Theo trang thống kê worldometers.info, đến 8 giờ sáng 1-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận gần 34.147.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.018.168 ca tử vong. Mỹ Latinh được đánh giá là khu vực khó kiểm soát nhất thế giới; nhiều nước châu Âu, dịch bệnh cũng diễn biến xấu hơn.
Nhân viên y tế Tây Ban Nha mệt mỏi trước thời điểm thủ đô Madrid bị phong tỏa trong làn sóng Covid-19 thứ 2 |
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 1-10, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch phong tỏa thủ đô Madrid, nơi có 6,6 triệu người dân sinh sống, khi gần 44% trong 11.016 ca mắc Covid-19 mới trong ngày 30-9 tại nước này tập trung tại đây. Chính phủ CH Czech cũng quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày, từ ngày 5-10 tới. Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về tình hình dịch Covid-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo, tình hình dịch bệnh trước mắt tại châu Âu đang “rất nghiêm trọng”. Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu - Tiến sĩ Dorit Nitzan gọi đây là “lời cảnh tỉnh” khi người dân các quốc gia châu lục thời gian qua dần lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 9, đại dịch Covid-19 đã khiến khu vực Mỹ Latinh mất 34 triệu việc làm. Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Vinícius Pinheiro khẳng định, cuộc khủng hoảng lao động kinh hoàng nhất trong lịch sử này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới vốn đã ảnh hưởng tới hầu hết các nước trong khu vực.
Cùng ngày, Viện Thống kê và điều tra Argentina (INDEC) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực chiếm 10,5% dân số Argentina.
Kích hoạt nền kinh tế
Trong bối cảnh u ám trên, ILO khuyến khích các nước tái hoạch định các nền tảng kích hoạt kinh tế dựa trên an toàn y tế trong hoạt động kinh doanh, đồng thời ưu tiên tạo việc làm bền vững. Ngoài ra, cần chuyển dịch sản xuất, chính quy hóa việc làm, nâng cao bảo hộ xã hội, tiến tới các mô hình phát triển bền vững, phổ quát hơn, qua đó từng bước khôi phục kinh tế.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực dẫn đến tê liệt nền kinh tế, Chính phủ của Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã triển khai nhiều gói trợ cấp trực tiếp cho hơn 9 triệu người, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến tăng cường hỗ trợ các “bếp ăn công cộng” dành cho người nghèo.
Ngày 1-10, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, Australia sẽ chi 1,5 tỷ AUD (1 tỷ USD) để phục hồi sản xuất trong 6 lĩnh vực, trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái sâu do đại dịch. Với quyết định trên, Australia đã đặt lĩnh vực sản xuất vào trọng tâm của kế hoạch phục hồi dài hạn. Australia nhận thức được rằng nước này đã quá phụ thuộc vào nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của châu Á và dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi nguồn cung toàn cầu.
Còn Chính phủ Singapore đang tìm kiếm những biện pháp nhằm số hóa các tiến trình thương mại để tạo điều kiện thuận lợi và duy trì các dòng chảy thương mại.
Singapore cũng thông báo dỡ bỏ những hạn chế biên giới cho du khách từ Việt Nam và Australia (trừ bang Victoria) từ ngày 8-10 tới. Theo đó, du khách từ Việt Nam và Australia sẽ có thể xin cấp phép đi lại bằng đường không để vào Singapore từ ngày 1-10, và ngày sớm nhất họ có thể vào nước này là ngày 8-10.
Cũng trong ngày 1-10, Văn phòng Chính phủ Lào ra thông báo khẩn số 1049, theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hạn chế hoạt động xuất - nhập cảnh phổ thông, đóng cửa các tụ điểm giải trí, Chính phủ Lào đã nới lỏng một số quy định nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tại Ấn Độ, mặc dù số ca mắc mới theo ngày vẫn chưa thuyên giảm, nước này thông báo đã cho phép mở cửa lại các trường học, rạp chiếu phim và bể bơi sau nhiều tháng đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19.
Theo HẠNH CHI tổng hợp (SGGPO)