(GLO)- Chiến thắng Chư Nghé là dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân địa phương cũng như tỉnh nhà. Nhiều năm đã trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã vùng biên này tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới và đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Anh dũng trong đạn bom
Xã Ia Krai cách TP. Pleiku hơn 42 km về phía Tây, theo tỉnh lộ 664. Nơi đây có ngọn núi cao nhất vùng là núi Chư Nghé. Từ đỉnh núi này, bằng mắt thường có thể quan sát toàn cảnh làng mạc, đường đi lối lại trên địa bàn các xã Ia Krai, Ia O, Ia Chía...
Nhận thấy Chư Nghé là điểm cao chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng của vùng biên giới huyện Ia Grai, Mỹ-ngụy đã kỳ công xây dựng nơi đây thành một cứ điểm quân sự kiên cố và hiện đại bậc nhất lúc bây giờ. Nữ già làng Rơ Châm Phuyal (77 tuổi, làng Tung Breng, xã Ia Krai) nhớ lại: “Ngày đó, Chư Nghé là khu căn cứ quan trọng của Mỹ-ngụy. Địch thường xuyên vào các làng bắn giết, cướp tài sản của bà con. Đồng bào mình bị chết, bị thương nhiều lắm. Được cách mạng vận động, giúp đỡ, dân làng đoàn kết một lòng theo Đảng đánh giặc. Mình và dân làng tình nguyện theo Anh hùng A Sanh thi đua gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí cho bộ đội đánh đuổi giặc khỏi Chư Nghé, phá ấp chiến lược, bảo vệ quê hương”.
Rạng sáng 22-9-1973, lực lượng Trung đoàn Bộ binh 48 (Sư đoàn 320) phối hợp tác chiến với Đại đội 32 của Huyện 4 (nay là huyện Ia Grai) đồng loạt tấn công cứ điểm Chư Nghé. Kết quả, chúng ta đã chiếm lĩnh được trận địa, giải phóng hoàn toàn cứ điểm này như kế hoạch đã định, xóa sổ Tiểu đoàn 80 biệt động quân, bắt sống 192 tên địch, tịch thu nhiều vũ khí, thiết bị quân sự và tiêu diệt, phá hủy nhiều xe quân sự của địch. Chiến thắng này chính là đòn chí mạng trừng trị và cảnh báo hành động bội tín, phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ-ngụy. “Chiến thắng Chư Nghé không những đạt hiệu quả cao về tiêu diệt gọn đơn vị địch, mở rộng vùng giải phóng Tây Nam Pleiku và đường hành lang tiếp viện chiến lược, tạo khí thế mới cho quân và dân trong tỉnh và Mặt trận Tây Nguyên, mà còn là kết quả của chuyển biến tư tưởng trong Đảng bộ, cán bộ, chiến sĩ nhằm quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng ta” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, tập 1(1945-1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996).
Đổi mới trong hòa bình
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, cán bộ và nhân dân xã Ia Krai tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết đi đầu thực hiện định canh định cư, đổi mới nếp nghĩ cách làm, thực hiện xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo cùng các hủ tục... Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn như Đoàn kinh tế Quốc phòng 359 (nay là Công ty TNHH một thành viên Cà phê 705), Lâm trường 715 (nay là Công ty TNHH một thành viên 715, Binh đoàn 15) và đặc biệt là sự hỗ trợ từ chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây chuyển biến tích cực và ngày càng phát triển. Một vùng đồi núi hoang vu với những hố bom, hàng rào thép gai đã được thay thế bằng những khu dân cư sầm uất, những vườn cây công nghiệp và cây ăn quả tốt tươi.
Xây dựng đường ở xã Ia Krai (huyện Ia Grai). Ảnh: H.C |
Xã Ia Krai hiện có 2.441 hộ với hơn 10.000 khẩu, trong đó có khoảng 40% dân số là người Jrai sinh sống tại 15 thôn, làng. Trong xã có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi như gia đình các ông: Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyễn Như Bạt (thôn 1), Siu Quang (làng Bi Ia Yom), Rơ Mah Kla (làng Kăm), Rơ Lan Hyu (làng Bi Ya Nách), Rơ Lan Hel (làng Ia Kdoi), Rơ Châm Thinh (làng Ó)... Nhiều hộ làm ăn phát đạt, thành lập công ty như Công ty TNHH một thành viên Thùy Trang, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Song Minh (làng Doch Krót), Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Anh Minh Gia Lai (làng Bi De), Doanh nghiệp tư nhân Hải Tây Phát (thôn 1), Công ty cổ phần Xây dựng và Khai thác khoáng sản Tấn Lộc Phát (thôn 3)... “Làm ăn thuận lợi nên nhiều người từ các nơi đến đây lập nghiệp, xây dựng và phát triển địa phương. Ia Krai vì vậy có thêm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”-ông Ksor Phuyn-Chủ tịch UBND xã Ia Krai-vui mừng cho biết.
Cùng với phát triển kinh tế, Ia Krai cũng chú trọng phát triển sự nghiệp văn hóa-giáo dục. Từ một xã không có trường lớp, tỷ lệ mù chữ cao, đến năm học 2018-2019, xã đã có đầy đủ 4 cấp học (mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT) với 70 lớp, gần 2.500 học sinh. Chất lượng dạy và học ở các trường và điểm trường ngày càng được nâng cao. Hầu hết học sinh trong độ tuổi đi học đều đến trường. “Cuộc sống phát triển, con em đồng bào dân tộc thiểu số các làng không còn bỏ học nữa. Trường THPT A Sanh đứng chân trên địa bàn xã đã thu nhận nhiều con em địa phương học tập, rèn luyện trở thành cán bộ, nhân viên, lao động có thu nhập khá nên bà con vùng này phấn khởi lắm!”-ông Rơ Lan Định (làng Doch Kue) bộc bạch.
Cứ điểm Chư Nghé trước đây giờ đã trở thành thị tứ Ia Krai-trung tâm kinh tế-xã hội của xã Ia Krai nói riêng, của vùng biên giới huyện Ia Grai nói chung. Ảnh: Hoàng Cư |
Cứ điểm Chư Nghé trước đây giờ đã trở thành thị tứ Ia Krai-trung tâm kinh tế-xã hội của xã Ia Krai nói riêng, của vùng biên giới huyện Ia Grai nói chung. Thị tứ này không chỉ sôi nổi hoạt động kinh tế mà còn phát triển nhiều mặt về văn hóa, giáo dục, du lịch. Ngoài di tích chiến thắng Chư Nghé đã được xếp hạng, Ia Krai còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng do nằm trên tuyến đường đến các điểm du lịch nổi tiếng như: thác Mơ, bến đò A Sanh, lòng hồ Sê San 4, Sê San 4A... “Những điểm du lịch này thu hút du khách khắp nơi đến với Ia Krai. Huyện Ia Grai xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là triển khai tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới”-Bí thư Huyện ủy Ia Grai Dương Mah Tiệp chia sẻ.
HOÀNG CƯ