Xóm chỉ có 6 nóc nhà với 6 phụ nữ và 11 người con nương tựa vào nhau mà sống. Cả 6 phụ nữ đều chưa một lần mặc áo cô dâu. Và tất nhiên, những đứa con của họ đều không có một người cha hợp pháp.
|
Những ngôi nhà ọp ẹp nằm dựa vào nhau |
Thanh xuân gửi lại nông trường
Cách thành phố Pleiku 60 km, đồi C5 của Công ty 705 (xã Ia Krái, H.Ia Grai, Gia Lai) hàng chục năm nay đã trở thành nơi ngụ cư của những người phụ nữ không chồng. Dù đã nghe kể nhiều về nơi này, nhưng phải đến bây giờ tôi mới có dịp ghé thăm. Cơn mưa chiều hôm trước khiến con đường đất dẫn vào khu xóm trơn tuột, nhớp nháp.
Dốc không chồng là một con dốc cao và sâu, nằm chênh vênh trên sườn đồi C5. Nơi đây có vài nóc nhà ọp ẹp, nằm dựa vào nhau trước màn mưa lạnh lẽo.
Gọi là xóm nhưng cũng chỉ có 6 nóc nhà với 6 người phụ nữ và 11 người con nương tựa vào nhau mà sống. Vắng lặng, nghèo nàn. Cả 6 phụ nữ này chưa một lần mặc áo cô dâu.
|
Bà T. tất tả chạy về đón khách |
Thanh xuân gửi lại nông trường
Cách thành phố Pleiku 60 km, đồi C5 của Công ty 705 (xã Ia Krái, H.Ia Grai, Gia Lai) hàng chục năm nay đã trở thành nơi ngụ cư của những người phụ nữ không chồng. Dù đã nghe kể nhiều về nơi này, nhưng phải đến bây giờ tôi mới có dịp ghé thăm. Cơn mưa chiều hôm trước khiến con đường đất dẫn vào khu xóm trơn tuột, nhớp nháp.
Dốc không chồng là một con dốc cao và sâu, nằm chênh vênh trên sườn đồi C5. Nơi đây có vài nóc nhà ọp ẹp, nằm dựa vào nhau trước màn mưa lạnh lẽo.
Gọi là xóm nhưng cũng chỉ có 6 nóc nhà với 6 người phụ nữ và 11 người con nương tựa vào nhau mà sống. Vắng lặng, nghèo nàn. Cả 6 phụ nữ này chưa một lần mặc áo cô dâu.
|
Bà T. tất tả chạy về đón khách |
Cả 6 nóc nhà đều vắng bóng người, hỏi thăm mãi mới có một bé gái ra chào. Thấy người lạ, bé gái ngượng ngùng hỏi khách rồi vụt đi gọi người lớn.
Nghe có khách đến thăm, bà N.T.T tất tả chạy từ trên lô cà phê về trong bộ áo quần nhàu nhĩ. Bà T. trông già hơn với cái tuổi 62 của mình. Bà cứ khoe mãi về căn nhà tình nghĩa mới được Hội phụ nữ hỗ trợ.
“Bữa cơm, một mình một mâm, ngồi góc nào cũng lệch, nhiều đêm khơi ngọn đèn dầu tôi chỉ biết tâm sự với cái bóng cho đỡ buồn..."-Bà T.
|
Bên chén trà nghi ngút khói, bà T nhớ về những ngày đã cũ. Năm 1980, một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai thành lập các nông trường cà phê, cao su. Đến năm 1986, Sư đoàn 359 (bây giờ là công ty 705, Gia Lai) vận động hàng trăm thanh niên từ vùng đất Hải Dương vào Gia Lai làm công nhân tại các nông trường này. Tuổi xuân của họ bỏ lại ở nông trường khi đi khai hoang vỡ đất trồng cà phê, cao su. Họ phải đối diện với bom đạn còn sót lại sau chiến tranh hay những đàn muỗi, vắt bủa vây nơi rừng thiêng nước độc. Bao khó khăn vất vả khi đi khai phá vùng đất mới cứ thế vẽ những nét chân chim lên khuôn mặt từng người.
“Lúc đi, chúng tôi chỉ mới tuổi đôi mươi nên ai cũng háo hức, lao đầu vào việc. Vào đây rừng thiêng nước độc, hoang vu lắm, chỉ rừng với rừng, muỗi vắt dày đặc. Có đợt, tôi bị sốt rét rừng vàng da, rụng tóc. Mặc cuộc sống khó khăn trăm bề, ăn uống chẳng no đủ, có bữa phải ăn mít luộc thay cơm. Khó khăn là vậy nhưng chị em đều đồng lòng vượt qua để đạt cho nhiều thành tích!”, bà T. kể lại.
Đổi lại những đóng góp của họ chỉ là đau thương và nước mắt. Năm 1993, do nông trường làm ăn thua lỗ và thay đổi phương thức quản lý trong canh tác cà phê nên những thanh niên xung phong ngày nào lần lượt bị cho thôi việc. Quá lứa lỡ thì, những nữ công nhân “chưa một lần đò” chẳng dám bước chân về quê.
|
Những bà mẹ đơn thân này đều cùng một quê, cùng chung cảnh ngộ nên họ thương nhau, coi nhau như ruột thịt |
“Nhớ quê hương lắm, nhớ cha mẹ người thân, nhưng chẳng xoay sở đâu ra tiền để về. Mà dù có tiền cũng mặt mũi nào mà về quê nữa, xóm giềng người ta dị nghị mình là gái ế. Lúc ấy mấy chị em cứ ôm nhau khóc thút thít vì tủi cho cái phận của mình.”, giọng bà T. chợt chùng xuống như một điệu ru hời.
Không nhà cửa, không họ hàng thân thích, những người đàn bà khổ hạnh đành ngậm ngùi rủ nhau lên khoảnh đất trống trên đồi C5 dựng chòi ở tạm. Để kiếm cơm qua ngày, họ làm thuê làm mướn khắp nơi. Thế rồi trong số ấy, những người phụ nữ còn xuân cũng lần lượt tìm cho mình bến bờ hạnh phúc.
Chỉ còn lại 6 người vì đã quá già chẳng có ai để ý. Đó là những bà T., bà D., bà N., bà H.… Họ túm tụm lại với nhau cho vơi bớt tủi hờn. Những lúc một mình trong căn nhà dột nát, những người đàn bà chưa một lần được yêu lại ước ao có bàn tay đàn ông để đỡ đần khi mưa gió. Rồi cũng từ đây họ nảy ra ý định “xin con”.
Nhịn nhục 'xin con'
Đang dở câu chuyện, bà T. vội quay đi quệt giọt nước mắt: “Bữa cơm, một mình một mâm, ngồi góc nào cũng lệch, nhiều đêm khơi ngọn đèn dầu tôi chỉ biết tâm sự với cái bóng cho đỡ buồn, đỡ tủi. Thời con gái đi qua chúng tôi đã chôn chặt tuổi thanh xuân với nông trường, để rồi đến khi nông trường giải thể, chúng tôi cũng đã già. Đành cắn răng, nhịn nhục đi “xin” vài đứa con về nuôi cho nhà đỡ hiu quạnh. Mọi người nếu hiểu chắc cũng chẳng cười chúng tôi đâu nhỉ".
"Chúng tôi chẳng cần đòi hỏi hay ràng buộc gì người đàn ông đến với mình, chỉ cần người ta cho tôi đứa con"-Bà B. |
Bản năng làm mẹ đã thôi thúc họ, khiến họ bỏ qua mọi rào cản. Họ không cần biết người đàn ông đến với mình gia cảnh thế nào, miễn họ đồng ý “cho con”.
Những lời bông đùa, đàm tiếu rồi cũng nhàm chán đi. Họ khuyên nhủ nhau mạnh mẽ kiên cường sống cho chính mình và con cái. Những người đàn bà ấy nén tiếng thở dài, cùng nhau dựng tạm những ngôi nhà siêu vẹo để tá túc rồi lặng lẽ vượt cạn, nuôi con.
|
Cư dân của dốc không chồng tâm sự về những ngày đã cũ |
Nghe có khách tới thăm, bà T.T.B. (58 tuổi) cùng bà N.T.D. (60 tuổi) cũng kéo nhau tìm sang. Gặp khách, bà B. liền góp chuyện, bà cũng “xin” được 2 người con trai. Người con cả năm nay đã gần 30. Người con thứ 2 đang đi nghĩa vụ quân sự.
“Chúng tôi chẳng cần đòi hỏi hay ràng buộc gì người đàn ông đến với mình, chỉ cần người ta cho tôi đứa con. Đổi lại, tôi cũng không làm ảnh hưởng hay phá vỡ gia đình êm ấm của người cho tôi được làm mẹ”, bà B. bỗng nín lặng.
Không buồn sao được khi chính bà cũng đau ốm quanh năm, bị căn bệnh thoái hóa cột sống hành hạ. Dù đã ở cái tuổi 60 nhưng ngày ngày bà vẫn phải làm thuê, làm mướn đắp đổi qua ngày, thuốc thang những khi trái gió.
Hoàn cảnh của bà D cũng chẳng khá hơn là mấy khi một mình nuôi lớn 4 người con. Những đứa con cứ dần dần lớn nên trong nghèo khó, thiếu thốn. Bà D. tâm sự: “Trước đây mẹ con tớ cứ chui rúc trong cái nhà che tạm bằng mấy tấm tôn thủng người ta bỏ đi. Có những đêm gió thổi ầm ào, cả căn nhà rung lên bần bật.
Khổ nhất là những ngày mưa gió, mấy mẹ con nằm ôm nhau trong căn nhà dột nát, tránh kiểu gì cũng bị mưa tạt ướt. Có lúc mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc, cầu mong cho trời mau tạnh. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng mấy đứa nhỏ cũng hiểu và thương mẹ. Đứa nào cũng ngoan ngoãn, chăm lo làm ăn, học hành".
Sau giông bão, là hạnh phúc
Bà T tâm sự : “Chị em rủ nhau ở lại, đùm bọc nhau mà sống. Lâu lâu ngồi lại với nhau kể chuyện ngày xưa rồi lại ôm nhau khóc. Bây giờ chúng tôi đã già chỉ mong sao con cái học hành nên người. Đời chúng tôi quá khổ rồi, mong đời con khá hơn”.
Sau bao nhiêu buồn lo, vất vả, hạnh phúc cũng dần viên mãn đối với các bà khi những đứa con đã khôn lớn, được học hành, dựng vợ gả chồng gần hết. Bà D. cười tếu táo: “Ấy thế mà năm nay tớ đã được kết nạp vào hội người cao tuổi rồi cơ đấy. Mà cũng đúng tớ có cả thảy 4 đứa cháu nội, ngoại rồi còn gì. Đến giờ cũng coi như viên mãn. Con cháu hiếu thảo nên cũng mát lòng mát dạ".
Đến nay cả 6 ngôi nhà ở dốc không chồng đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai hỗ trợ xây tặng nhà Đại đoàn kết, Mái ấm tình thương. Những căn nhà không còn ọp ẹp, tồi tàn như trước.
Tôi chia tay với xóm không chồng khi cơn mưa chiều đang giăng phía bên kia đồi C5, những người đàn bà khốn khổ tiễn chân đến lưng chừng con dốc. Dáng những nữ thanh niên ngày nào giờ lọm khọm, già nua trước những sóng gió cuộc đời.
Ông Lý Minh Hoàng, Phó chủ tịch xã Ia Krái cho biết, cả 6 người phụ nữ ở xóm không chồng đều có hoàn cảnh khó khăn và đều là hộ nghèo. Hằng năm chính quyền xã có nhiều chính sách hỗ trợ như cấp phát về giống, phân bón và vật nuôi để họ phát triển kinh tế. Đồng thời chính quyền xã cũng hỗ trợ cho các hộ gia đình này vay vốn để canh tác, chăn nuôi cũng như trang trải cuộc sống.
Đức Nhật (thanhnien)