'Đội đặc nhiệm' hoán cải xe cấp cứu F0

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa tới ba ngày, 'đội đặc nhiệm' đã hoán cải công năng chiếc xe 16 chỗ cũ thành xe cứu thương, cấp cứu được rất nhiều F0.
Trong tháng 9 vừa qua, thêm hai chiếc xe cứu thương hoán cải nữa ở cả TP.HCM và đầu cầu Hà Nội từ các thành viên cộng đồng OTO-HUI Việt Nam cũng vừa lăn bánh.
“Độ” xe trong… 2 ngày rưỡi
Trước đó, dự án “Bệnh viện tại nhà” ở TP.HCM luôn cháy máy với các cuộc gọi cấp cứu từ F0. Khi tham gia, anh Nguyễn Thanh Đàm (38 tuổi, CEO Tập đoàn Công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam) đã lấy xe mình và vài xe của công ty để chở bác sĩ đi cấp cứu bệnh nhân nhưng vẫn thấy không ổn. Vì vậy, anh tính đến phương án tìm các loại xe Ford Transit cũ, Toyota cá mập mua về hoán cải hoặc tìm các loại xe 9 chỗ, 12 chỗ cũ thuê lại. “Xe hoán cải chỉ cần lắp thêm trang thiết bị y tế cơ bản như: bình ô xy, mask thở, máy đo SpO2, kit xét nghiệm nhanh, găng tay… Kết cấu xe có ngăn khu vực tài xế và giường bệnh kiểu đơn giản. Tất cả hoạt động hoán cải sẽ do công ty của mình thực hiện”, anh Đàm chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh Đàm lên Facebook kêu gọi anh em, bạn bè ủng hộ. Khá bất ngờ, chỉ sau hai ngày, số tiền cần thiết đã được quyên góp đủ. “Nhận được sự chung tay nhanh lẹ của mọi người nên anh em cũng quyết tâm lên phương án hoán cải xe nhanh nhất để dự án Bệnh viện tại nhà cứu người kịp thời”, anh Đàm nói.
 
“Đội đặc nhiệm” tập trung ráp chiếc xe cứu thương đầy đủ công năng
“Đội đặc nhiệm” tập trung ráp chiếc xe cứu thương đầy đủ công năng
Đội đặc nhiệm độ xe cứu thương có 10 thành viên từ các công ty chuyên sửa chữa, lắp ráp ô tô tại TP.HCM do Đặng Văn Luyện (34 tuổi, CEO Trung tâm huấn luyện kỹ thuật ô tô Việt Nam - VATC) làm trưởng nhóm. Xe hoán cải thành xe cứu thương là chiếc Ford Transit đời 2007, 16 chỗ.
Yêu cầu đặt ra cho nhóm kỹ thuật là đảm bảo các tính năng của xe cứu thương và trong thời gian nhanh nhất. Sau khi xét nghiệm Covid-19, nhóm phân công công việc và bắt tay vào làm.
Chỉ trong hai ngày, họ đã thực hiện các khâu: tháo hết dàn ghế của xe và lột bỏ sàn cũ, lột trần xe để đi dây điện và đèn, còi cứu thương, hàn băng ghế, lắp đặt dụng cụ bắt bình ô xy, tủ y tế, kiểm tra bảo dưỡng lần cuối và bàn giao cho dự án Bác sĩ tại nhà.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc hoán cải công năng chiếc xe cấp cứu F0 lại gặp không ít khó khăn. Luyện chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên nên các thành viên phải liên hệ với người đã từng thực hiện việc này trong cộng đồng kỹ thuật ô tô Việt Nam Oto-hui.com. May mắn là chúng tôi được nhiều anh em nhiệt tình tư vấn phương án và kỹ thuật thực hiện, cung cấp tài liệu và tính toán vật tư trang thiết bị”.
Đội ngũ hoán cải xe tuy chưa có kinh nghiệm lắp ráp xe cứu thương nhưng nhờ có kỹ thuật ráp ô tô lành nghề nhiều năm nên với sự tư vấn từ xa của những người có kinh nghiệm, họ đã hoàn thành hoán chuyển xe cứu thương chỉ trong… 2 ngày rưỡi làm việc liên tục. Trước đó, khi đặt hàng chuyển đổi công năng xe cứu thương, một số nơi hồi đáp là phải mất ít nhất 2 tuần làm việc.
Chiếc xe yêu thương giữa mùa dịch này khi lăn bánh có chi phí chỉ khoảng 160 triệu đồng. Xe được hoán cải giống y một chiếc xe cứu thương thông dụng với đầy đủ băng ca, ghế, bình ô xy, dụng cụ cấp cứu. Trong khi một chiếc xe cứu thương mua mới có giá dao động trên 1 tỉ đồng.
Nên hoán cải xe cũ thành xe cứu thương
Đến nay các xe cứu thương hoán cải hoạt động vô cùng trơn tru, hiệu quả và cứu được nhiều người.
Anh Nguyễn Thanh Đàm và nhóm hoán cải xe cứu thương góp ý: “Theo tôi biết, TP.HCM hiện đang thiếu khoảng 100 chiếc xe cứu thương đa năng để chở bệnh nhân mất do Covid-19, chở người bệnh cấp cứu và tổ y bác sĩ đi khám lưu động… Tôi tin sự thiếu thốn này là rất cấp bách, tuy nhiên đang thiếu ở mức cục bộ và có thể khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ không còn thiếu nữa mà có thể sinh ra thừa, gây lãng phí…”.
Theo anh Đàm và nhóm hoán cải xe, thời này giống “thời chiến”, dịch bệnh căng thẳng nên làm cái gì vừa nhanh, vừa tiết kiệm tiền bạc và nguồn lực là rất cần thiết. Vì vậy, nếu tạm bỏ qua tính năng an toàn cao cấp, khấu hao và các loại niên hạn, nhóm đề xuất 2 phương án có thể giúp tiết kiệm “một đống tiền”. Thay vì mua 100 xe cứu thương với chi phí hơn 100 tỉ đồng (chưa kể các loại phí khác liên quan), số tiền đó có thể dành làm những việc cấp bách hơn như lo vắc xin, nhu yếu phẩm hoặc an sinh xã hội. Trong khi đó hiện có hàng ngàn xe tải, xe khách từ 12 - 16 chỗ đang không thể lăn bánh vì tình hình dịch bệnh và trong 2 tháng tới chưa chắc đã khả thi hơn. Nên ai có những loại xe này nên cho cơ quan chức năng thuê lại để vận hành kịp thời, giá thuê cũng không đắt, từ 10 - 20 triệu/tháng (chứ để lâu không chạy cũng hư xe). Chi phí hoán cải khoảng hơn 40 triệu để xe đầy đủ như một xe cứu thương, 100 xe chỉ khoảng 4 - 6 tỉ.
Phương án khác là mua lại 100 xe Toyota cá mập, Ford Transit cũ tầm giá từ 150 - 300 triệu về hoán cải lại mất thêm khoảng 40 triệu đồng/xe. 100 xe hết tầm 26 tỉ đồng. Khi sử dụng hết chiến dịch thì tặng lại cho các bệnh viện hoặc các đội cứu thương 0 đồng để họ giúp người.
“Với hai phương án này, áp dụng hình thức vận động cộng đồng, mở phương án hoán cải ba tại chỗ, chắc chắn 15 - 20 ngày là xong, kịp thời đáp ứng xe cấp cứu khi dịch căng thẳng”, anh Đàm tin tưởng nói.
Xe hoán cải chạy cấp cứu F0 gần 20 tiếng/ngày
 
Bàn giao xe cứu thương cho dự án Bệnh viện tại nhà. Ảnh: Hoàng Vy
Bàn giao xe cứu thương cho dự án Bệnh viện tại nhà. Ảnh: Hoàng Vy
Chỉ nửa cuối tháng 8 vừa qua, chiếc xe hoán cải này đã chạy với công suất gần 20 tiếng/ngày để cấp cứu F0 tại TP.HCM. Trước khi giao xe, đội kỹ thuật đã dán lên thân xe số điện thoại đường dây nóng để bà con dễ liên hệ khi cần cấp cứu. “Với anh em kỹ thuật, chiếc xe lăn bánh là hạnh phúc khó tả. Chúng tôi dán dòng chữ “Chuyến xe yêu thương” lên thân xe để động viên anh em tình nguyện viên và bà con cùng vượt qua mùa dịch”, anh Đặng Văn Luyện tâm sự.
Anh Hắc Ngọc Tuấn Anh, một thành viên nhóm hoán cải xe, chia sẻ: “Đây là lần đầu mình được cùng các anh tham gia một công việc ý nghĩa như thế. Mình thực sự hạnh phúc khi biết chiếc xe giúp ích rất nhiều người đang bị mắc Covid-19”.
Anh Nguyễn Thanh Đàm chia sẻ thêm một tin vui, ngày 8.9 có thêm một xe nữa được doanh nghiệp tài trợ hoàn toàn. Chiếc xe cũ chạy có khi 18 tiếng/ngày nên bị “quá sức”. Hy vọng xe mới này sẽ giúp thêm được nhiều bệnh nhân Covid-19 nữa. “À, xe được đăng kiểm đầy đủ theo công năng mới trước khi lăn bánh đấy nhé”, anh Đàm khoe.
Theo Hoàng Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.