(GLO)- Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Gia Lai luôn quan tâm tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác tôn giáo. Trong đó, trên cơ sở xác định Gia Lai là tỉnh có nhiều tôn giáo, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật và đường hướng hành đạo, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể triển khai làm tốt việc đưa chủ trương, chính sách về tôn giáo đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Văn Điềm tặng hoa chúc mừng tại lễ khánh thành thánh thất họ đạo Cao đài Lệ Trung-TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Baha’i. Tổng số chức sắc, chức việc, tu sĩ là 2.163 người, trong đó có hơn 600 vị chức sắc các tôn giáo. Toàn tỉnh có gần 190 cơ sở thờ tự và sinh hoạt tôn giáo. Đồng bào theo các tôn giáo có 345.939 người (chiếm khoảng gần 30% dân số trong tỉnh), trong đó riêng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và Tin lành chiếm hơn 48% tín đồ các tôn giáo. Vào dịp Tết Nguyên đán và lễ trọng của các tôn giáo, MTTQ đã cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tổ chức gặp mặt thân mật, tặng quà các chức sắc, tu sĩ và đồng bào tôn giáo tiêu biểu, ghi nhận và biểu dương những thành quả tích cực của đồng bào trong việc sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo, tham gia các hoạt động từ thiện và nhân đạo, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; động viên toàn thể các chức sắc, tu sĩ và tín đồ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với việc tạo điều kiện cho đồng bào theo đạo Công giáo, Phật giáo và Cao đài sinh hoạt ổn định, từ khi Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam và Ban Đại diện Tin lành tỉnh được thành lập vào năm 2001 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thành lập các chi hội trực thuộc, đến nay toàn tỉnh có 56 chi hội và hơn 150 điểm nhóm sinh hoạt. Bên cạnh đó từ năm 2008, Hội thánh Tin lành Plei Marin (xã Ia Ma Rơn-huyện Ia Pa) là Hội thánh đầu tiên của hệ phái Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại Gia Lai. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho đạo Baha’i hoạt động chính thức tại Gia Lai sau khi cộng đồng tôn giáo Baha’i được Nhà nước công nhận từ tháng 7-2008.
MTTQ tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức cho chức sắc, tu sĩ và tín đồ quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) về công tác dân tộc và tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho hơn 3.000 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo...
Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào theo đạo Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam-miền Nam tại Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật |
Mặt khác, việc phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo đã được các địa phương quan tâm. Đến nay, ngoài những người được tín nhiệm tham gia làm cán bộ MTTQ và các đoàn thể, đã có hơn 50 người vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, góp phần tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng và quần chúng nhân dân nói chung, tín đồ và các tôn giáo nói riêng. Từ các phong trào thi đua yêu nước, đã có hơn 100 cá nhân và hộ gia đình là đồng bào các tôn giáo trên toàn tỉnh được chọn biểu dương về thành tích gia đình sản xuất giỏi và công tác xã hội tốt...
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, phụ trách về công tác dân tộc và tôn giáo cho biết: “Qua thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng như về công tác tôn giáo đã động viên các vị chức sắc phát huy vai trò của mình trong việc đoàn kết tập hợp đồng bào theo đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và sống “Tốt đời-Đẹp đạo”, xây dựng tinh thần đoàn kết lương-giáo trong khu dân cư, cùng với bà con tăng cường các hoạt động từ thiện xã hội và tương thân tương ái, thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chung tay vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh...”.
Thanh Nhật