Bài đăng trên Thời báo Tài chính của Anh ngày 14-3 cho rằng Việt Nam đang là một lựa chọn thay thế Trung Quốc cho các doanh nghiệp nước ngoài nhờ mức lương công nhân thấp, tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi lợi thế mức chi phí sản xuất thấp của Việt Nam sẽ không kéo dài.
Bài báo phân tích tiền lương tăng nhanh có thể là một vấn đề đau đầu đối với các nhà sản xuất cũng như giới lãnh đạo tại Trung Quốc, nhưng đó lại là tin tốt cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Công ty XP Power - nhà sản xuất linh kiện điện tử của Anh, vừa mở tại tỉnh Bình Dương, là một ví dụ.
XP Power là một trong nhiều nhà sản xuất đang tìm cách đa dạng hóa các cơ sở sản xuất ngoài các cơ sở đã có tại Trung Quốc để có thể tận dụng mức lương lao động thấp và giảm thiểu những rủi ro của việc chỉ tập trung sản xuất tại một địa điểm - sự nguy hiểm đã được thấy rõ hồi năm ngoái qua những tác động đối với ngành công nghiệp từ trận lũ tại Thái Lan và động đất tại Nhật Bản.
Sự xuất hiện của các công ty như XP Power, sẽ thử thách xem Việt Nam liệu có đủ những công nhân lành nghề và cơ sở hạ tầng cần thiết để thu hút thêm nhiều nhà sản xuất hàng hóa chất lượng cao và công nghệ tiên tiến hay không.
Các doanh nghiệp tiên phong như Intel và Samsung đã thành lập nhà máy tại Việt Nam và đẩy mạnh năng lực sản xuất. Nokia hồi năm ngoái cũng công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động ở miền Bắc Việt Nam.
Ông S.Kesavan, Giám đốc Công ty Điện tử Jabil Circuit (Mỹ) tại Việt Nam, nhận định: "Năng suất tại Việt Nam vẫn thua Trung Quốc một chút, nhưng sự leo thang chi phí gần đây tại Trung Quốc khiến chúng tôi buộc phải chuyển địa điểm sản xuất để có thể cạnh tranh."
Jabil Circuit hiện có kế hoạch tăng lực lượng lao động tại nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi sản xuất đồng hồ đo năng lượng và các đầu đọc thẻ tín dụng, từ 1.000 lên 3.000 nhân viên trong hai năm tới.
Công ty ScanCom International của Đan Mạch - một trong những nhà xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời hàng đầu thế giới, là một trong những công ty đang hướng tới dây chuyền sản xuất giá trị cao tại Việt Nam.
Theo Giám đốc điều hành Stig Maasbol của ScanCom, công ty này đã tăng gấp đôi sản lượng tính trên mỗi lao động tại nhà máy ở Bình Dương với 4.000 lao động bằng cách trang bị các thiết bị hiện đại để chuyển phế thải thành các sản phẩm mới và tăng cường đào tạo.
ScanCom có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng một lần nữa trong vòng hai năm tới bằng cách trang bị máy móc tiên tiến hơn, chẳng hạn như các rôbốt khoan và chà nhám có khả năng thay thế cho 50 lao động thường và chỉ cần 1 người giám sát.
Giám đốc Stig Maasbol nói rằng: "Nếu sự hấp dẫn của Việt Nam chỉ còn là tiền lương thì các công ty sẽ sớm hướng tới Campuchia và Myanmar".
Theo TTXVN