Đời thôn và nhịp phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở Đồng Vân (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) hiện nay nông sản xuống chợ phường bằng xe máy, khỏi phải gồng gánh qua dốc cao, suối sâu như ngày xưa. Hầu hết thanh niên 'nhoáy' smart phone lia lịa...

 Cánh đồng tổ dân phố Đồng Vân
Cánh đồng tổ dân phố Đồng Vân


Đầu năm 2020, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) được công nhận là thị xã. Phổ Thạnh từ xã được nâng lên phường. Và Đồng Vân, một thôn miền núi hẻo lánh, đã cùng với 8 thôn khác, nghiễm nhiên được gọi là “tổ dân phố” theo diện... nước nổi bèo nổi.

Đồng Vân - những câu chuyện cũ

Tôi từng tình nguyện lên dạy học ở Đồng Vân năm 1976 theo tinh thần “Paven Corsaghin” (nhân vật chính trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy). Lúc đó tôi 21 tuổi. Đồng Vân hồi đó đều nhà tranh vách đất. Ban ngày dân ra đồng hoặc lên rẫy. Không nhà nào đóng cửa vì cửa đâu mà đóng? Cũng không sợ mất gì vì chẳng có gì để mất. Ăn thì cơm ghé củ (độn củ mì, củ lang), ngủ thì giường tre hoặc võng dù. Trời lạnh chỉ đắp chiếu. Lạnh quá thì tới nhà mấy đứa học trò nam ngủ cho ấm.

Thấy tôi dạy lớp ghép vất vả quá, hiệu trưởng điều thêm một giáo viên nữa. Thầy này sợ sốt rét nên không uống nước “miền núi” mà luôn đem theo bi đông nước từ nhà lên. Hết thì nhịn khát, tuyệt không uống nước dân mời. Học trò nghịch, hay lén đổ nước trong bi đông, thay vào là nước suối. Thầy vô tư uống nước “bẩn”. Nghỉ hè, tiễn thầy xuống núi, một phụ huynh “thổ lộ” chuyện này. Thầy đỏ mặt, há miệng, không biết nói sao!

Thời khốn khó, làm gì cũng nghĩ đến tiết kiệm nên mùa trăng không ai thắp đèn dầu. Trăng không cần phải vào cửa sổ mà vào thẳng cửa chính. Làng mạc yên ắng và đẹp, vẻ đẹp cô liêu. Ở đây nhà cách nhà khá xa nên người dân ít giao lưu với nhau. Tôi nhiều khi đi dạo cả buổi vẫn không gặp ai. Vậy mới có chuyện chồng đánh vợ, bắt vợ ngồi trong vòng tròn anh ta khoanh dưới đất. Nếu vợ né đòn mà vượt ra ngoài “vùng cấm” sẽ bị đánh thêm. Nhiều lần vậy mà không ai hay.

Một bữa tôi và đám học trò đi đốn củi ngang qua nghe tiếng khóc trong “vòng tròn”. Tôi vào can anh chồng (khoảng trên dưới 40 tuổi) rằng vợ chồng đầu ấp tay gối, không nên thế này, phải như thế nọ... Anh chồng trợn mắt hỏi mày có vợ chưa? Tôi nói chưa, nhưng tôi là thầy giáo dạy ở đây. Anh chồng hất hàm về phía chị vợ tóc tai rũ rượi: “Nể thầy của mấy đứa, cho bà ra ngoài vòng. Mau rửa mặt rồi nấu nồi củ lang mời thầy”.

Thời đó thanh niên trong thôn hay mượn đồ mặc trong những tình huống cần “lấy le”. Thôn đội trưởng cao khoảng mét rưỡi, mượn tôi cái quần jeans mặc đi tán gái. Tuần sau tôi đòi thì... ngã ngửa: ống quần bị cắt mất khoảng nửa gang. Giận tím mặt, tôi nói biếu ông luôn. Anh ta gãi đầu cười, nói sẽ đền tôi cái quần bộ đội mới nhưng tôi nói thôi khỏi.

Tôi chơi thân với Hải, du kích thôn, biệt danh là Hải cạc-bin vì nổi tiếng thiện xạ. Bữa nọ vắng tanh, cộng với rảnh rỗi “sinh nông nổi”, tôi thách Hải bắn con chim sáo đang đậu trên lưng trâu, khoảng cách trên 50 m. Đoàng! Con chim hoảng hốt vụt bay, để lại vài cọng lông. Chắc viên đạn chỉ sượt qua bụng chim. Con trâu vẫn bình yên gặm cỏ. Xã đội trưởng đi tuần, nghe tiếng súng tìm tới. Cây cạc-bin bị tịch thu. Tôi và Hải bị kiểm điểm. Hải thì “sử dụng vũ khí bừa bãi, có nguy cơ gây sát thương cho dân đi làm đồng”. Tôi thì “làm thầy mà xúi bậy du kích”.

 

 Cổng tổ dân phố Đồng Vân - ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Cổng tổ dân phố Đồng Vân - ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN


Bữa bia chia hai số phận

Từ một thôn miền núi vỏn vẹn 40 nóc nhà, người Đồng Vân chân lấm tay bùn sau một đêm ngủ dậy ngỡ ngàng nghe loa trên trụ gọi mình là “dân phố”. Khác với 8 tổ dân phố (TDP) liên cư quanh phường Phổ Thạnh, TDP Đồng Vân biệt lập trên núi cao, cách trung tâm phường hơn 10 cây số đường đá gập ghềnh. Có lẽ vì vậy mà trước đây và ngay cả bây giờ, nhiều người vẫn hay gọi Đồng Vân là thôn “cô đơn”.

“Anh ơi quê đã phố rồi/Mình cũng lên phố cho đời lên hương”, đó là câu hát ru con mà tôi nghe từ chị Thuận, một người mẹ trẻ, khi đi ngang qua ngôi nhà đầu thôn Đồng Vân.

Ghé vô, hỏi thôn mình năm nay ăn tết ra sao? Chị Thuận “bắt bẻ”, giờ mà còn kêu “thôn”? TDP rồi nghen! Tôi gợi chuyện: câu hát ru nghe hay. Chị tự đặt hả? Chị nói phụ nữ TDP “thôn” đặt đó. Hát vậy để nhắc nhở các ông chồng, chẳng gì thì mình cũng đã là dân phố rồi, xuống phường họp ăn mặc cho đàng hoàng. Cứ cái nếp “thôn xưa” quần áo xuề xòa, dép tổ ong đi loẹt quẹt, quê chết! Tôi cũng “vặn” lại cho vui: hồi nãy chị chỉnh tôi. Giờ chị cũng nói “TDP thôn” đó thôi. Chị à một tiếng bẽn lẽn, nói quên quên, mới quá chưa kịp sửa.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, 78 tuổi, từng có 21 năm làm bí thư chi bộ rồi thôn trưởng Đồng Vân, băn khoăn: người Đồng Vân rặt nông dân, xưa nay chân chất, cần cù, an phận. Giờ làm dân phố, hổng biết cái chất đó còn không? Rồi ông chua chát: Dân phố chắc người ta phải trọng vọng. Thôn trưởng thuần nông như tui từng bị bạn phố coi rẻ.

Rồi ông Hạnh dẫn chứng: “Tui với một cán bộ tỉnh (đã về hưu) nguyên là bạn chiến đấu thời xẻ dọc Trường Sơn. Tụi tui vẫn hay mày tao mi tớ với nhau, chia nhau nắm cơm, hột muối. Bữa nọ tui thăm nhà nó khi nó còn đương chức. Nó mở tủ lạnh lấy bia ra, một lon và một chai. Lon “ken” nó uống. Còn chai “bia địa phương” nó đẩy qua tui. Tui đứng dậy bỏ về, cạch mặt nó từ đó. Thiệt đúng là bữa bia chia hai số phận”.

 

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, cán bộ lão thành cách mạng, nói về cuộc “di dân” của người Đồng Vân
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, cán bộ lão thành cách mạng, nói về cuộc “di dân” của người Đồng Vân


Đời sống đi lên, đời người “đi xuống”

“Thước đo” chất lượng nông thôn mới là “điện đường trường trạm”. Ở Đồng Vân, điều đó đã có. Nông sản xuống chợ phường bằng xe máy, khỏi phải gồng gánh qua dốc cao, suối sâu như ngày xưa. Hầu hết thanh niên “nhoáy” smart phone lia lịa. Ai cũng lướt “xế nổ” vèo vèo không cần “kinh qua” giai đoạn tập đi xe đạp. “Phố núi” điện sáng hơn sao. Ti vi bật tới khuya. Karaoke chát xình không hiếm. Ngày mùa, máy cày máy bừa nổ vang đồng. Thu hoạch lúa thì có máy gặt đập liên hợp. Tủ lạnh, máy giặt có mặt từng nhà. Tôi nói có lẽ chỉ còn thiếu cái máy rửa chén. Chị Thừa, cán bộ phụ nữ TDP, nói cái đó dễ mà. Nhưng người ta chê máy rửa chén chậm như rùa nên không mua.

Điều băn khoăn của ông Hạnh là thật. Cái “chân chất, cần cù, an phận” của một số người Đồng Vân đang bị xói mòn. Khi giọt mồ hôi bớt rơi, đời bớt cơ cực thì họ lại bỏ quê hương bản quán, rủ nhau xuống núi. Trung tâm P.Phổ Thạnh, thường gọi là Sa Huỳnh, là nơi họ đến ngụ cư. Những gì cơ bản cho đời sống mà Sa Huỳnh có thì Đồng Vân cũng có. Vậy sao họ vẫn “hạ sơn”? Chỉ là tâm lý sống ở trung tâm phường, nơi đồng bằng sầm uất, có vẻ “sáng” hơn là dân miền... sơn cước.

Ông Nguyễn Thu, Tổ trưởng TDP Đồng Vân, kể: Con trai tui đã ra riêng, muốn đưa gia đình xuống núi. Tui can, nói trên này đất rộng, không khí trong lành. Mày xuống đó đã chật chội, lại ồn ào bụi bặm. Rồi phải bỏ ra một mớ tiền mua đất, làm nhà. Chiều xuống núi ăn rồi ngủ. Sáng sớm lại lên quê làm ruộng. Vậy có lãng phí không? Nó nói con còn đỡ hơn những người khác, xuống Sa Huỳnh là xuống luôn, bỏ hẳn ruộng vườn cho cỏ mọc đầy. Tui bó tay.

Còn ông Lê Minh Phụng, Phó chủ tịch UBND P.Phổ Thạnh, thì cho hay gần 40 gia đình xuống Sa Huỳnh rồi. Ông Lê Thanh Long, Bí thư Chi bộ Đồng Vân, than: “Giờ Đồng Vân chỉ còn ba mươi mấy hộ thôi. Ngôi trường 2 tầng xây rồi bỏ không. Tiếc lắm!”.

Cái đà xuống núi của người Đồng Vân có vẻ không dừng lại. Học trò cũ của tôi, cũng người ở đây, giờ là giáo viên văn cấp 3, nói giọng buồn buồn: “Thầy à, đời thôn xôn xao nhịp phố, đời phố lố nhố nhịp thôn. Biết đâu mà nói”.

 

Theo TRẦN CAO DUYÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.