(GLO)- Sau một năm khởi động Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Gia Lai được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu hoàn thành được nhiều việc làm mang lại kết quả cho đối tượng hưởng lợi. Đây là một tín hiệu đáng mừng để Ban Quản lý Dự án giảm nghèo tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện các hợp phần của Dự án cho những năm tiếp theo.
Ảnh: Đinh Yến |
Trao đổi với P.V, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên là dự án tổng hợp, chủ yếu là quan tâm hỗ trợ sinh kế bền vững cho hộ nghèo. Triển khai dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên là tạo cơ hội và góp thêm nguồn lực để tỉnh tập trung triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia tại địa bàn vùng dự án. Sâu xa hơn khi dự án kết thúc, các hộ nghèo thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, tự mình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, từ cuối năm 2014, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, giới thiệu dự án về cơ sở, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình năm 2015-năm đầu tiên chính thức thực hiện dự án. Ông Lê Quang Đạt-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai cho biết: Năm 2015, Ban Quản lý Dự án tập trung tuyển chọn đủ các vị trí tư vấn cá nhân, hướng dẫn viên cộng đồng (CF) để làm việc cho Ban Quản lý Dự án tỉnh và 5 Ban Quản lý Dự án huyện theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Ngân hàng Thế giới. Từ đó, Dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, triển khai lập kế hoạch 2016 và thực hiện 29 công trình, 69/80 nhóm cải thiện sinh kế, với hơn 2.000 hộ dân trong vùng dự án hưởng lợi. Dự án cũng triển khai đầu tư một số công trình cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực và truyền thông tại Hợp phần 3 của Dự án. 25 xã, thuộc 5 huyện: Kbang, Kông Chro, Ia Pa, Mang Yang và Krông Pa được chọn triển khai Dự án đều là những xã vùng sâu, vùng xa. Trình độ dân trí của người dân trong vùng dự án còn thấp, tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn, nên việc triển khai các hợp phần hỗ trợ của dự án đến với hộ nghèo vô cùng khó khăn. Nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực thực hiện từ Ban Quản lý tỉnh đến Ban Quản lý huyện, các Ban Phát triển xã đã đoàn kết, đồng tâm một lòng thực hiện tốt, trước tiên là việc chuyển tải những thông tin, mục đích, ý nghĩa, hỗ trợ của Dự án đến đối tượng hưởng lợi. Nhờ đó, người dân đã hiểu việc hỗ trợ của Dự án là rất thiết thực, đồng thời tự nguyện tham gia và góp phần thực hiện dự án có hiệu quả.
Tìm hiểu thực tế những việc làm cụ thể của Dự án hỗ trợ cho người dân, mới thấy được ý nghĩa và hiệu quả từ dự án mang lại. Cụ thể: Hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn-làng được kết cấu bởi hai tiểu hợp phần, không chỉ tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp xã và thôn-làng phục vụ trực tiếp hay gián tiếp cho phát triển sinh kế và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, mà còn quan tâm đến khâu vận hành và bảo trì để đảm bảo các công trình ở cấp xã và thôn-làng phát huy hết hiệu quả và sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, hợp phần phát triển sinh kế bền vững cũng gồm 2 tiểu hợp phần, không chỉ hỗ trợ phát triển các nhóm cải thiện sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng, đa dạng hóa thu nhập, mà còn hướng đến phát triển và liên kết thị trường để tăng khả năng giảm nghèo bền vững.
Nhìn lại một năm triển khai các hợp phần của Dự án, nhiều cán bộ tư vấn, Ban Phát triển xã, lãnh đạo Ban Quản lý dự án tỉnh, huyện đều cho rằng: Các tiểu dự án sinh kế, như: nuôi bò, nuôi gà, nuôi heo, trồng lúa, trồng bắp, cải tạo vườn hộ, sau khi triển khai từ 6 tháng đến 1 năm đều mang lại kết quả tích cực, đã giúp cho những thành viên trong nhóm LEG giải quyết được tình trạng đói giáp hạt, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Vũ Văn Tĩnh-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang (huyện Kông Chro), cho biết: “Năm 2015, xã Kông Yang được Dự án hỗ trợ nhóm sản xuất bắp lai, cải tạo vườn hộ và chăn nuôi bò với sự theo sát của cán bộ dự án, thường xuyên “cầm tay chỉ việc” cho những thành viên trong nhóm hưởng lợi. Tôi nghĩ rằng, dần dần bà con sẽ học được cách làm mới, tiếp tục tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho gia đình”. Còn ông Võ Tấn Công-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa, cho biết: “Năm 2015, huyện Ia Pa được Dự án hỗ trợ 15 công trình hạ tầng cấp xã, thôn và kênh mương nội đồng. Hiện nay, tất cả các công trình này đã được thi công và đưa vào sử dụng, chất lượng các công trình được đánh giá tốt, không chỉ tránh được tình trạng lãng phí mà còn giúp tạo thêm việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân tại địa phương”.
Đinh Yến