Đối thoại để tháo gỡ vướng mắc cho nông dân thành phố Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thường trực Thành ủy Pleiku mới đây đã có buổi đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, hội viên Hội Nông dân trên địa bàn. Nhiều vấn đề mà cán bộ, hội viên Hội Nông dân đặt ra tại buổi đối thoại đã được giải đáp cụ thể, thấu đáo hoặc được ghi nhận để xem xét giải quyết trong thời gian tới. 
Thẳng thắn nêu ý kiến
Trong không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn, bà Nguyễn Thị Bích Liễu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kênh-nêu ý kiến: “Đề nghị các cấp có thẩm quyền quản lý, kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, tình trạng rau củ quả, dùng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép đang làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng”. Trả lời ý kiến này, ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế thành phố-cho hay: Thành phố luôn quan tâm đến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thông qua các đợt thanh-kiểm tra, ngành chức năng đã tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều quan trọng nhất là nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách). Thời gian tới, Phòng Kinh tế thành phố sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện sản xuất kinh doanh đúng quy trình, nếu phát hiện vi phạm sẽ có chế tài xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Công Ích (hội viên chi hội Nông dân thôn 4, xã Trà Đa) nêu ý kiến liên quan đến diện tích đất hơn 127,8 ha tại thôn 4 do Công ty cổ phần Sông Đà 4 quản lý. Theo đó, hiện các hộ có đất tại khu vực này đã hoàn thành nghĩa vụ nộp sản lượng cho Công ty cổ phần Sông Đà 4. Đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định thu hồi đất giao lại UBND thành phố để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định, giúp các hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Bởi lẽ, đa số diện tích cà phê ở khu vực này đã già cỗi, cần tái canh. Về đề nghị này, ông Nguyễn Kim Đại-Phó Chủ tịch UBND thành phố-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành, UBND thành phố xây dựng, hoàn thiện phương án sử dụng quỹ đất 127,89 ha của Công ty cổ phần Sông Đà 4 trả về địa phương theo đúng quy định. Thành phố đang xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, khi có kết quả sẽ thông báo lại cho nhân dân.
 Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Đ.Y
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Đ.Y
Cũng tại buổi đối thoại, một hội viên Hội Nông dân phường Thắng Lợi thông tin, hiện nay, 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số các phường Thắng Lợi, Chi Lăng, Trà Bá và xã Chư Á đang sản xuất lúa 1 vụ tại cánh đồng Ia Lôm với diện tích 63 ha. Tuy nhiên, do diện tích này nằm ở vùng lòng chảo, việc tiêu úng rất chậm nên sản xuất vụ Đông Xuân không thuận lợi. Đề nghị UBND thành phố tiến hành khảo sát, đầu tư lắp đặt 1 máy bơm nước dã chiến để tiêu úng đầu vụ. Nếu làm được việc này, nông dân sản xuất kịp thời vụ, giải quyết căn bản vấn đề thiếu lương thực. Về đề xuất này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Pleiku Trần Xuân Quang nói: Ủy ban nhân dân thành phố ghi nhận ý kiến hội viên phản ánh và giao Phòng Kinh tế chủ trì, phối hợp với UBND phường Thắng Lợi kiểm tra thực tế, tham mưu đề xuất cụ thể cho UBND thành phố để xem xét, giải quyết.
Tiếp tục giải quyết vấn đề nông dân quan tâm
Buổi đối thoại với Thường trực Thành ủy Pleiku là dịp để cán bộ, hội viên Hội Nông dân chia sẻ, phản ánh tình hình thực tế tại cơ sở. Nhiều vấn đề mà cán bộ, hội viên Hội Nông dân lâu nay còn e ngại, chưa mạnh dạn phản ánh đều đã được đưa ra trong buổi đối thoại và được lãnh đạo thành phố tiếp nhận, trả lời. 
Theo tổng hợp, tại buổi đối thoại, cán bộ, hội viên Hội Nông dân đã đặt ra tổng cộng 27 câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề như: công tác cán bộ Hội ở cơ sở, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, chế độ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ chế, điều kiện để các cấp Hội chủ động tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, thành lập hợp tác xã và tổ liên kết do nông dân làm chủ; các chương trình, dự án nông nghiệp, nông dân, nông thôn; một số chính sách về quyền lợi và đời sống của nông dân, chính sách vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh... Trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đại diện các cơ quan, ban ngành của thành phố đã trả lời các câu hỏi thuộc phạm vi thẩm quyền; đồng thời tiếp nhận những ý kiến, nguyện vọng của nông dân và cam kết tham mưu giải quyết phù hợp.
Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu dự buổi đối thoại. Bí thư Thành ủy giao UBND thành phố, các ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân thành phố sớm có hành động cụ thể, thiết thực nhanh chóng giải quyết những vướng mắc được nêu ra tại buổi đối thoại. “Các vấn đề được cán bộ, hội viên Hội Nông dân phản ánh, lãnh đạo Thành ủy nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận. Ngoài trả lời trực tiếp, chúng tôi sẽ phân loại từng nhóm lĩnh vực để chỉ đạo các cơ quan liên quan giải đáp và kiến nghị với cấp trên xem xét, trả lời cho người dân trong thời gian tới”-ông Thuân khẳng định.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.