Đón đầu xu hướng du lịch trải nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão, Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu-Quán quân cuộc thi hướng dẫn viên giỏi toàn quốc năm 2010 đã chia sẻ kinh nghiệm để Gia Lai xây dựng sản phẩm khác biệt, đón đầu xu hướng du lịch trải nghiệm hiện nay.

P.V: Từng dẫn nhiều đoàn du khách đến Gia Lai, ông cảm nhận như thế nào về vùng đất này?

- Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu: Gia Lai hội tụ rất nhiều tài nguyên, từ tài nguyên thiên nhiên cho đến tài nguyên nhân văn, có khí hậu mát mẻ, trong lành. Là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai có nhiều nét tương đồng về tài nguyên du lịch với các tỉnh bạn. Để tạo nét riêng, Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách quốc tế cũng như trong nước, Festival Hoa Đà Lạt trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ sở ngàn hoa; Đak Lak với sản phẩm du lịch voi Bản Đôn cũng tạo được sự khác biệt cũng như thế mạnh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Vấn đề đặt ra cho Gia Lai hiện nay là làm cách nào để tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, góp phần vào sự phong phú và hạn chế trùng lặp cho du lịch vùng. Tuy nhiên, việc xác định lợi thế và ưu tiên đầu tư loại hình du lịch nào đang còn là bài toán khó.

P.V: Theo ông, Gia Lai nên chọn thế mạnh nào dựa trên tài nguyên du lịch hiện có để xây dựng sản phẩm khác biệt và hấp dẫn?

- Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu: Gia Lai đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng vừa khai thác các giá trị bản địa, vừa thúc đẩy phát triển vùng nông thôn. Đây là hướng đi phù hợp với điều kiện của tỉnh, đồng thời hợp xu hướng du lịch hiện đại.

Theo Luật Du lịch 2017, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Nhiều địa phương, đơn vị lữ hành đã khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng theo cách hiểu, cách nghĩ, cách đầu tư khác nhau. Điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng hậu quả để lại đối với tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của địa phương thì khá nặng nề. Do đó, phát triển du lịch cộng đồng để trao lại cho địa phương, cho cộng đồng những giá trị bền vững, vừa khai thác, vừa bảo vệ văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, Gia Lai cần có bước đi thận trọng, cách làm phù hợp.

Người dân làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chuẩn bị bữa ăn phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc

Người dân làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chuẩn bị bữa ăn phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc

P.V: Là hướng dẫn viên quốc tế và đã đặt chân đến hơn 100 quốc gia, ông có ý tưởng hay kinh nghiệm thực tiễn gì để Gia Lai khai thác hiệu quả loại hình du lịch nhân văn này?

- Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu: Du lịch cộng đồng chính là “cho đi để nhận lại”, tức là khi đem đến cho người dân những cái họ thiếu, chúng ta sẽ nhận lại giá trị to lớn khác, đó là sản phẩm du lịch đặc trưng do bà con tạo ra để thu hút du khách. Đây là yếu tố góp phần đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghiệp xanh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp đáng kể cho GRDP của tỉnh trong những năm tới. Tôi xin đề nghị một hướng đi có vẻ mới ở Việt Nam nhưng không mới so với nước ngoài: đó là du lịch cộng đồng theo xu hướng trải nghiệm. Theo xu hướng này thì dù địa phương không có di sản nhưng vẫn có thể phát triển du lịch cộng đồng và không thiếu cơ hội phát triển hay thu hút khách, nhất là người nước ngoài.

Trước đây, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chúng tôi có dịp nghiên cứu điền dã, thực hiện tour thử nghiệm du lịch cộng đồng tại Gia Lai để kết nối đưa khách đến. Trong 2 năm gắn bó, chúng tôi bị chinh phục bởi tài nguyên du lịch nguyên vẹn, phù hợp với xu hướng du lịch trải nghiệm tại làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ngoài các giá trị văn hóa bản địa, điểm độc đáo là việc dẫn khách tới nhà người dân để thưởng thức món ăn “5 trong 1”. Người Bahnar đã sáng tạo loại củ mì vốn là thực phẩm chống đói trở thành những loại bánh rất độc đáo. Du khách vừa có thể trải nghiệm cách làm bánh, thưởng thức món ăn lại vừa tìm hiểu đời sống văn hóa của người Bahnar. Không gian kiến trúc của làng cũng gợi nhiều thú vị, hấp dẫn du khách. Nơi đó có gian bếp, nhà kho chứa nông sản, nông cụ… Bếp lửa luôn nồng ấm nấu những món ăn phục vụ du khách với rau mì, ốc núi, cá suối, gà nướng cơm lam.

Sau bữa ăn, chúng tôi còn được phục vụ cồng chiêng, được hướng dẫn và tham gia vào những điệu múa của người Tây Nguyên. Nhìn tổng thể, chương trình hội đủ yếu tố của một sản phẩm du lịch dựa trên cộng đồng với đầy đủ tài nguyên vốn có của làng Mơ Hra-Đáp. Tuy nhiên, yếu tố “trải nghiệm” chưa thực sự nổi bật. Du khách không muốn đi thật xa chỉ để ngắm cảnh, chụp hình “sống ảo” mà còn cảm nhận đánh giá những trải nghiệm thật sự.

P.V: Ông có thể nói rõ hơn về yếu tố “trải nghiệm”?

- Thạc sĩ Huỳnh Công Hiếu: Dân làng Mơ Hra-Đáp lâu nay đã biết cách làm du lịch, đến giai đoạn này cần phát triển ở mức độ cao hơn, chú trọng yếu tố trải nghiệm nhiều hơn. Các chàng trai, cô gái Bahnar hãy dạy cho du khách những câu chào, cảm ơn, tạm biệt bằng tiếng mẹ đẻ; hướng dẫn khách cách tạo ra những sản phẩm thủ công chứ không chỉ biểu diễn; cần có thêm khu vực để du khách tham gia trồng bắp, khoai, mì hay đặt bẫy săn bắt; hay để du khách được tận tay giã khoai, mì làm bánh, ủ rượu cần. Đặc biệt là buổi tối, bà con đưa du khách bước vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên huyền ảo với những hoạt động gắn bó ngàn đời với cuộc sống của mình. Chỉ có những trải nghiệm thực sự mới khiến du khách có thời gian lưu trú lâu ở làng.

Địa phương cũng cần có chính sách khuyến khích người dân bảo tồn văn hóa, bảo vệ những di sản không gian cồng chiêng; khôi phục ngôn ngữ, trang phục, trang sức và các lễ hội truyền thống, tạo đầu ra để người dân có thể sống được với nghề, khuyến khích sử dụng trang phục hàng ngày tại buôn làng thay vì trang phục tân thời; tạo thêm nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách như nghe già làng kể chuyện, khách tự tay dệt thổ cẩm, đan gùi, làm cơm lam, trồng trọt hoặc nấu những món ăn bản địa.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm

Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trong 1 tháng

Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trong 1 tháng

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định Festival Hoa Đà Lạt không chỉ là ngày hội của nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, mà còn là nơi gặp gỡ của du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo của Đà Lạt.

Việt Nam lọt top các quốc gia đáng du lịch nhất thế giới

Việt Nam lọt top các quốc gia đáng du lịch nhất thế giới

Trong bảng xếp hạng 20 nước tốt nhất thế giới 2024 dành cho khách du lịch do tạp chí du lịch Mỹ - Condé Nast Traveler tổng hợp, Việt Nam ở vị trí 15 với 89 điểm. Từ điểm đến đáng chú ý, giờ đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến mà du khách quốc tế đáng để ghé thăm.

Những cánh đồng hoa 'biến mất' giữa mùa đẹp nhất Hà Nội

Những cánh đồng hoa 'biến mất' giữa mùa đẹp nhất Hà Nội

Những vùng trồng cúc họa mi nổi tiếng của Hà Nội đối mặt vụ mùa thất bát, phần lớn diện tích trồng cúc họa mi chuẩn bị cho thu hoạch mất trắng vì đợt mưa lũ kỷ lục vừa qua. Thung lũng hoa Hồ Tây vốn là điểm check-in yêu thích trong mùa thu Hà Nội cũng chẳng còn hoa khoe sắc.