Độc đáo làng Việt: Thiên đường biển đảo Nhơn Lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ một làng chài nghèo ở vùng bán đảo TP.Quy Nhơn (Bình Định), xã Nhơn Lý đã có bước chuyển mình ngoạn mục, trở thành thiên đường biển đảo, một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, kéo theo đời sống của người dân được nâng cao.
Ngư dân làm du lịch
Nhắc đến sự “thay da đổi thịt” của Nhơn Lý, ông Trần Xuân Nhạt (72 tuổi, ở thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý) cho rằng đó là kỳ tích. Bởi cách đây tầm 10 năm, không ai dám nghĩ làng chài Nhơn Lý nằm trên bán đảo Phương Mai thành trung tâm du lịch biển đảo, thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm như bây giờ.
Theo ông Nhạt, chỉ cách trung tâm TP.Quy Nhơn chừng 22 km đường bộ nhưng khi chưa có cầu bắc qua đầm Thị Nại, Nhơn Lý gần như cách biệt với thế giới bên ngoài. Thời đó, đàn ông ở Nhơn Lý chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ, đàn bà ở nhà lo việc nội trợ, chăm con. Nhà cửa lụp xụp nằm san sát nhau trên sườn đồi, cơm không đủ ăn, cuộc sống luôn thiếu thốn. Hình ảnh những người mẹ, người vợ, người chị gánh cá, tôm đi bộ hàng chục cây số để bán, kiếm tiền đổi gạo, đổi khoai, sắn đã in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ ở Nhơn Lý.
 
Làng chài Nhơn Lý. Ảnh: Dũng Nhân
Làng chài Nhơn Lý. Ảnh: Dũng Nhân
Khi vừa lớn lên, ông Nhạt cũng theo nghề đi biển như các thanh niên trong làng chài. Nhờ tích lũy được ít vốn, ông cùng một số anh em hùn tiền mua đò chở khách, hàng hóa từ Nhơn Lý đến trung tâm TP.Quy Nhơn và ngược lại nên cuộc sống ổn định hơn.
Cuối năm 2006, cầu vượt biển Thị Nại được đưa vào sử dụng, nối liền bán đảo Phương Mai với trung tâm TP.Quy Nhơn. Hòa chung với niềm vui của người dân trên bán đảo này, gia đình ông Nhạt cũng rất hân hoan dù biết nghề đưa đò đã hết thời. Năm đó, ông bán đò rồi đưa vợ con vào nội thành Quy Nhơn sinh sống.
Giữa năm 2016, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn và một số khu du lịch ở Nhơn Lý được đưa vào hoạt động. Các địa danh, thắng cảnh ở Nhơn Lý liên tục được quảng bá trên báo chí, mạng xã hội... nên du khách về đây ngày càng nhiều. Ông Nhạt dự đoán du lịch tại Nhơn Lý sẽ phát triển nhanh nên quay về quê đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây dựng homestay.
“Du khách đến rất đông, vợ chồng tôi cho thuê phòng trọ kiêm luôn dịch vụ giặt ủi quần áo, nấu ăn, hướng dẫn tham quan, mở quán bán đồ ăn… Chỉ có 2 năm vừa rồi khách đến ít do dịch bệnh Covid-19 nhưng năm nay đã nhiều trở lại rồi. Trước đây, dù nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ vợ chồng mình đã ngoài 70 tuổi lại có thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm như hiện nay”, ông Nhạt nói.
 
Nước biển tại khu vực Kỳ Co trong xanh. Ảnh: Lê Hồ Bắc
Nước biển tại khu vực Kỳ Co trong xanh. Ảnh: Lê Hồ Bắc
Bước ngoặt đột phá
Bây giờ ở Nhơn Lý, nhà lầu mọc lên khắp nơi, xen kẽ với những ngôi nhà theo phong cách truyền thống của làng chài. Ngoài đường, trong hẻm đều thấy nhà hàng, quán ăn, homestay, khách sạn... Ô tô, xe du lịch ra vào nhộn nhịp. Không chỉ ngư dân trong làng, nhiều người ở nơi khác cũng đến Nhơn Lý mua đất hoặc thuê mặt bằng để kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Lý Lương, cho rằng sự chuyển mình ngoạn mục của Nhơn Lý là minh chứng chuẩn xác về định hướng phát triển đúng đắn, chính sách thu hút đầu tư hợp lý của lãnh đạo tỉnh Bình Định và TP.Quy Nhơn đã phát huy hiệu quả tích cực. Các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội nói chung, xã Nhơn Lý nói riêng đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm, cơ hội kinh doanh cho người dân địa phương.
 
Kiến trúc và những con đường nhỏ xanh mát ở làng chài Nhơn Lý thu hút du khách. Ảnh: Hoàng Trọng
Kiến trúc và những con đường nhỏ xanh mát ở làng chài Nhơn Lý thu hút du khách. Ảnh: Hoàng Trọng
“Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là những ngư dân trước đây đi biển không đủ ăn, giờ thành chủ homestay, nhà hàng, quán ăn hoặc làm nghề lái ca nô, lái xe chở khách… Còn phụ nữ cũng không phụ thuộc vào công việc của chồng nữa mà đã có việc làm từ các nhà máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, kinh tế hộ gia đình”, ông Thanh nói.
Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh cho biết lượng du khách đến Nhơn Lý trong năm 2019 đạt trên 354.000 lượt (tăng hơn 25.000 lượt khách so với năm 2018). Trong 2 năm 2020 và 2021, khách du lịch đến Nhơn Lý chỉ đạt 364.000 lượt do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch tại Nhơn Lý sôi động trở lại.
“So với năm 2015, tổng thu ngân sách năm 2020 của Nhơn Lý tăng hơn 10 lần (đạt hơn 5,9 tỉ đồng - PV), thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần (đạt 46,6 triệu đồng). Đến năm 2021, tổng thu ngân sách của Nhơn Lý đã tăng lên 7,2 tỉ đồng. Nhơn Lý được lãnh đạo tỉnh đánh giá là một trong những địa phương ven biển phát triển khá nhanh, đặc biệt là trong hoạt động phát triển du lịch”, ông Danh nói.
Phát triển du lịch cộng đồng
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Nhơn Lý được như ngày nay là nhờ có nhiều thắng cảnh nổi tiếng cùng hệ sinh thái biển đa dạng, được du khách xem như “thiên đường biển đảo”. Trong đó, Kỳ Co được ví như “Maldives của Việt Nam”; Eo Gió được gọi là nơi có hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam; hay Hòn Sẹo, Hòn Nhàn, Bãi Dứa... rất thuận lợi để tắm biển, ngắm san hô hoặc khám phá các hang động. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng hình thái đô thị của làng chài Nhơn Lý có nét đặc trưng độc đáo riêng, hoàn toàn được bố trí dựa vào tập quán đặc điểm nghề cá để ngư dân sinh sống tiện lợi, an toàn nên có sức hấp dẫn với du khách.
 
Văn hóa làng chài và đời sống tâm linh phong phú khiến Nhơn Lý thu hút được khách du lịch. Ảnh: Hoàng Trọng
Văn hóa làng chài và đời sống tâm linh phong phú khiến Nhơn Lý thu hút được khách du lịch. Ảnh: Hoàng Trọng
Ngoài cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, người dân Nhơn Lý cũng rất chịu khó học hỏi để cùng xây dựng hình ảnh du lịch của địa phương. Vào mùa đông vắng du khách, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Nhơn Lý đã cùng nhân viên của mình đi du lịch khắp nơi, từ Đà Lạt, Hội An, Nha Trang đến các tỉnh ở phía bắc nhằm học hỏi cung cách phục vụ, thái độ ứng xử để làm hài lòng du khách.
Hiện UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quy hoạch bảo tồn và phát triển kiến trúc văn hóa làng chài để phát triển du lịch bền vững tại Nhơn Lý, đồng thời đang triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng, xã Nhơn Lý…
“Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, đào tạo nhân lực, Nhơn Lý còn củng cố lại đội hát bả trạo, đội bài chòi cổ (văn hóa dân gian), bảo tồn và phát triển san hô… Chúng tôi cũng lên kế hoạch kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tổ chức thí điểm một số tuyến ẩm thực, đồ lưu niệm và tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch để giữ hình ảnh du lịch của địa phương”, ông Danh nói. (còn tiếp)
Theo UBND xã Nhơn Lý, tổng diện tích tự nhiên của xã hơn 1.495 ha. Trong đó, UBND xã Nhơn Lý quản lý có 94 ha, còn lại do Ban Quản lý khu kinh tế Nhơn Hội quản lý. Dân số của xã hiện khoảng 9.500 người (2.054 hộ) được chia làm 4 thôn: Lý Hưng, Lý Lương, Lý Chánh, Lý Hòa.
Hiện cả xã có 45 cơ sở kinh doanh thương mại du lịch và 55 ca nô, 18 mô tô nước, 29 xe điện, 24 cơ sở kinh doanh lưu trú với khoảng 200 phòng… để phục vụ du khách.
Theo Hoàng Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.