Diêu bông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một cái đập mới làm cho dòng nước chuyển hướng, một bức tường mới làm cho con gió đổi chiều. Thùy sẽ không nhận ra con gió mạnh ra sao, dòng nước dữ thế nào nếu như không có một cơn cớ như chiều hôm ấy, Tuấn nhìn Thùy bằng con mắt  của người đàn ông đầy đam mê và mãnh liệt. Nếu không có nó, Thùy cũng không nghĩ ra là bao lần mình về, người đầu tiên muốn gặp là Tuấn. Dù lúc đó cậu chàng có đi nửa vòng đất nước, vẫn cứ về đúng chiều đó, cái chiều Thùy về đến sân bay. Và mỗi lần đi, cái hụt hẫng đầu tiên Thùy nghĩ đến cũng là Tuấn. 
 

 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

- Em yêu chị!

Cậu bé gào lên.

Người chị cười buồn, ra vỗ vai chú bé:

- Về nhà thôi, mẹ đợi đấy. Em ra ngoài thế này không được đâu, lạnh hết rồi này.

- Không!

Khuôn mặt cậu chàng cương nghị lạ thường:

- Đừng vỗ về em. Đừng an ủi em. Chị chỉ thấy cái bề ngoài, cái  tuổi tác. Chị không thấy những gì ẩn sâu trong tâm hồn em. Những suy nghĩ của em hoàn toàn của một người đàn ông. Em có gào lên, chị cũng không tin. Như lúc này, em bảo, em yêu chị. Chị vẫn cười. Vẫn đến xoa đầu. Vẫn làm công tác từ thiện tình cảm. Em không muốn. Xin chị hãy nhìn em bằng con mắt của người đàn bà với người đàn ông. Dù không thể mê đắm. Dù em rất cần sự mê đắm đó.

- Em, về đi-giọng cô gái chùng xuống-chúng ta nói chuyện sau.

Trong thâm tâm Thùy, đứa bé hàng xóm mười năm sau không khác gì so với mười năm trước. Mười năm trước, nó còn chạy theo cô dọc các con phố để nhặt những thứ thừa người ta vất đi. Mùa Trung thu, nó sang gọi: “Chị Thùy ơi, làm đèn kéo quân đi. Chị Thùy ơi, hôm này tổ chức Trung thu chị cho em theo với”. Thùy xoa đầu nó: “Về đi, học ngoan, hôm nào đi chị sẽ gọi”.

Thùy kéo nó theo dọc mùa Trung thu. Cùng nó chạy lăng xăng trong những gian hàng người ta bán đèn lồng, bán cốm. Dắt nó chạy khắp cánh đồng có mùi lúa chín. Dọc đường làng có mùi ổi, mùi hồng.

Mười năm. Trong con mắt Thùy, nó vẫn thế. Dù thân xác có to ra, có phương phi, vạm vỡ. Chỉ làm cho Thùy nghĩ, nó thật xinh trai. Chỉ muốn bấu vào cái má kia. Cầm cái mũi hểnh lên, soi rồi véo một cái: “Nhóc con, đẹp trai nhỉ”.

Giờ như thế, nó lặng im. Nó không vào hùa cùng Thùy như mười năm trước: “Á, em đau, chị đáng chết”. Nó lặng im. Có lúc nó nhìn sâu vào mắt Thùy, cái nhìn lạ lắm. Lúc đó, chỉ đủ làm Thùy nghĩ: “Thằng bé này đa cảm. Chưa chi đã mang bộ mặt của ông già. Rồi khổ đây”.

Thùy về ba lần. Cả ba lần dù ở nơi xa nó vẫn bay về. Có lần nó rủ: “Chị Thùy ơi, chị nhớ con mương ở đầu bãi không. Chị em mình ra đó đi. Cái ngày chị nhảy xuống nhặt dép cho em suýt chết đuối. Em nhớ lắm. Mỗi lần về nhà, em vẫn ra đó ngồi. Nhớ tuổi thơ chị à”.

Và lần nào Thùy cũng đi cùng nó. Khi là con đường làng cỏ mọc xanh, giờ đã thành phố hết. Ngày xưa, cây trái sai trĩu trịt, hai chị em vừa đi vừa hái trộm. Có hôm, ra tận cánh đồng lúa tít xa hít hà mùi nếp chín người ta chuẩn bị gặt về giã cốm, bán vào mùa Trung thu.

Lần nào Thùy về cũng gặp nó, và mỗi lần nó một lớn hơn. Nó đã ra trường. Giờ làm kỹ sư, đi công trình khắp đất nước. Thùy đã chớm đến cái đầu ba của thì con gái. Nhưng xứ người, không nặng nề lễ giáo, Thùy mặc sức “tung hoành”. Dù đôi lần bố mẹ cũng giục. Nhưng cô bác sĩ dường như lấy việc phấn đấu cho sự nghiệp, việc thực hiện những chuyến công tác thiện nguyện làm vui.

Mỗi lần về Việt Nam, Thùy có thói quen thăm lại bạn bè. Cái Hương, cái Hồng. Giờ, đứa thì con bồng con bế. Đứa thì  buôn chuyến tận Lào Cai, Trung Quốc. Có đứa cũng như Thùy, chưa lấy chồng, lăn lộn ngược xuôi cùng công việc, mở công ty riêng, làm bà giám đốc. Á, Âu, Mỹ, Phi, đi khắp.

Chỉ có Tuấn dường như vẫn thế. Sự thay đổi không là mấy. Hay Thùy không cho đó là sự thay đổi. Có chăng là chiều cao. Còn đâu vẫn thế. Ngôi nhà của Tuấn vẫn nằm khiêm nhường ở con phố cũ. Bố mẹ Tuấn vẫn dạy ở một trường cấp III. Căn gác cũ nơi hai chị em ngồi dạy nhau học xưa kia, hôm trước Thùy theo Tuấn lên, vẫn thấy cây đàn từ thời chú Tuấn đi chiến trường để lại, giờ Tuấn dùng. Vẫn giỏ phong lan bên mảng tường nham nhở.

Tuấn vẫn thế. Chẳng qua thời gian đánh dấu cậu ở tuổi hai mươi tư. Hai mép râu đã xanh, cùng cái vạm vỡ của chàng trai khỏe mạnh. Còn đâu, vẫn thế. Cái mũi, cái miệng, cái cười, mà hơn một lần ở nước ngoài mỗi khi nhớ về, Thùy lại thèm túm nó để vặt, hất ngược nó lên rồi cười um: “Sao nó lại thế này?”. Làm cho cậu bé đỏ găng mặt. Và màn làm lành bao giờ Thùy cũng mất với cậu mấy chầu kẹo lạc, kẹo vừng.

- Hãy suy nghĩ những lời em nói!

Tuấn nói lạnh lùng rồi bước đi. Ánh mắt như trách hờn, như đau khổ, lại như muốn gào lên: “Sao chị không hiểu, sao cứ cố tình không hiểu”. Làm Thùy chững lại.

Tuấn đi rồi. Cô gieo mình vào vệ cỏ bên đường. Cứ ngồi đó. Lặng đi.

Vẫn cái mương này, bầu trời này, đồng lúa này, cánh cò như của mười năm trước. Chẳng nhẽ có thứ lại biến đổi thế sao. Có những thứ thuộc lòng người lại chuyển động không theo chiều mong muốn ư? Sự biến chuyển tinh vi thế nào, để giờ cô mới cảm nhận, hay cô thờ ơ, không để ý?

Cô cứ ngồi, lưng tựa vào bờ kè. Cho đến khi đường phố lên đèn. Xa xa cái lều vịt của người nông dân chăn thả giữa đồng cũng lên đèn. Cô uể oải về nhà. Qua ngôi nhà quen thuộc của cậu bé, cô tránh đi.

Cô tránh đi. Có đến mười ngày. Sau đó cô lên đường trở lại Hoa Kỳ. Trên đường ra sân bay, thực tình Thùy đã nghĩ. Nghĩ rất nhiều. Vòng bánh xe cứ lăn. Cô không hiểu nổi lòng mình. Muốn nó lăn nhanh hay chậm, lăn xuôi hay ngược lại? Lòng cô rối  bời. Hơn mười ngày nay, cô luôn phải nghĩ. Đối diện với sự thực, với sự biến chuyển của tình cảm. Một cái gì khác lạ mới mẻ xen vào cuộc sống của cô. Làm cô phải nghĩ. Hay cô muốn nghĩ?

Bánh xe cứ lăn. Lăn đến con đường dẫn vào sân bay. Cô cố ngoái lại một chút. Chẳng tìm gì. Nhưng rõ ràng muốn tìm một hình bóng quen. Đến khi chiếc xe quay đầu lại, cô vẫn ngó. Ngó cho đến khi làm xong thủ tục, tiếng loa gọi tên mình của cô tiếp viên vang lên. Cô ngó lại lần cuối.

Tuấn đã không đến. Việc Tuấn đến là điều không tưởng. Cô nghĩ thế. Thì ra cái điều tưởng như không mà lại là có ấy. Cái điều tưởng chẳng thể, nhưng hiện hữu từ bao giờ cô không để ý. Hay nó biến thành trạng thái khác làm cô lầm tưởng.

Bao năm ở Hoa Kỳ, lăn lộn cùng công việc, cô vẫn nhớ về căn gác ấy. Nhớ về đôi mắt trong veo của cậu bé đã bao lần đòi Thùy dẫn đi mua kem, đòi đi Trung thu, đòi dạy học. Và bao lần cậu bé chạy qua nhà Thùy chỉ để đưa cho cô cái bánh, chỉ để bưng cho cô chậu nước tưới cây.

Và bao năm, mỗi lần nhớ về con phố nhỏ, Thùy không  thể không nhớ về Tuấn. Điều thôi thúc Thùy về phải chăng cũng là Tuấn. Cái cười trong veo. Đặc biệt những lời  thủ thỉ. Không biết bao câu chuyện được kể giữa họ, bao trò chơi được bày. Thì ra họ là tri kỉ, họ là bạn, là tâm giao, nhưng Thùy quên khuấy mất.

Thùy cũng quên mất cái ngẩn ngơ của ngày đầu qua Mỹ. Ngẩn ngơ không phải vì  khí hậu, vì con người, tập tục. Ngẩn ngơ như thiếu. Phải rồi. Như chiều nay, nhìn thấy cụ bà run rẩy trong tuyết lạnh mà không biết kể cùng ai. Như chiều nay, nhìn thấy đôi chim chồng vợ ấu yếm chú chim non của mình mà không biết khoe cùng ai. Thì ra có một người bạn tâm giao, Thùy đã để ở nhà. Cuộc sống của Thùy lặng lẽ hơn. Ít chia sẻ hơn. Phải chăng vì con người, thời tiết thay đổi. Hay vì Tuấn?

Một cái đập mới làm cho dòng nước chuyển hướng, một bức tường mới làm cho con gió đổi chiều. Thùy sẽ không nhận ra con gió mạnh ra sao, dòng nước dữ thế nào nếu như không có một cơn cớ như chiều hôm ấy, Tuấn nhìn Thùy bằng con mắt  của người đàn ông đầy đam mê và mãnh liệt. Nếu không có nó, Thùy cũng không nghĩ ra là bao lần mình về, người đầu tiên muốn gặp là Tuấn. Dù lúc đó cậu chàng có đi nửa vòng đất nước, vẫn cứ về đúng chiều đó, cái chiều Thùy về đến sân bay. Và mỗi lần đi, cái hụt hẫng đầu tiên Thùy nghĩ đến cũng là Tuấn.  

Thì ra, không phải cái hụt hẫng đơn thuần của người bạn tâm giao khó tìm kiếm ở xứ sở mà văn hóa, ngôn ngữ đều xa lạ. Mà hơn thế. Nhưng Thùy không nhận ra. Không có cơn cớ để nhận ra. Nên cũng không chấp nhận Tuấn đã  trưởng thành. Trưởng thành không chỉ ở hình dáng bên ngoài. Mà cả cái nhìn trực diện đến mức làm Thùy phải cúi mặt. Sự quan tâm, yêu chiều, ga lăng. Và cái lắng nghe đến thành mẫn cán. Tuấn là đàn ông. Tuấn đã là đàn ông. Thùy chỉ nhận  ra điều đó khi chiếc máy bay cất cánh rời Hà Nội trong cuộc hành trình đến New York.

“Mình sẽ lại về”-Ý nghĩ đó đến đầu tiên, khi cô hướng dẫn viên nhắc quý khách nhớ cài dây an toàn cẩn thận.

Thùy không biết hề, theo chân Thùy đến phút cuối cùng khi cô bước vào phòng chờ có một người. Đó là Tuấn. 

 

Bảo Thương

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.