổng Công ty Hàng không (ACV). Nhà ga có quy mô 20 triệu khách mỗi năm, khi công trình hoàn thành, cùng với hai ga hiện hữu T1 và T2 sẽ nâng tổng công suất khai thác ở sân bay lên 50 triệu khách.
Trước đó, ga T3 dự kiến khởi công từ cuối năm 2021, nhưng do vướng mắc thủ tục trong việc thu hồi đất quốc phòng... nên chưa triển khai. Trong chuyến khảo sát sân bay Tân Sơn Nhất hồi tháng 7 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ GTVT tải sớm hoàn tất thủ tục để khởi công dự án nhà ga trong quý III năm nay, hoàn thành sau 2 năm.
Tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang trong giai đoạn chờ bàn giao đất để khởi công. Theo tìm hiểu, vị trí xây dựng nhà ga T3 nằm trên khu đất hơn 16,05ha hiện do Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) quản lý nên việc bàn giao đất để thực hiện dự án gặp rất nhiều vướng mắc.
Câu chuyện mặt bằng làm nhà ga T3 tưởng như đã được giải quyết từ hồi tháng 7.2022. Thế nhưng phải tới đầu tháng 10, UBND TPHCM mới ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3. Theo kế hoạch này, trong tháng 10, Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất theo hai đợt: Đợt đầu giao trước khoảng 14,7ha, phần còn lại gần 1,3ha giao trước 30.10 khi hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả.
Đến đầu tháng 11, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân và các cơ quan liên quan tiếp nhận, bàn giao trước 4,5ha đất trống (trong tổng số 16,05ha cần thu hồi) cho AVC để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay thủ tục bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn tất.
Phải hoàn thành bàn giao mặt bằng nhà ga T3 trong tháng 11
Đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung dự án nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Chiều ngày 16.11, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, trong tháng 11.2022, Bộ Quốc phòng, TPHCM phải hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án nhà ga T3. Nếu không thực hiện đúng tiến độ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân.
Hiện ACV đã xây dựng tiến độ chung của dự án nhà ga T3 trên cơ sở được bàn giao đất trong tháng 11 này. Theo đó, công tác thi công cọc đại trà, nền móng, đáy hầm công trình sẽ hoàn thành sau 4 tháng kể từ khi được bàn giao mặt bằng (dự kiến hoàn thành vào tháng 3.2023). Ở hạng mục thân nhà ga (tòa nhà bên trên), ACV chờ Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định duyệt thiết kế kỹ thuật. Dự kiến trong tháng 12 chủ đầu tư sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và đấu thầu trong khoảng thời gian 2 tháng.
Tiến độ thi công các hạng mục cũng đã được ACV lên kế hoạch cụ thể, chi tiết: công trình cầu vượt rẽ nhánh, đường tầng, đường giao thông, sân đỗ máy bay và sân đỗ ôtô thực hiện từ tháng 2.2023 - 8.2024; thi công lắp đặt kết cấu thép, ống lồng cố định, mái công trình trong 1 năm, từ tháng 5.2023 - 5.2024; phần thân nhà ga, nhà xe cao tầng và nhà cơ điện sẽ xây dựng từ tháng 2.2023 - 11.2024. Nhà ga T3 dự kiến sẽ nghiệm thu, vận hành thử vào tháng 12.2024.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định, thành phố đang khẩn trương phối hợp với Bộ Quốc phòng tiếp nhận và bàn giao toàn bộ 16,05ha cho ACV trong tháng 11. 
Theo Minh Quân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất