Đỗ Trạc: Thanh xuân gửi trọn quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giữa những ngày mặt trận An Khê đang đẩy mạnh chiến tranh du kích, sự hy sinh quên mình của đồng chí Đỗ Trạc càng thổi bùng ngọn lửa căm hờn và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân địa phương. Đồng chí Đỗ Trạc là Bí thư chi bộ đầu tiên của vùng đất An Khê, cũng là người có công xây dựng phong trào cách mạng ở Cửu An trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Trong ngôi nhà nhỏ tại thôn An Điền Bắc 1 (xã Cửu An, thị xã An Khê), những mảnh ghép về Anh hùng Đỗ Trạc lần lượt hiện lên qua hồi ức của ông Đỗ Nhân. Mặc dù đã bước sang tuổi 85, tai không còn nghe rõ và mắt cũng kém tinh anh, song mỗi khi có ai hỏi về người em họ Đỗ Trạc, ông Nhân vẫn kể lại rất tường tận bằng chất giọng đầy thương yêu xen lẫn tự hào.
Thỏa chí trai cứu nước
Đồng chí Đỗ Trạc sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân tại xã Cửu An, huyện An Khê (nay là thị xã An Khê). Vốn siêng năng và hiếu học, từ nhỏ, ông đã được nhiều người gần xa yêu mến. Sớm nhận thấy tư chất thông minh của cậu con trai thứ 4 nên cha ông-cụ Đỗ Chuyên-đã cố gắng cho con đi học xa để thành tài. Đỗ Trạc học Tiểu học ở Kon Tum, sau đó tiếp tục ra Huế học trung học. Tại những nơi này, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các hoạt động của tù chính trị lưu đày ở Đak Tô, Đak Sút và ngục Kon Tum cũng như phong trào đấu tranh của nhân dân, trí thức ở Huế thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ý chí đấu tranh cách mạng bắt đầu sục sôi trong lòng người con An Khê yêu nước. Từ đó, ông cố gắng học tập, tiếp thu kiến thức với mong muốn góp phần giúp quê hương thoát khỏi cảnh nô lệ tăm tối, đói nghèo. “Hồi ấy, vì không cam lòng trước sự bóc lột của thực dân Pháp đối với dân ta nói chung và giới trí thức nói riêng nên Trạc đã bí mật tham gia rải truyền đơn nhằm chống văn hóa nô dịch, truyền bá văn hóa dân chủ, mở mang dân trí cho nhân dân”-ông Nhân kể.
 Ông Đỗ Nhân đang đọc lại phần ghi chép về liệt sĩ Đỗ Trạc từ cuốn gia phả của dòng tộc. Ảnh: H.T
Ông Đỗ Nhân đang đọc lại phần ghi chép về liệt sĩ Đỗ Trạc từ cuốn gia phả của dòng tộc. Ảnh: H.T
Năm 1941, Đỗ Trạc về An Khê góp sức mở mang dân trí thông qua những việc làm như: mở cửa hiệu cho thuê sách báo, mở hiệu thuốc chữa bệnh cho đồng bào, dựng lò gạch để sản xuất vật liệu xây dựng, sắm xe bò vận chuyển vật liệu kiếm sống… Trong giai đoạn này, lòng ông luôn kiên định và hướng về cách mạng.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh bùng nổ ở các tỉnh đồng bằng dội đến An Khê. Đỗ Trạc cùng một số người bạn của mình chớp thời cơ mở rộng tầm hoạt động, tập hợp lực lượng tiến bộ trong thanh niên và quần chúng nhân dân vào tổ chức “Đoàn Thanh niên Chấn Hưng-An Khê” nhằm đẩy mạnh các hoạt động yêu nước, phát huy tinh thần dân tộc; đồng thời bí mật cử người đi tìm cơ sở cách mạng ở miền Trung. Tại Quảng Ngãi, Đỗ Trạc đã liên lạc được với Việt Minh và được giao nhiệm vụ in truyền đơn, chuyển tài liệu, tin tức… Cũng trong thời gian này, ông có điều kiện tìm hiểu phong trào chung, tiếp thu chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh.
Trở lại An Khê vào cuối tháng 7-1945 với chương trình hoạt động cách mạng của Việt Minh, Đỗ Trạc cùng Đoàn Thanh niên Chấn Hưng khẩn trương củng cố, xây dựng lực lượng, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển, nhanh chóng tiến tới giành chính quyền. Giữa lúc phong trào tiền khởi nghĩa đang sục sôi, người vợ yêu dấu của ông không may qua đời sau khi hạ sinh cô con gái. Nén đau thương, Đỗ Trạc gửi lại đứa con bé bỏng cho cha mẹ vợ và tiếp tục chiến đấu. Nhờ hoạt động năng nổ, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và làm Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên ở An Khê.
Bất khuất trước kẻ thù
Từ năm 1992, tượng đài liệt sĩ Đỗ Trạc được đưa về đặt tại trụ sở xã Cửu An. Hàng năm, vào dịp 27-7 hay Tết Nguyên đán, cán bộ và nhân dân địa phương cùng nhau tập trung về đây để dâng hương tưởng nhớ ông và ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Tại thị xã An Khê còn có những ngôi trường và con đường mang tên ông.

Đang say sưa với chuỗi ký ức tự hào về người em họ, ông Đỗ Nhân bỗng khựng lại, giọng chùng xuống: “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày cuối cùng gặp Trạc. Đó là một ngày của năm 1946, khi Trạc bí mật về thăm gia đình. Cậu ấy ăn bận giản dị, dáng người thì cao và ốm. Gặp mặt cha tôi, cậu dặn đi dặn lại việc cả nhà phải đi tản cư gấp, bởi sẽ gặp nguy hiểm nếu Pháp biết được mối quan hệ giữa chúng tôi. Nghe lời Trạc, chúng tôi dắt nhau di tản xuống Bình Định. Cha tôi vì không đành lòng rời bỏ xứ sở nên sau khi ra đi rồi vẫn bịn rịn quay về và bị Pháp bắt lại, tát 4 cái vào mặt để tra hỏi tung tích của Trạc. May là chúng vẫn chưa phát hiện cha tôi là bác ruột của Trạc nên khảo không thành thì thả về”.
Tháng 1-1947, trong khi đang đi công tác, đồng chí Đỗ Trạc bị địch phục bắt. Biết ông là cán bộ quan trọng ở địa phương, Pháp và bọn tay sai dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn bằng nhiều cực hình. Cuối cùng, chúng cũng đành bất lực trước tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản quê hương Cửu An anh hùng. Sáng 7-3-1947, giặc Pháp đem ông đi xử bắn tại sân vận động An Khê để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân trong vùng. Giữa vòng vây súng đạn của kẻ thù, gương mặt ông vẫn bình thản nhìn thẳng về phía bà con-những người bị địch bắt ép đến chứng kiến cảnh chúng hành hình ông-một cách đầy trìu mến như tiếp lửa đấu tranh và gửi lời vĩnh biệt. Dù mặt tím bầm, hai tay bị trói phía sau lưng, ông vẫn khẳng khái hô vang: “Đả đảo thực dân Pháp xâm lược! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Rồi sau một loạt tiếng súng nổ vang trời, Đỗ Trạc từ từ ngã xuống. Ông đã mãi mãi nằm lại ở tuổi 26 cùng một tấm lòng thủy chung son sắt dành cho quê hương.
“Ở vùng tản cư, hay tin Trạc bị giặc bắt rồi đem ra xử bắn, gia đình tôi đau đớn vô cùng nhưng không thể nào về tìm cậu ấy. Thím tôi xót thương con trai mà cũng đành phải nuốt ngược nước mắt vào trong, thậm chí khóc lén lút vì sợ địch nhận ra sự bất thường. Nỗi đau càng lớn, lòng căm phẫn với kẻ thù xâm lăng càng ngùn ngụt trong mỗi chúng tôi. Sau ngày giải phóng, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình mới tìm lại được hài cốt Trạc. Giờ cậu ấy đã an nghỉ cùng các đồng chí, đồng đội của mình tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê. Với dòng họ Đỗ chúng tôi, Trạc là cả một niềm vinh dự lẫn tự hào”-ông Nhân chia sẻ.
Sự hy sinh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Đỗ Trạc không chỉ cổ vũ tinh thần đấu tranh trong nhân dân khi đó mà còn mãi là tấm gương sáng lưu truyền đến các thế hệ hôm nay và mai sau.
Hồng Thi
---------------------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.