Đồng trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi ngả vào một buổi chiều rơm rạ. Ký ức dậy thơm hương lúa mới ở một vùng ngan ngát bãi bờ. Mải mê theo sau chiếc xe cọc cạch đầy nhóc những lúa, tôi đang đi theo mùa vui, theo ký ức hay đi theo một tôi ngày đã xa lăng lắc trong hương mùa nồng ấm.
Ở xứ bazan nắng cũng đỏ như đất này, núi chất chồng lên núi. Dốc lên rồi dốc xuống chùng chình đung đưa theo nhịp chân của những bà, những chị nặng trĩu gùi trên lưng. Nhưng chỉ cần đưa mắt khỏi những nếp nhà mang vẻ hiện đại phố phường là gặp ngay những thung sâu dập dờn cỏ lúa. Đôi khi, với trí tưởng tượng luôn ắp đầy, tôi mường tượng những con đường trải nhựa lấy những ngôi nhà làm bình phong để che chắn cho lớp lớp ruộng đồng khuất lấp phía sau nó. Ở đất này, cứ chỗ nào có ruộng là có làng. Làng ở ngay trong lòng phố và đồng ruộng ôm ấp nuôi dưỡng làng. Phố và làng, bê tông sắt thép và đất đai ruộng đồng cứ ấp ôm nhau đời đời như thế.
Chiều muộn nơi ngoại ô, nắng vẫn vương lại như cố níu ngày. Chớm hạ, vòm trời sáng trong xanh, những con đường đất đỏ trải đầy rơm tươi, thoảng thơm hương lúa mới. Bây giờ mùa đang hối hả, từ sáng sớm đến tận tối mịt, người người tấp nập, nhộn nhịp trên đồng. Những thửa ruộng lúa chín sớm đã gặt xong để lộ ra những ô đất đỏ như màu son thắm, những thửa lúa đang vàng rộm chỉ chờ ngày thu hoạch, xen vào đó là những thửa bông lúa mới chỉ đỏ đuôi. Những gam màu quấn quýt nhau trông ấm áp như một vòng ôm ríu rít. Vài con sáo đồng thoăn thoắt những bước chân nhảy quanh những gốc rạ vừa gặt xong. Cảnh vật nhảy nhót reo vui tựa niềm vui theo những bước chân sáo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mặt trời khuất sau dãy núi, bóng núi ngả dần xuống đồng. Từng mảng sẫm loang ra theo nhịp bước của mặt trời. Bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đời, bao nhiêu mùa vụ đã trôi qua, mặt trời vẫn điềm nhiên bước những bước nhanh chậm hoàn toàn tùy thuộc vào cảm nhận của lòng người. Và cánh đồng nằm dưới chân núi cũng đón nhận những bước thời gian trôi qua thật rõ ràng, minh triết qua mỗi mùa vụ. Đồng trên núi không gợi cho người ta cảm giác mênh mang cò bay thẳng cánh. Những cánh cò dường như cũng gượng nhẹ dưới lòng thung. Không mang vẻ kỳ vĩ đậm sắc màu hội họa như những thửa ruộng bậc thang nơi miền núi phía Bắc, năm bảy tầng ruộng cao thấp gối lên nhau trườn từ sườn núi xuống lòng thung sâu cũng đủ để tạo ra những nét chấm phá riêng biệt cho miền đất bazan này. Nhờ những thung sâu lọt thỏm giữa những núi đồi mà đời này qua đời khác, sự sống luôn được tiếp diễn nơi vời vợi non cao.
Chiều ngoại ô thơm hương lúa mới, gió nhẹ đưa những đám mây chầm chậm đậu trên những đỉnh núi trầm ngâm nhìn xuống cánh đồng. Trên bãi cỏ sát mép hồ phơi đầy rơm rạ, đám trẻ con tíu tít hò nhau chạy theo những cánh diều. Tôi thấy mình chơi vơi cùng gió, tôi thấy mình nhẹ bẫng cùng mây, tôi thấy mình trầm ngâm cùng núi, tôi thấy mình thảnh thơi cùng chiều. Bóng núi ngả dần, loang ra, âu yếm trùm lên những mảng đồng chiều đang ư ứ duềnh lên sắc màu của mùa màng no ấm.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.