Độc đáo sản phẩm tôm hùm bằng tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu những con tôm hùm là đặc sản của vùng biển ban tặng cho người dân Nam Trung bộ thì tôm hùm bằng tre lại là đặc sản trong các sản phẩm mỹ nghệ ở miền "đất võ trời văn" Bình Định. Từ những thân tre, dây chuối, hạt cát, bông gòn… qua bàn tay tài hoa, người thợ biến thành những con tôm hùm ngoe nguẩy giống như thật.
Sản phẩm "độc nhất vô nhị" này không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn cả ở thị trường nước ngoài. Cha đẻ của sản phẩm này là cụ Nguyễn Minh Châu (91 tuổi, ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Bên trong căn nhà của cụ Châu trên đường Ngô Gia Tự (phường Bình Định), mỗi ngày đều đặn vang lên những tiếng đục đẽo, tiếng chạy máy cưa… Trên tường nhà, dọc hai lối đi, những con tôm sống động bằng tre được treo ngay ngắn. Cha đẻ của sản phẩm này đã ngoài 90 tuổi nhưng hàng ngày vẫn bận rộn với công việc đã gắn bó gần 35 năm qua.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn nên từ nhỏ cụ Châu đã phải làm đủ nghề để kiếm sống. Chính điều đó đã hun đúc cho cụ tính kiên trì, cần cù, sáng tạo. Thời trai trẻ, cụ là người nổi tiếng khéo tay nhất làng, đặc biệt cụ rất mê hội họa.
Cụ Châu phụ trách công việc làm râu tôm.
Làm nông không đủ sống, cụ biến đam mê của mình bằng nghề đắp tranh nổi. Ngày ấy còn khó khăn, những gia đình có khả năng mua tranh trang trí nhà cửa chẳng bao nhiêu, khách hàng chỉ quanh quẩn mấy người địa phương.
Tuy nhiên, cái nghề đắp tranh nổi cũng đã đỡ đần cho gia đình cụ Châu một thời gian dài. Đến khi hết khách hàng, không còn bán được tranh, cuộc sống gia đình không thể trông cậy cả vào mấy sào ruộng. Nhưng may mắn, trong cái khó ló cái khôn…
"Đang suy nghĩ xem tìm cái nghề gì phù hợp để nuôi gia đình thì tôi thấy những khoanh tre ngẫu nhiên nằm cạnh nhau ở bên đường trông rất giống lưng của con tôm, nên đã gợi hứng cho tôi ý tưởng làm tôm bằng tre. Thuở nhỏ, ở quê đi đâu cũng đụng phải tre.
Tre mọc sau vườn nhà, ngoài đồng ruộng, dọc các con đường làng. Ngày đó, tre là nguyên liệu để tôi với mấy đứa bạn tạo nên những món đồ chơi. Có lẽ cây tre đã ăn sâu vào trong tiềm thức nên khi "bí" đường mưu sinh, tôi lại có được ý tưởng từ nó", cụ Châu cho biết.
Trước khi bắt tay vào làm, cụ Châu đã đi nhiều nơi để quan sát con tôm hùm thật bơi trong nước, mọi hoạt động của nó được cụ ghi nhớ, chép lại kỹ lưỡng. Cụ mua tôm mẫu (loại tôm vỏ) về để xem cấu tạo ra sao, rồi mới bắt tay vào thực hiện.
Năm 1985, những con tôm hùm bằng tre đầu tiên ra đời rất thô mộc, chỉ to bằng nắm tay, chẳng có màu mè gì, toàn thân tinh một màu vàng của tre được hơ lửa. Có lẽ do quá thô mộc nên sản phẩm chưa thu hút được khách mua. Tiền bán được chỉ đủ vợ cụ đi chợ hàng ngày lo bữa ăn cho gia đình.
Cụ Châu lại tiếp tục mày mò, nghiên cứu cho ra đời những con tôm hùm to hơn, màu sắc đẹp hơn. Thành phần tre trong sản phẩm cũng giảm xuống chỉ còn mức 50%. Đến năm 1987, sản phẩm tôm hùm bằng tre của cụ Châu đoạt Huy chương Đồng tại Hội thi triển lãm tiểu thủ công mỹ nghệ toàn quốc ở một hội chợ tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi. Biệt danh "Châu tôm 3 nhất" gắn với cụ từ đó, bởi sản phẩm của cụ mới nhất, độc đáo nhất và giống thật nhất.
Bà Công đang làm một công đoạn để tạo ra tôm hùm bằng tre độc đáo.
Theo cụ Châu, phần đầu của tôm hùm tre nhìn phức tạp nhưng được chế tác rất đơn giản, chỉ bằng gỗ cây bông gòn rất mềm và nhẹ, phủ lên lớp keo, sau đó rải thêm lớp cát mịn, gắn râu. Khó nhất là công đoạn tạo dáng cong cong cho thân tôm.
Phần thân này được làm bằng những khúc tre tròn, cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi và được kết nối nhau bằng dây thép. Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra. Râu tôm được làm bằng dây chuối quấn vào sợi thép để dễ ngoe nguẩy.
Muốn hoàn thành sản phẩm thì phải có chất kết dính. Cụ tự tạo ra một loại keo có độ bám dính rất cao, ngâm vào nước không rữa nhưng lại không bị dính vào tay. Toàn thân con tôm hùm tre như: râu, sừng, mắt, đầu, mình, chân, đuôi được kết dính lại là nhờ chất keo này.
"Để tôm tre thật sự có hồn, ngoài bàn tay dẻo dai, tinh tế và óc sáng tạo thì nguyên liệu cũng quan trọng không kém. Loại tre chuyên dùng để sản xuất tôm phải được ngâm 6 tháng dưới bùn, sau đó vớt lên và phơi thật khô.
Cây tre sẽ được cưa ra làm nhiều đoạn, mỗi đoạn lại được tẩm, nhuộm hóa chất để có độ tuổi bền hơn. Nhuộm xong, tất cả lại được đem phơi, sấy và được xông chống mối mọt, nhờ vậy tôm tre mới có tuổi thọ cao", cụ Châu chia sẻ.
Thợ làm tôm hùm tre trong cơ sở sản xuất của cụ Châu chủ yếu là người trong gia đình. Cụ Châu phụ trách công việc làm râu tôm. Hai người cháu gái chịu trách nhiệm việc lắp ráp các đốt tre để tạo hình cho con tôm. Những việc còn lại như: xử lý nguyên liệu, cưa đốt tre, sơn màu cho tôm… đều do vợ chồng người con trai đảm nhiệm.
Ông Nguyễn Phúc Sơn (57 tuổi, con trai cả của cụ Châu) là người duy nhất trong số sáu người con của cụ nối nghiệp cha. Ông Sơn bảo, làm tôm hùm tre khó nhất là lúc uốn lưng tôm sao cho sinh động. Vì khi tôm tre được tạo dáng sẽ thoát ra khỏi dáng dấp thô kệch của thân tre, công việc khi ấy mới thành công.
"Với chất liệu tre, khi được phủ lên lớp sơn, trông không khác gì con tôm vừa được lột vỏ ngoài. Mỗi đoạn trên thân của một khúc tre cũng được chia nhiệm vụ giữ một vị trí trên thân tôm. Điều chú trọng nhất là khâu xử lý nguyên liệu, bởi tre là loại cây dễ bị mối mọt nên cần phải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt và đúng quy trình.
Hiện nay, giá mỗi con tôm hùm tre dao động từ 400.000 đồng - 1.000.000 đồng tùy theo kích thước sản phẩm. Bình quân, mỗi tháng gia đình bán được khoảng 250 - 300 con tôm tre đủ cỡ, ngày Tết thì lượng hàng bán ra tăng gấp 2 - 3 lần.
Con tôm hùm lớn nhất mà chúng tôi từng làm dài 750mm, chưa tính bộ râu, hai mắt của tôm là hai bóng đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện nay gia đình ít làm vì giá thành cao, làm rất kỳ công và kén khách", ông Sơn cho biết.
Sản phẩm tôm hùm bằng tre được treo trên tường nhà cụ Châu.
Không quảng bá nhiều, thậm chí đến cái biển để gắn ở ngoài cũng không có. Thế nhưng, sản phẩm tôm hùm làm bằng tre của gia đình cụ Châu được nhiều người biết đến. Nhà cụ Châu là một trong những điểm tham quan được nhiều người lựa chọn mỗi khi đến thị xã An Nhơn. Tôm hùm tre vì thế trở thành món quà lưu niệm hấp dẫn nhờ sự độc đáo.
"Nếu đem đối chiếu với những con tôm thật, có lẽ khó mà phân biệt đâu là thật, đâu là giả, bởi các bộ phận được tạo nên đều giống tôm thật. Đây là sản phẩm thủ công truyền thống nên phù hợp để trang trí trong nhà. Ngoài ra, tôm hùm còn gọi là "tôm rồng", tượng trưng cho sự dồi dào năng lượng, mạnh mẽ nên nhiều người chọn mua", bà Lê Thùy Công (55 tuổi, vợ  ông Sơn) cho biết.
Nghe thông tin sản phẩm tôm hùm tre độc đáo này, nhiều khách trong Nam, ngoài Bắc cũng gọi điện đặt hàng. Ngay cả với những vị khách gia đình cụ Châu chưa quen mặt, nhưng với cách làm uy tín, sản phẩm chưa bao giờ bị trả lại hay mất khách hàng.
"Khách hàng gọi qua điện thoại đặt hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản. Đúng ngày tôi cho đóng gói chuyển đúng địa chỉ. Mình làm ăn đàng hoàng, mấy chục năm nay chưa ai trả hàng hay than phiền gì chuyện chất lượng. Tôi mừng là có nhiều Việt kiều rất thích sản phẩm này nên đặt hàng mang qua tận Mỹ, Anh, Nhật Bản… làm quà để ngắm cho thỏa nỗi nhớ quê. Tôi nghe họ nói mà lòng thấy lâng lâng", cụ Châu chia sẻ.
Thấy sản phẩm tôm hùm bằng tre của gia đình cụ Châu có tiềm năng tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đã có lời đề nghị đầu tư mở rộng sản xuất nhưng đều bị từ chối. Bởi theo ông Sơn, sản xuất nhỏ lẻ kiểu gia đình mà cho ra sản phẩm tốt, đạt chất lượng mới giữ được nghề. Nếu làm ra nhiều mà sản phẩm không có chất lượng thì uy tín nghề sẽ dần mất đi.
"Cái gì cũng vậy, mình phải làm tử tế mới có uy tín. Đặc biệt, mặt hàng mỹ nghệ mà làm ào ào kiểu công nghiệp thì không yên tâm được. Dù sản phẩm của gia đình chưa từng bị ai phàn nàn về chất lượng cũng như mẫu mã, nhưng chúng tôi luôn tìm tòi, sáng tạo sao cho hoàn thiện hơn, đẹp hơn, rẻ hơn. Chỉ khi không ngừng phát triển thì mới không bị đào thải và sản phẩm truyền thống mới ngày một vang xa", ông Sơn khẳng định.
Ông Phan Thanh Hòa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn cho biết: "Không ngoa khi nói rằng, hiện nay gia đình cụ Nguyễn Minh Châu là nơi duy nhất ở Việt Nam sản xuất tôm hùm tre. Đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có sự sáng tạo đặc biệt.
Ở nước ta, bất cứ vùng miền nào cũng có tre, có thể nói việc biến những thân tre vô hồn thành những con tôm hùm sinh động như thật là sáng tạo mang tính "đột phá" trong việc giới thiệu cây tre Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Nhiều đoàn khách du lịch, kể cả khách nước ngoài, những đoàn công tác đến thăm An Nhơn, chúng tôi đều dẫn đi tham quan cơ sở sản xuất tôm tre của gia đình cụ Châu và họ rất thích thú với sản phẩm này. Hy vọng với sự thân thuộc và thân thiện từ cây tre, sản phẩm này như là một đặc sản đặc trưng của vùng đất Bình Định".
Phan Nhuận (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.