Đội SOS đèo Lò Xo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 3 năm qua, khi nhắc đến Đội phản ứng nhanh cứu hộ, cứu nạn trên đèo Lò Xo (Đội SOS đèo Lò Xo, Kon Tum), cánh lái xe ở Tây nguyên nói riêng, cả nước nói chung đều biết đến họ.
 Một điểm đen TNGT trên đèo Lò Xo - Ảnh: GIA HƯƠNG
Một điểm đen TNGT trên đèo Lò Xo - Ảnh: GIA HƯƠNG
Hễ có tai nạn giao thông (TNGT) trên khu vực đèo Lò Xo và TT.Đăk Glei (H.Đăk Glei, Kon Tum) là họ có mặt kịp thời, cứu hộ miễn phí. Bất kỳ thời gian nào, bất kể đêm khuya, mưa gió, cứ biết tin có TNGT là anh em trong đội lại tìm đến hiện trường.
Xúc động tình người
Mặc dù vụ TNGT xảy ra cách đây hơn một tháng, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Quang Khánh (35 tuổi, ngụ P.An Khê, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), tài xế xe tải BS 51C-844.25, bị nạn ngày 10.9.2020 vẫn chưa hết bàng hoàng.
Khánh kể lại: “Lúc đó khoảng 16 giờ ngày 10.9, khi xe đang đổ dốc thì bất ngờ mất thắng, húc vào hộ lan được làm bằng lốp xe rồi lật nghiêng giữa đường, cabin móp méo và hư hỏng nặng. Để thoát khỏi xe, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may xe vừa bị nạn thì gặp anh Trưởng công an xã Đăk Man (H.Đăk Glei) đi qua; sau khi giúp đỡ tôi rời khỏi cabin, anh ấy đã gọi điện báo tin cho anh Hoàng (thành viên của Đội SOS đèo Lò Xo). Chừng 15 phút sau, anh em trong đội kịp thời có mặt, phân luồng giao thông, giúp đỡ tôi bốc hơn 3,5 tấn hàng sang một chiếc xe khác của công ty, tiếp tục hành trình đi giao hàng; sau đó băng bó và xử lý vết thương cho tôi”.
Khánh còn cho biết thêm, anh làm nghề tài xế xe tải chạy từ bắc vào nam hơn 6 năm nay, nhưng hiếm thấy ở đâu có những người tốt như vậy. “Là những người không quen biết, đã giúp đỡ tôi bốc hàng, cứu hộ xe TNGT trong đêm, nhưng khi tôi đặt vấn đề bồi dưỡng thì ai cũng đều xua tay từ chối”, anh Khánh nói.
“Hoàng Lò Xo” thuật lại vụ TNGT xảy ra tại dốc Miếu
“Hoàng Lò Xo” thuật lại vụ TNGT xảy ra tại dốc Miếu
Khánh là một trong hàng chục nạn nhân của các vụ TNGT xảy ra trên đèo Lò Xo được Đội SOS đèo Lò Xo giúp đỡ trong gần 3 năm qua. Chúng tôi tình cờ gặp Khánh trong dịp anh lên Kon Tum lo thủ tục bảo hiểm TNGT và được nghe anh kể lại câu chuyện trên.
Những người “vác tù và hàng tổng”
Anh Đinh Văn Hoàng (34 tuổi), một thợ sửa chữa xe máy trên đỉnh đèo Lò Xo và là thành viên trong Đội SOS đèo Lò Xo, nhớ lại: Một đêm tháng 6.2010, khi đang ngon giấc thì chị gái là Đinh Thị Phượng (nhân viên y tế của Trạm y tế xã Đăk Man, H.Đăk Glei, Kon Tum) đến gọi cửa báo tin có vụ TNGT xảy ra tại cầu Đôi trên đèo Lò Xo. Ngay lập tức, Hoàng vùng dậy khoác vội chiếc áo lạnh, dùng xe máy chở chị gái đến hiện trường, mặc dù lúc bấy giờ vết thương ở bụng do mổ dạ dày chưa đầy một tháng vẫn chưa lành. Đến nơi, Hoàng phối hợp lực lượng CSGT H.Đăk Glei giải phóng hàng để đưa người đang mắc kẹt trong cabin. Nhưng do lực tông quá mạnh, cabin bẹp dúm, những bao tải bột mì trên xe vỡ ra vùi lấp cabin. Khi đã dỡ hết hàng, kéo người ra khỏi cabin thì tài xế và phụ xe chết ngạt...
 Tài xế Khánh cùng các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo kể lại vụ TNGT trên đèo Lò Xo
Tài xế Khánh cùng các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo kể lại vụ TNGT trên đèo Lò Xo
Vụ TNGT cứ ám ảnh Hoàng. Kể từ đó, mỗi khi có TNGT là Hoàng lại có mặt kịp thời. Cũng bởi thế, cánh lái xe đi ngang qua đèo Lò Xo đều có số điện thoại của Hoàng. Đối với anh, mỗi lần đêm khuya có số lạ gọi vào máy, y như rằng trên đường đèo đã xảy ra TNGT.
Anh Nguyễn Mỹ Ly (32 tuổi), Đội trưởng Đội SOS đèo Lò Xo, cho biết: Trước hành động đáng quý của “Hoàng Lò Xo” (biệt danh cánh lái xe đặt cho Hoàng), hiểu được hoàn cảnh của lái xe đường dài gặp nạn, một số anh em đã bàn bạc và quyết định thành lập đội cứu hộ giao thông. Tháng 11.2017, Đội SOS đèo Lò Xo được thành lập với 9 thành viên từ 26 đến 34 tuổi, cùng sinh sống tại H.Đăk Glei, Kon Tum. Ly được các thành viên bầu làm đội trưởng; Ngô Quang Quyết (32 tuổi) làm đội phó để điều hành công việc mỗi khi có sự cố. Hằng ngày, họ làm nghề lái xe và buôn bán nhỏ tại gia đình. Mỗi khi có TNGT, họ lập tức lên đường đến hiện trường cứu hộ tai nạn, bảo vệ và giải phóng hàng hóa qua phương tiện khác.
Để nắm bắt và trao đổi thông tin kịp thời về tình hình thời tiết và các vụ việc trên đèo Lò Xo, anh em trong đội đã lập trang mạng xã hội với tên “SOS ĐÈO LÒ XO+”; đến nay, trang này đã có gần 1.300 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội Ford Everest Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng đội. Để có trang bị hoạt động, tháng 6.2019, Hội Ford Everest Việt Nam đã trao tặng cho Đội SOS đèo Lò Xo bộ trang bị cứu hộ giao thông gồm 7 bộ đàm các loại, gậy cảnh báo, tam giác, áo mưa phản quang, cáp tời xe, cáp kéo người, túi cứu thương...
Hội Ford Everest VN trang bị dụng cụ cứu hộ cho đội
Hội Ford Everest VN trang bị dụng cụ cứu hộ cho đội
Đội phó Ngô Quang Quyết cho biết: Địa bàn hoạt động của đội có chiều dài 70 km, từ địa phận giáp ranh tỉnh Quảng Nam đến xã Đăk Krong (H.Đăk Glei). Trong đó, đèo Lò Xo có chiều dài 27 km, nguy hiểm nhất là đoạn Km 1408+900 và dốc Miếu (nơi 34 cựu chiến binh gặp nạn năm 2005). Kể từ ngày thành lập đến nay, Đội SOS đèo Lò Xo đã cứu hộ, cứu nạn hàng chục vụ TNGT. Chỉ tính riêng trong tháng 9 và đầu tháng 10.2020 đã có 8 vụ TNGT trên đèo Lò Xo được Đội SOS đèo Lò Xo cứu hộ; phần lớn các vụ tai nạn xảy ra vào buổi chiều và đêm tối. Nhiều vụ TNGT cứ sau mỗi lần cứu hộ, bàn giao nạn nhân, phương tiện và hiện trường cho CSGT xong, anh em trở về nhà cũng là lúc trời gần sáng.
Những chuyện dở khóc, dở cười
Tuy cứu hộ, cứu nạn TNGT và giúp đỡ nạn nhân miễn phí, nhưng không ít tài xế của các vụ TNGT cứ nghĩ rằng họ là những người “hôi của” và kiếm tiền bằng cách “chặt chém” từ các vụ TNGT, bởi sự “xuất hiện” nhanh chóng của các thành viên trong đội. Có nhiều vụ, khi tiếp cận hiện trường, các thành viên phải giải thích rằng họ là những người cứu hộ miễn phí, lái xe mới cho giúp đỡ.
Một khúc cua nguy hiểm trên đèo Lò Xo
Một khúc cua nguy hiểm trên đèo Lò Xo
 
Anh Lê Thành Phát (31 tuổi), một thành viên của đội, chia sẻ: Tháng 12.2019, nhận được tin báo có vụ TNGT xảy ra trên đèo đoạn gần dốc Miếu, khi anh em đến hiện trường, tài xế một mực không cho đội giúp đỡ. Mặc dù đã bị tai nạn gãy chân và chấn thương cột sống, nhưng khi đội bảo lên xe để đưa đi cấp cứu, nạn nhân này cứ một mực chờ xe cứu thương của Trung tâm y tế H.Đăk Glei.
Hay như vụ TNGT xảy ra ngày 21.5.2019, sau khi đưa người ra khỏi cabin, bàn giao phương tiện cho CSGT, đội đã cử anh Ngô Quang Quyết lái xe trong đêm đưa tài xế đến Trung tâm y tế H.Đăk Glei cấp cứu. Đến chiều ngày 22.6, khi Quyết ghé thăm thì được các bác sĩ báo tin rằng tài xế đã đón xe trốn về Gia Lai, để lại số tiền thuốc men và viện phí cho anh thanh toán.
Còn rất nhiều chuyện trong hành trình cứu hộ, cứu nạn TNGT của đội trên đèo Lò Xo mà giờ nghĩ lại, các thành viên vẫn “dở khóc, dở cười”. Nhưng với mong muốn giúp đỡ người hoạn nạn, phân luồng giao thông cho đường thông tuyến, các anh tạm gác lại để tiếp tục hành trình cứu hộ giao thông.
Trước tấm lòng cao quý và hành động đẹp của Đội SOS đèo Lò Xo, tháng 12.2019, Chủ tịch UBND H.Đăk Glei đã tặng giấy khen cho các thành viên của đội vì đã có thành tích cứu hộ, cứu nạn trên đèo Lò Xo. Đến tháng 6.2020, Đội SOS đèo Lò Xo được Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo GIA HƯƠNG (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.