Đổi thay ở U Minh Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những quyết sách mới của nhà nước đã cởi trói cho người dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ, giúp hàng ngàn hộ dân nơi đây đẩy lùi đói nghèo.



Miệt rừng U Minh Hạ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) từng được biết đến là vùng đất kỳ bí và nghèo khó nhất vùng ĐBSCL. Nơi đây cũng từng được ví như cái túi chứa nghèo với hàng ngàn hộ dân nghèo bản địa và nơi khác kéo về bám rừng để tìm sinh kế. Trong tâm thức của họ, vì không còn đất sống nữa mới phiêu bạt về nơi rừng sâu nước độc mà nương náu.

Quá khứ đáng quên!

Xã Khánh Thuận, huyện U Minh là địa phương có rất đông hộ dân sống trên lâm phần rừng U Minh Hạ. Toàn xã có 15 ấp thì đến 10 ấp người dân sống dưới tán rừng tràm. Mặc dù được sống chung với nguồn tài nguyên dồi dào, được ví von là "rừng vàng" nhưng thu nhập chính của người dân trong suốt hàng chục năm vào rừng lập nghiệp là giăng lưới, giăng câu kiếm cá. Có thời điểm, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã này lên đến gần 50%, trong đó hộ nghèo chiếm một nửa. Những con số ấy giờ chỉ còn là quá khứ.


 

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào rừng tạo nên diện mạo mới trên vùng đất U Minh Hạ
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào rừng tạo nên diện mạo mới trên vùng đất U Minh Hạ



Ngồi trong ngôi nhà khang trang vừa xây giữa rừng, ông Phan Văn Thoại (ở ấp 1, xã Khánh Thuận) hồi tưởng những ngày tháng vào rừng lập nghiệp, từ những năm 1990, theo chính sách điều động dân cư. Gần 30 năm về đây, ông cũng như bao người ly hương khác, vẫn nghèo lại hoàn nghèo. "Hồi đó không có một mảnh đất cắm dùi, rồi sau được cấp hơn 2 ha, ai cũng mừng rơn, tưởng có thể đổi đời. Vậy mà năm sau lại nghèo hơn năm trước…" - ông Thoại nhớ lại.

Sự kiện 63 hộ dân ở Lâm Ngư trường (LNT) Sông Trẹm đồng loạt phá rừng để nuôi tôm vào năm 2007 đã nói lên cái nghèo bí bách của họ. Đến cuối năm 2012, một lần nữa tái diễn cảnh phá bỏ rừng bất chấp luật pháp. Giải thích cho hành động của mình lúc đó, nhiều người dân cho biết họ không còn đủ kiên nhẫn với cây tràm khi cuộc sống ngày càng thắt ngặt với cái nghèo đeo bám triền miên. Sự thật càng khiến người ta xót xa hơn không phải vì cây tràm thời điểm đó không có hiệu quả kinh tế, thậm chí là có giá trị hơn bây giờ. Nhưng do cơ chế, cách tính ăn chia hà khắc, tận thu của các đơn vị quản lý rừng đã dần đẩy người dân vào bước đường cùng. Cụ thể, lúc đó, tràm thu hoạch được tính theo tỉ lệ 7:3, tức đơn vị quản lý rừng 7 phần, nông dân 3 phần. Với 5 ha rừng, sau 10 năm khai thác được khoảng 300 triệu đồng, một hộ dân chỉ được hưởng 90 triệu đồng. Đã vậy, họ còn bị trừ đủ loại thuế, phí như: thuế khai thác lâm sản; phí thiết kế trồng rừng, chi phí nghiệm thu… Ngoài ra, họ còn bị tận thu tiền khoán sản lượng cá hằng năm theo định mức 14 kg cá với đơn giá 18.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Dương, một người dân ở xã Khánh Thuận, kể lại rằng với cách tính tận thu như vậy, người dân cứ mãi trắng tay. "Đó cũng là lý do tôi cùng nhiều người dân lợi dụng lúc trời mưa lớn lén vào rừng của mình để cưa cây bán. Chúng tôi bất đắc dĩ phải làm vậy vì nếu đợi tới mùa khai thác có khi không còn được đồng nào ăn" - ông Dương tâm sự.

Cái khổ của người dân khiến cho cán bộ kiểm lâm day dứt khôn nguôi. Một cán bộ ở Chi cục Kiểm lâm Cà Mau kể: "Từ năm 2012 trở về trước, năm nào cũng có hộ vi phạm quy định về rừng. Tuy nhiên, không thể phạt tiền được vì cuộc sống của họ quá khó khăn".

Cởi trói

Từ thuở "khai thiên lập địa", đất rừng U Minh đã gắn liền với cây tràm. Sự gắn kết ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ mang hình ảnh cây tràm U Minh vào thơ, nhạc. Nó vô hình trung trói chặt cuộc đời người dân U Minh Hạ vào cây tràm, cứ như không thể nào tách ra được. Có lẽ vì thế mà một thời tỉnh Cà Mau đã kiểm điểm một cán bộ lãnh đạo tỉnh vì dám chủ trương thay đổi cây tràm ở rừng U Minh bằng cây trồng khác.

Thế rồi những diện tích keo lai được trồng từ "chủ trương chui" ấy bất ngờ thu về lợi nhuận cao ngất ngưởng trong thời gian ngắn khiến nhiều người phải suy nghĩ lại. Cuộc cách mạng cởi trói cho rừng U Minh Hạ cũng bắt nguồn từ đó.

Bây giờ thì cây keo lai không còn được xem là cây trồng ngoại lai trên đất U Minh Hạ nữa. Chỉ tính riêng Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, tổng diện tích trồng keo lai đã lên đến hàng ngàn hecta. UBND tỉnh Cà Mau cũng chính thức giao đất, giao rừng cho 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng trên 3.000 ha cây keo lai tại diện tích quy hoạch rừng kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV U Minh Hạ, so sánh sau 4 - 5 năm trồng, keo lai cho thu hoạch, giá trị và sản lượng cao gấp đôi so với tràm thâm canh. Lợi thế của cây keo lai là cho lợi nhuận rất cao, trong khi vẫn bảo đảm môi trường nước, nguồn cá đồng dồi dào tại U Minh Hạ.

Trở lại U Minh Hạ lần này, tôi không tin vào mắt mình trước sự đổi thay quá ngỡ ngàng. Những con đường đất đen đã thay bằng bê-tông. Điện lưới quốc gia được kéo về. Internet ở hầu hết các tuyến dân cư. Những mái tranh liêu xiêu nay là những ngôi nhà khang trang. Những đổi thay làm tôi chợt nhớ lại phát biểu 5 năm trước của ông Dương Tiến Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: "Tôi rất trăn trở với đời sống người dân còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao nhưng lại tồn tại trên vùng đất rất có tiềm năng phát triển. Thật ra, vấn đề cố hữu của rừng U Minh Hạ là cơ chế còn nhiều điểm bất hợp lý, trói buộc sự phát triển của vùng đất vốn đầy tiềm năng. Chỉ cần thay đổi cơ chế, cởi trói cho rừng là tự khắc nó sẽ phát triển".

Đúng là sự thay đổi cơ chế cùng với chính sách khuyến nông của nhà nước đã giúp người dân nơi đây đẩy lùi được đói nghèo. Sức hút của rừng đã kéo nhiều doanh nghiệp không tiếc tiền đầu tư vào rừng, mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người trồng, giữ rừng… Và nay, không ít người từng bỏ xứ lên TP HCM, Bình Dương làm thuê, đã trở về để tiếp tục ước mơ đổi đời ở U Minh Hạ.

 


Khi được cởi trói chính sách, chỉ trong vòng 3 năm nữa, người dân dưới tán rừng U Minh Hạ sẽ hết nghèo, 5 năm nữa sẽ khá. Mốc thời gian 3 - 5 năm quả là quá ngắn so với bức tranh tổng thể về cuộc sống còn khó khăn của người dân dưới tán rừng U Minh Hạ".
 

Ông DƯƠNG TIẾN DŨNG, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau



Duy Nhân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.