Điểm nóng ma túy ở ngã ba Đông Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xã biên giới Bờ Y (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) nằm ở khu vực ngã ba Đông Dương, tiếp giáp 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. 
Khu vực biên giới ngã ba Đông Dương 

Khu vực biên giới ngã ba Đông Dương ẢNH: ĐỨC NHẬT
Khu vực biên giới ngã ba Đông Dương ẢNH: ĐỨC NHẬT

Các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn xã để hoạt động, khiến nơi đây dần trở thành điểm nóng về tội phạm ma túy.

Lập nhiều chuyên án
Trung tá Nguyễn Quang Thành, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cho biết trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập 3 chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, bắt giữ 10 nghi phạm, thu giữ hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp, hơn 10 kg ma túy đá cùng nhiều vũ khí quân dụng. Hầu hết các trường hợp bị bắt giữ đa phần là người dân bản địa cư trú tại xã Bờ Y.

Ban chuyên án 918 LV bắt giữ 5 nghi phạm, thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp, 2 kg cần sa, 1 súng ngắn quân dụng ẢNH: BĐBP KON TUM
Ban chuyên án 918 LV bắt giữ 5 nghi phạm, thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp, 2 kg cần sa, 1 súng ngắn quân dụng ẢNH: BĐBP KON TUM
Theo trung tá Thành, đầu năm 2020, qua công tác trinh sát nắm tình hình ở địa bàn khu vực biên giới, đơn vị phát hiện một đường dây tổ chức vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum phối hợp Công an tỉnh Attapư (Lào) thành lập chuyên án 918 LV. Sau thời gian dài mật phục, các trinh sát xác định có 5 người Lào chuẩn bị vận chuyển số lượng lớn ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. Sau khi nắm được “đường đi nước bước” của ổ nhóm tội phạm này, ban chuyên án quyết định “cất vó”.
3 giờ sáng 14.3 tại khu vực biên giới tỉnh Attapư (Lào), ban chuyên án phối hợp với Công an tỉnh Attapư ập vào bắt giữ 5 người đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam, thu giữ 60.000 viên ma túy tổng hợp, 2 kg cần sa, 1 súng ngắn quân dụng, 4 viên đạn và một số tang vật khác.
Cũng trong tháng 3, phát hiện một tổ chức có nhiều biểu hiện nghi vấn về mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum quyết định thành lập chuyên án KT 220.
10 giờ sáng 26.3, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum) và Đoàn đặc nhiệm miền Trung (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP) tuần tra, kiểm soát tại địa bàn thôn Iệc, xã Bờ Y. Phát hiện có 2 người đàn ông điều khiển 2 xe máy hướng từ đường tuần tra biên giới Việt Nam - Campuchia đi về hướng nội địa Việt Nam có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Đó là Thao Póc (42 tuổi) và Thao Say (38 tuổi, cùng ngụ thôn Đắk Mế, xã Bờ Y). Qua khám xét, tổ tuần tra thu giữ 3 kg ma túy tổng hợp dạng đá kèm theo số lượng lớn tiền mặt và nhiều tang vật khác.
Trong tháng 4, BĐBP tỉnh Kon Tum phát hiện một tổ chức đang chuẩn bị đưa ma túy về Việt Nam. Ngay sau đó chuyên án KT 420 nhanh chóng được thành lập. Kết quả trong 2 ngày 24 và 25.6, BĐBP tỉnh Kon Tum đã phá thành công 2 vụ án, bắt 3 nghi phạm, thu giữ 7,3 kg ma túy dạng đá và ketamine. Cụ thể, lúc 13 giờ ngày 24.6, tại thôn Bắc Phong, xã Bờ Y, tổ công tác gồm Đoàn đặc nhiệm miền Trung phối hợp cùng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phát hiện, bắt giữ Thao Von (23 tuổi) và Y Côi (23 tuổi, cùng ngụ thôn Đắk Mế, xã Bờ Y) khi cả hai đang vận chuyển 1,3 kg ma túy dạng đá từ Lào về Việt Nam.
Biết vẫn còn một lượng lớn ma túy chuẩn bị tuồn về Việt Nam, ban chuyên án tiếp tục mật phục. Lúc 14 giờ ngày 25.6, khi tổ công tác đang tuần tra, kiểm soát tại khu vực thuộc thôn Iệc, thì phát hiện nghi phạm nằm trong chuyên án là Hà Văn Ân (35 tuổi, ngụ thôn Đắk Mế). Sau khi tổ chức vây bắt, lực lượng chức năng yêu cầu Ân mở ba lô để kiểm tra, bên trong có 6 túi ni lông với tổng khối lượng 6 kg. Ân khai nhận đây là ma túy tổng hợp (dạng đá và ketamine).

Thao Say (trái) và Thao Póc (phải) bị bắt khi vận chuyển 3 kg ma túy về VN ẢNH: BĐBP KON TUM
Thao Say (trái) và Thao Póc (phải) bị bắt khi vận chuyển 3 kg ma túy về VN ẢNH: BĐBP KON TUM
Lời ru buồn ở thôn Đăk Mế
Nói đến tệ nạn ma túy, hệ lụy của nó không chỉ đối với những người trực tiếp “cõng hàng” mà còn là gánh nặng không nhỏ cho gia đình và xã hội. Chính những người thân của họ cũng phải chịu nỗi đau dai dẳng khi chứng kiến người ruột thịt vướng vòng lao lý. Những đứa con không được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, thay vào đó là ánh mắt dè bỉu của hàng xóm láng giềng.
Theo thống kê của Công an H.Ngọc Hồi (Kon Tum), trong
6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã triệt phá 21 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ biên giới về VN, bắt giữ 35 nghi phạm. Trung tá Vũ Văn Thái, Phó trưởng Công an H.Ngọc Hồi, cho biết nhận thức về pháp luật của người dân bản địa ở xã Bờ Y còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, do kinh tế khó khăn nên một số người dân bị dụ dỗ, mua chuộc. Bên cạnh đó, do chuyên đi rừng nên những người vận chuyển ma túy rất thông thuộc các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới dài 47 km. Các nghi phạm cầm đầu đường dây rất tinh vi, những người vận chuyển thường không biết mặt nhau nên công tác đấu tranh, triệt phá gặp nhiều khó khăn.
Đã hơn 2 tháng kể từ ngày Y Côi (23 tuổi, ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y) bị bắt vì tham gia vận chuyển 1,3 kg ma túy về Việt Nam, cha con anh A Ly (29 tuổi, chồng Y Côi) chẳng có đêm nào yên giấc. Đứa con mới hơn 2 tuổi đêm nào cũng khóc ngằn ngặt đòi mẹ. A Ly chẳng biết dỗ dành thế nào để con nín. Những lời ru vụng về, buồn thảm cứ thế được cất lên bằng giọng trầm đục của A Ly.
A Ly bảo rằng gia đình anh canh tác hơn 500 gốc cà phê cùng vài sào lúa nên kinh tế cũng còn nhiều khó khăn. Thường ngày Y Côi vẫn phụ giúp chồng làm nương rẫy. Còn A Ly là cán bộ thôn, trong các đợt tuyên truyền người dân nói không với ma túy, anh cũng luôn là người đi đầu. Ấy vậy mà người đầu ấp tay gối với A Ly lại đi buôn ma túy.
“Vợ tôi học đến lớp 5 rồi bỏ ngang nên nhận thức về pháp luật còn kém. Trong khi đó, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nên khi bị Thao Von (họ hàng xa) dụ dỗ, vợ tôi nghe theo và đi buôn ma túy. Cám dỗ quá lớn, lợi nhuận quá cao khiến người ta mờ mắt. Từ ngày vợ tôi đi tù, tôi chẳng còn mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm. Chỉ tội đứa con nhỏ này, nó đâu làm gì nên tội”, A Ly thở dài nói.
Chia tay cha con A Ly, chúng tôi tìm đến căn nhà tuềnh toàng dựng tạm bằng gỗ tạp của chị Y Dưi (cùng thôn Đăk Mế) cách đó không xa. Y Dưi là vợ của Thao Say, người bị bắt vì vận chuyển 3 kg ma túy đá từ Lào về Việt Nam.
Trong căn nhà trống hoác chẳng có vật dụng gì đáng giá, chị Y Dưi và 2 đứa con nhỏ phải vật lộn mưu sinh khi thiếu vắng bóng dáng người đàn ông. “Từ khi chồng tôi bị bắt, cuộc sống của ba mẹ con khổ lắm. Tôi cứ đi làm thuê, làm mướn để mong cho các con được lớn khôn, được ăn học, được như những đứa trẻ khác thôi. Còn khoản nợ ngân hàng thì không biết khi nào mới trả được, nhà cửa có hư hỏng cũng đành phải chịu, vì không có tiền để sửa”, chị Y Dưi nói trong nước mắt.
Theo ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Bờ Y, toàn xã có 17 dân tộc sinh sống tại 8 thôn, làng, trải dài trên 20,5 km đường biên giới. Người dân bản địa ở thôn Đăk Mế có quan hệ huyết thống, họ hàng với người ở một số làng, bản bên kia biên giới. Trong quá trình qua lại biên giới để thăm hỏi thì bà con dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo bằng cách đưa ra giá thuê vận chuyển ma túy rất cao. Vì vậy, một số người đã hám lợi, tham gia đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy về Việt Nam.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.