Năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” với nguồn kinh phí từ ngân sách hằng năm.
Đường vào thủy điện Rào Trăng 3 (từ trung tâm xã Phong Xuân). Ảnh: Anh Bắc. |
Đề án này được đánh giá là “quý như vàng” bởi sự cần thiết và thực tế theo thống kê của Tổng cục phòng, chống thiên tai: Ở Việt Nam, từ năm 2000 - 2015 có 250 trận sạt lở, cướp đi sinh mạng gần 800 người, bị thương 426 người, hàng chục ngàn căn nhà bị phá hủy và hư hỏng.
Mục tiêu của đề án là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm nguy cơ, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Theo quyết định của Chính phủ thì đề án phải hoàn thành trong năm 2020. Thế nhưng, theo báo cáo của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được TTXVN trích dẫn tháng 3.2020 thì: Do nguồn kinh phí khá hạn chế nên đến năm 2019, Đề án mới hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc của toàn Đề án.
Và vì thế, một bản đồ quy mô và chi tiết về các điểm có nguy cơ sạt lở chưa hình thành, đồng nghĩa với việc tính mạng hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn dân vẫn đang treo lơ lửng và có nguy cơ bị vùi lấp bởi sạt lở bất kỳ lúc nào. Hiện mới chỉ có 15/37 địa phương có bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đai.
Và điều trớ trêu là ngay cả những nơi đã được cảnh báo thì lời cảnh báo ấy bị phớt lờ.
Ngày 16.10, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - thông tin rằng, vào tháng 6.2019, nhóm nghiên cứu của ông đã chỉ rõ trên địa bàn huyện Phong Điền (gồm cả khu vực Thủy điện Rào Trăng 3) của tỉnh Thừa Thiên-Huế có 1 hệ thống đứt gãy chính theo phương tây Bắc - đông Nam và các đứt gãy phụ. Từ đó có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực trọng điểm Nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3”.
Bỏ qua lời cảnh báo của những nhà khoa học và hệ quả của nó là công trường Thuỷ điện Rào Trăng 3 gần như bị san phẳng, ít nhất 2 người chết, còn 15 công nhân vẫn đang mất tích.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ đầu tư Rào Trăng 3 như thế nào cần làm rõ? Còn bao nhiêu thuỷ điện vừa và nhỏ ở Thừa Thiên-Huế, ở các địa phương khác nằm trong vùng nguy cơ sạt lở mà vì mục đích kinh tế nên đã bỏ qua các cảnh báo của giới địa chất và khoáng sản?
Không thể vì thiếu tiền mà một đề án với mục đích cảnh báo, cứu người khỏi thảm họa bị đình trệ. Và càng không thể vì tiền mà các dự án cứ mọc lên bất chấp mọi lời cảnh báo, bất chấp sinh mạng của người dân, sinh mạng của những người lao động, người lính.
Theo Hoàng Lâm (LĐO)