Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông: Tháo gỡ “nút thắt” mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Gia Lai (đường tránh quốc lộ 19) đi qua địa bàn huyện Chư Păh, Đak Đoa và TP. Pleiku dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Tuy nhiên đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp vướng mắc, cần được các sở, ngành và địa phương tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Vướng mặt bằng

Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng với chiều dài toàn tuyến là 15,14 km, kết nối các huyện: Đak Đoa, Chư Păh với TP. Pleiku. Dự kiến, dự án hoàn thành trong năm 2025 nhưng đến nay chỉ mới có huyện Đak Đoa (chiều dài tuyến là 7,15 km) đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB và bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trong khi đó, công tác GPMB trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Păh hiện vẫn còn vướng mắc. Đáng chú ý, địa bàn TP. Pleiku có chiều dài tuyến 4 km đi qua thôn 2 (xã An Phú), thôn Đồng Bằng (xã Biển Hồ), thôn Tiên Sơn 1 và Tiên Sơn 2 (xã Tân Sơn) với diện tích đất dự kiến thu hồi hơn 154.092 m2. Trong số này có 191 thửa đất của 164 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức.

Theo ông Nguyễn Thanh Nga-Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku: Đến thời điểm này, thành phố đã bàn giao mặt bằng 2,43/4,5 km cho đơn vị thi công. Cụ thể, 128/164 hộ đã đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và UBND TP. Pleiku đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (7 đợt) đối với 115 hộ với số tiền hơn 83,7 tỷ đồng.

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) đi qua địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: M.P

Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) đi qua địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: M.P

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku thông tin thêm: Tại địa bàn xã Tân Sơn, dự án có chiều dài tuyến là 2,21 km với 107 hộ (117 thửa đất) nằm trong phạm vi GPMB. Hiện còn lại 36 hộ chưa thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku đang phối hợp với chính quyền xã Tân Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động. Tại địa bàn xã Biển Hồ có 9 hộ (9 thửa đất) thì 7 hộ đã nhận bồi thường với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng, còn 2 hộ đang hoàn thiện hồ sơ chi trả.

Liên quan đến công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn xã Tân Sơn, ông Lê Xuân Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Một số người dân có nhà ở nằm trong diện tháo dỡ một phần đang yêu cầu được xác định cụ thể để có phương án bồi thường một phần thiệt hại thực tế hay toàn bộ ngôi nhà.

Ngoài ra, một vài hộ còn phân vân chưa thống nhất với lý do giá trị bồi thường cây cối thấp so với giá thị trường nên đề nghị có thêm chính sách hỗ trợ. Chính quyền xã tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ còn lại sớm nhận bồi thường, hỗ trợ để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Thi công cầu Biển Hồ thuộc dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) đoạn qua địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: M.P

Thi công cầu Biển Hồ thuộc dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) đoạn qua địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: M.P

Tập trung giải pháp tháo gỡ

Cũng giống như TP. Pleiku, dự án đi qua địa bàn huyện Chư Păh có chiều dài tuyến là 3,43 km với tổng diện tích bàn giao là 21,26 ha. Đến thời điểm này, địa phương chỉ mới bàn giao được 2 km cho chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Hiển-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là huyện còn 1,43 km (diện tích 43.922 m2) không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nên địa phương chưa có cơ sở thực hiện. Mặc dù diện tích này đã được đo đạc, trích lục thu hồi nhưng chưa ban hành thông báo thu hồi đất và chưa kiểm kê đất đai, tài sản đối với 25 hộ và 1 tổ chức.

“Các sở, ngành của tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình điều chỉnh Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông theo đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công công trình. Khi có chủ trương, huyện sẽ thực hiện ngay việc thông báo thu hồi đất, tài sản đối với diện tích còn lại”-ông Hiển nhấn mạnh.

Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) nhiều đoạn tuyến còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Ảnh: M.P

Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19) nhiều đoạn tuyến còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Ảnh: M.P

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh-cho hay: Ban đang trình hồ sơ điều chỉnh quyết định phê duyệt dự án phù hợp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nguyên nhân của việc điều chỉnh này là do hướng tuyến của đường hành lang kinh tế phía Đông (đoạn qua địa bàn huyện Chư Păh) của Ban theo thiết kế đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định so với hướng tuyến tại các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt liên quan đến dự án này chưa có sự thống nhất mà đã được điều chỉnh cục bộ 3 vị trí và điều chỉnh điểm đấu nối cuối với đường Hồ Chí Minh (tại Km 1588+200 thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) nên cần cập nhật lại cho phù hợp.

“Để triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, Ban đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét trình HĐND tỉnh điều chỉnh danh mục thu hồi đất đối với phần diện tích không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, thống nhất cho thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích này và cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất 2025 của huyện theo quy định”-ông Điệp nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.