Bến nước tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi phóng tầm mắt sang phía đồi đối diện rồi nhìn lại nơi mình đang đứng, nhìn xuống cả dưới lòng thung và mường tượng… 
Cảnh quan đã thay đổi nhiều lắm nhưng tôi vẫn tưởng như mình đang là cô bé 10 tuổi của ngày xưa. Khi ấy, nhà tôi trên đỉnh đồi bên này. Một con đường nhỏ thoai thoải dốc dẫn thẳng xuống chân đồi. Qua con mương là cánh đồng được tạo nên bởi hai ngọn đồi trấn giữ, tựa như một dải lụa mềm ngắt xanh. Chân đồi bên kia có một bến nước của bà con người Jrai. Không rõ bến nước có từ bao giờ, chỉ biết khi tôi lớn lên thì đã thấy nó ở đó rồi.
Người Jrai khi lập làng, nếu gần vùng đồng bằng thì chọn đất ở ven sông rồi tìm một nơi cố định làm bến nước để lấy nước uống, sinh hoạt. Nếu ở vùng đồi núi, bà con chọn một nơi có mạch nước ngầm chảy từ vùng núi xuống lắp máng nước bằng tre để người dân sử dụng. Phía chân đồi được đào sâu vào thân đồi một vũng cao ngang hông người lớn, be bờ và cắm các ống tre chặt vát một đầu để nước trong thân đồi chắt ra cái vũng đó rồi theo ống tre chảy thành vòi. Những tảng đá lớn, mặt trên bằng xếp dưới lòng mương làm chỗ đứng hay ngồi lấy nước. Chiều về, các bà, các chị lại gùi theo những vỏ bầu khô, đen nhánh ra lấy nước và tắm giặt. Tôi nhớ mãi hình ảnh những thôn nữ để ngực trần khi tắm, khoe làn da nâu khỏe khoắn, mái tóc dài đen mướt, đôi mắt nâu với hàng mi cong cong đẫm trong làn nước mát. Tiếng cười nói rộn ràng cả bến nước.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Dọc theo bờ mương phía chân đồi là nơi sinh sống của một số loài cây rừng như: săng lẻ, bằng lăng, trâm, kơ nia… Mùa lá rụng, tôi cùng đám bạn nhặt những chiếc lá bằng lăng chuyển màu đỏ cam thả xuống mương nước tưởng như đó là những chiếc thuyền chở bao ước mơ. Ngày hè, hoa bằng lăng nở tím cả bầu trời, từng cánh hoa rụng phủ kín mặt nước, nom thật lung linh. Còn khi cây kơ nia cho quả chín, chỉ cần quả rơi xuống là chúng tôi thi nhau nhặt, nhiều khi lại tìm hạt khô để đập ăn. Vị dôn dốt, nhơn nhớt của quả, vị bùi bùi, ngầy ngậy, béo béo của hạt như còn trên đầu lưỡi. Mùa trâm chín, tôi và lũ bạn trèo cây hái quả ăn, miệng đứa nào đứa nấy nhuộm tím. Ăn đã thèm rồi thì rủ nhau nhảy ùm xuống mương mà vẫy vùng thỏa thích. 
Mùa khô, giếng nhà tôi cạn, mẹ lại gánh đôi thùng xuống bến gánh nước về đổ đầy những cái vại gốm màu đỏ gạch. Tôi lon ton ra bến nước rồi chạy theo mẹ về nhà. Con đường mòn đã in dấu chân bao người, đi nhiều tạo thành từng nấc, từng nấc như bậc thang, mẹ cất bước từng bước chân trần, bấm chặt các ngón chân vào từng viên sỏi. Tôi líu ríu bên cạnh, nghe rõ cả tiếng thở của mẹ, cảm nhận được cả vị mặn của những giọt mồ hôi ướt đầm trên lưng áo mẹ... Cứ thế, tôi lớn lên bên mẹ, bên bến nước. 
Sau này, gia đình tôi chuyển tới sinh sống ở một nơi khác, nhà ở xa lòng thung. Theo thời gian, bến nước trở thành miền ký ức. Mới đây, tôi được xem đoạn video của một nhiếp ảnh ở Pleiku quay về bến nước. Vậy là mọi kỷ niệm ùa về khiến tôi quyết tâm sắp xếp cho được một chuyến thăm nơi ở cũ. Thoáng cái đã hơn 20 năm. Men theo lối mòn nhỏ, tôi bước từng bước thật chậm đi xuống chân đồi. Bến nước vẫn ở đó như đang chờ đợi tôi, trong ăm ắp yêu thương!
TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.