Đời chạy thận...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà, anh Nguyễn Hoài Nam (32 tuổi, xã Kdang, huyện Đak Đoa) buông câu nói rất nhẹ mà đầy chua chát: “Giờ cực thì cũng phải chịu thôi. Không chạy thận thì chết”. Anh Nam là một trong những bệnh nhân lâu năm nhất tại Phòng Chạy thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai). Mỗi bệnh nhân ở đây là một cảnh đời riêng, đa số nghèo khó, nhưng cứ phải chạy vạy để chống chọi với căn bệnh này cho đến cuối đời.
“May còn có mẹ”
Mỗi tuần 3 lần, anh Nam được mẹ đưa từ huyện Đak Đoa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận. Mẹ anh, bà Thái Thị Anh năm nay đã 61 tuổi, nên họ chọn phương tiện di chuyển là xe khách. Anh Nam phát hiện mình bị suy thận cách đây 12 năm, sau một lần đi khám do thấy người bị phù, thường mỏi mệt. Thời điểm đó, Gia Lai chưa có máy chạy thận nhân tạo nên anh ở hẳn 2 năm tại TP. Quy Nhơn để chữa trị. Sau này, khi Phòng Chạy thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thành lập, anh Nam mới chuyển về đây.
10 năm qua, không khí lặng lẽ, yên ắng của Phòng Chạy thận nhân tạo đã trở nên quá đỗi thân thuộc với anh, còn các bác sĩ và kỹ thuật viên không khác gì người nhà, giúp anh có thêm nghị lực để cầm cự với căn bệnh này. Vừa nằm chạy thận, anh vừa chuyện trò: Nhà nghèo, không có đất sản xuất nên ngoài thời gian điều trị, anh vẫn gắng đi làm thuê để có thu nhập. Nhưng sự xui rủi, nghiệt ngã chẳng buông tha. Cách đây 3 năm, trong lúc thu hái hồ tiêu, anh Nam ngã từ trên thang xuống khiến bị gãy xương sống, xương vai, phải nằm một chỗ từ đó đến nay. Thân hình anh giờ co rút, nhỏ thó như một đứa trẻ.
Bố mất đã lâu, em gái lấy chồng lại bận chăm con nhỏ, em trai đi tù. Do đó, việc chăm sóc anh đều do một tay mẹ đảm đương. “Hồi 20 tuổi đang lo làm, chưa yêu đương gì thì đã bệnh tật, tai nạn. Giờ may còn có mẹ”-anh Nam ngậm ngùi bày tỏ.
Kỹ thuật viên Phòng Chạy thận nhân tạo chăm sóc anh Nguyễn Hoài Nam (xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Lam Nguyên
Kỹ thuật viên Phòng Chạy thận nhân tạo chăm sóc anh Nguyễn Hoài Nam (xã Kdang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Lam Nguyên
Bên ngoài hành lang, em gái anh Nam là chị Nguyễn Thị Phương Dung cho biết, do mẹ bận nên hôm nay chị đưa anh trai đi chạy thận. Hồi anh mới phát bệnh, do chưa mua bảo hiểm y tế nên mẹ phải bán nhà lo cho anh. Năm 2019, xã hỗ trợ 30 triệu đồng, gia đình góp thêm mới xây lại được căn nhà nhỏ.
10 năm nay, mỗi tuần 3 bận, bà Nguyễn Thị Hiền (59 tuổi, thôn Phú Ninh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) đều chạy xe máy chở con gái lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận. Tóc đổ bạc đã nhiều, da sạm đen do lao động vất vả, lại bị số phận thử thách không ít lần nên trông bà già hơn tuổi.
Bà Hiền cho hay, con gái út của bà là Nguyễn Thị Huyền phát hiện bị suy thận mạn từ năm 2011, khi mới 17 tuổi. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nhưng Huyền lại mắc chứng bệnh phải gắn với máy chạy thận suốt đời. Năm 2019, chồng bà qua đời do ung thư thực quản. Nhà có vài sào cà phê, hồ tiêu nhưng lụi dần do thiếu chăm sóc. 3 người con lớn đã lập gia đình song cũng khó khăn nên không nhờ vả được mấy.
“Mùa này còn đỡ, chứ mùa mưa thì cực lắm. Từ nhà lên đây qua mấy đoạn đường đất, đường trơn nên 2 mẹ con nhiều lần ngã xe lấm lem. Có lúc nghĩ cũng chán lắm, nhưng lại thương con vì nó còn khổ hơn mình. Nhiều người chạy thận cùng đợt với nó đã “đi” gần hết rồi. Còn nó giờ cũng chỉ cầm cự vậy thôi, tới đâu hay tới đó”-bà Hiền đỏ hoe đôi mắt.
Các bệnh nhân đang điều trị tại Phòng Chạy thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Lam Nguyên
Các bệnh nhân đang điều trị tại Phòng Chạy thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Lam Nguyên
Trò chuyện cùng P.V, chị Huyền cho hay, mỗi tháng, chi phí thuốc men, xăng xe mà mẹ chị phải lo khoảng 2-3 triệu đồng. Lần nào ngồi sau xe để mẹ chở đi chạy thận, chị cũng thấy thương mẹ lắm nhưng chẳng thể làm gì hơn ngoài việc cố gắng đỡ đần bằng những việc nhẹ nhàng như quét dọn nhà cửa, cơm nước hàng ngày…
Những mong ước giản đơn
Bác sĩ Lê Đức Bảo-Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc-cho biết: Phòng Chạy thận nhân tạo thành lập được 10 năm thì cũng có không ít bệnh nhân đã điều trị tại đây chừng ấy thời gian. Phòng có 18 máy chạy thận nhân tạo, hiện điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân. Mỗi máy chạy 4-5 ca/ngày, từ 6 giờ hôm trước đến 2 giờ hôm sau. Mỗi bệnh nhân chạy thận khoảng 2-3 lần/tuần.
Theo bác sĩ Bảo, có nhiều nguyên nhân gây suy thận mạn như: sỏi thận, viêm cầu thận, huyết áp… Các triệu chứng điển hình gồm: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, tiểu ít, khó thở, da sạm, nhợt nhạt… Nếu không chạy thận, các bệnh nhân suy thận mạn khó lòng duy trì sự sống.
Có đến hơn 50% bệnh nhân tại đây có hoàn cảnh khó khăn; đa phần đều có bảo hiểm y tế, nếu không thì phải chi phí lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Dù vậy, nhiều gia đình vẫn không kham nổi tiền xăng xe, đi lại, ăn uống nên đơn vị phải kêu gọi, vận động các Mạnh Thường Quân giúp đỡ.
Trên địa bàn tỉnh có  4 cơ sở y tế trang bị máy chạy thận nhân tạo gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quân y 211, Trung tâm Y tế TP. Pleiku và Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai.

Cũng có nhiều bệnh nhân nhà quá xa nên chọn cách xin trú tạm trong căn phòng nhỏ gần căng tin Bệnh viện, sau khi chạy thận xong mới tranh thủ về nhà vài ngày để rồi tất tả quay lại vào đầu tuần sau. Những ngày này, trời trở lạnh, nhìn mấy chiếc chăn mỏng mang theo là biết chúng chẳng thể giúp họ đủ ấm.

Khi chúng tôi đến tìm chị Đinh Thị Mi (44 tuổi, làng Klêch, xã Tơ Tung, huyện Kbang), chị đang lúi húi nấu cơm trong khu bếp tập thể. Chị Mi kể, chị phát hiện bị suy thận cách đây 5 năm. Gia đình phải bán hết 10 con dê cùng mấy sào đất để lo chi phí điều trị. Qua 3 năm, do bệnh ngày càng nặng nên chị phải chạy thận nhân tạo. Sáng thứ hai hàng tuần, chồng chị là anh Đinh Pen chở vợ lên Bệnh viện; sau khi chị xong 2 lần chạy thận, chiều thứ năm họ lại chở nhau về.

Nhà có 1,2 ha mì nhưng năng suất đạt thấp do không có nhiều thời gian chăm sóc. Tiền xăng xe đi lại khá tốn kém. Do vậy, chị Mi đem gạo lên tự nấu ăn để tiết kiệm phần nào chi phí. Niềm vui lớn nhất hiện giờ của anh chị là con gái lớn đã “bắt” chồng, con trai út có việc làm ổn định.

Nhà xa nên chị Đinh Thị Mi (làng K'lêch, xã Tơ Tung, huyện Kbang) mang theo gạo lên tự túc việc nấu nướng tại bếp tập thể ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cuối tuần mới về nhà
Nhà xa nên chị Đinh Thị Mi (làng Klêch, xã Tơ Tung, huyện Kbang) mang theo gạo lên tự túc việc nấu nướng tại bếp tập thể ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cuối tuần mới về nhà. Ảnh: Lam Nguyên
Nói về cơ may cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, bác sĩ Bảo khẳng định: “Nếu được ghép thận thì may ra...”. Nhưng với các bệnh nhân ở đây, đó là điều quá xa xỉ bởi mỗi ca ghép thận đòi hỏi chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Nghĩ đến tương lai của con và của mình, bà Hiền buồn bã: “Nó bệnh tật vậy thì lấy được ai nữa. Còn tôi, thỉnh thoảng tê tay, cứng khớp, một vài năm nữa không biết có chở con đi nổi nữa không? Giờ tôi chỉ mong con có đủ sức khỏe để chống chịu với bệnh tật”. Còn anh Nam chia sẻ thật giản dị về mong ước của bản thân: “Hàng ngày, mẹ phải đi làm thuê để có tiền lo cho tôi. Tôi không mong gì cho mình hết, chỉ mong sao mẹ đỡ khổ”.
*
Với những người bình thường, tương lai là những mơ ước cao vời, sáng rỡ. Nhưng những bệnh nhân chạy thận nhân tạo và người thân của họ thì chỉ mong chờ những điều bé nhỏ, đơn sơ như vậy để duy trì ý nghĩa tốt đẹp của những ngày đang sống…
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 1: Chiến thắng Đức Lập trong ký ức của một cựu binh

30/4 năm nay đánh dấu mốc chặng đường 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Để có được niềm hạnh phúc cho ngày thống nhất ấy, không biết bao nhiêu công sức, máu xương của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì Tổ quốc.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.