Đi trong màu nắng tháng tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng tư đã về trong màu nắng dịu dàng, sánh mật rải khắp đường quê. Nắng tháng tư chưa hanh hao, nóng gắt mà đủ để cho các bà các mẹ đi chợ trưa vội vàng rảo bước hay dừng lại giây lát ở gốc cây ven đường, đầu dốc bến.

Nắng bừng lên lúc sáng sớm, xiên qua lũy tre dọc con sông quê nước xanh trong trôi mải miết. Những tia nắng nhẹ nhàng buông lơi khắp vườn, thả tràn trên bãi ngô non, trốn tìm trong khóm chuối trồng theo con kênh dẫn nước vào đồng. Nắng lấp loáng theo vành nón nghiêng của mẹ ra đồng. Nắng ngời trên đầu cha, sáng lòa khi cha phập lưỡi cuốc xuống rãnh đất chuẩn bị gieo trồng… Nắng chỉ lịm dần khi mặt trời đã về tây. Từng đàn thiên di lặng lẽ theo nhau về núi xa. Cơn gió mồ côi không biết đường đi cứ quẩn quanh ngoài bãi vắng. Trẻ con dừng chơi trên đồi, vội vã lùa trâu về. Tiếng dế nấp trong cỏ rối miên man…

Tôi về thăm nhà mỗi cuối tuần. Mẹ ra đồng chăm ruộng lúa, vạt khoai từ sáng sớm. Mẹ là người của công việc, ít để đôi tay ngừng nghỉ, mùa này sang mùa khác đi qua đôi tay gầy guộc của mẹ. Bước vội trên bờ thửa ra đồng, thấy thấp thoáng chiếc nón lá, tấm lưng đẫm mồ hôi của mẹ, lòng chợt dâng niềm thương nhớ. Nhìn cái nắng tháng tư in bóng gầy của mẹ đổ dài, chợt nghiệm ra đấy là sắc nắng yêu thương, rọi soi hoài niệm, dẫn dụ để tôi tìm về. Giữa cánh đồng tháng tư, mẹ không lạc lõng, khuất lấp, mà với tôi, mẹ cao lớn vô cùng.

 

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My


Chiều dạo vườn sau, nghe vị nắng tháng tư đằm trên từng hoa chanh, hoa bưởi trắng ngần. Thấy tôi tần ngần trước sắc hoa tinh khôi một thời mẹ hái gội đầu cho chị, mẹ mỉm cười, một lát thôi, để nhớ thương trôi về miền xa, nơi con gái mẹ theo chồng, cũng hơn nửa năm chưa thấy về thăm. Tôi ôm vai mẹ thủ thỉ, cảm nhận rất gần rất sâu cái nắng quen thuộc từng phả vào mặt ram ráp. Nắng chiều dần phai, đủ để gợi thức trong thẳm sâu những hoài niệm. Trong tán lá xanh kia, nắng chơi trò ú tim, nhào lộn theo từng cơn gió thoảng. Cả khoảng trời tuổi thơ quay về, chú dế mèn đứt râu đang loay hoay ngoài cửa hang, cánh bướm lạc đàn bị ánh nắng xiên khoai ngáng đường, ngập ngừng cánh mỏng. Thật trong trẻo và yên bình, trong khu vườn cổ tích có màu nắng tháng tư.

Tháng tư về, dòng sông vẫn đong đầy con nước, những giọt phù sa vẫn thầm lặng đắp bồi. Tôi qua cầu trở về với phố, cứ ngoái lại nhìn chiếc đò cũ nằm nơi bến đợi, chạnh lòng nghĩ đến cha từng đội nắng gội mưa bao lần đưa khách lại qua. Trên phố một trưa nắng tràn, từng tốp học trò thong thả đạp xe, tiếng nói giọng cười trong trẻo vang lên, khiến cho tâm hồn tôi thư thái, xao động… Những bộn bề, mỏi mệt bởi lo toan công việc tạm thời lắng xuống. Rất bình yên khi dõi mắt nhìn từng sợi nắng tháng tư trải trên đường phố cùng những chiếc lá chao nghiêng. Hàng phượng vĩ nơi góc phố bắt đầu đơm những chùm hoa đỏ báo hiệu mùa thi sắp đến, một mùa hè nữa lại về. Trong ánh mắt hồn nhiên của cô cậu học trò dừng chân dưới tán lá dường như thoáng hiện nỗi ưu tư. Nắng từng chùm cũng chợt ngại ngần rơi khẽ, gió xôn xao thầm thì bao điều…

Tháng tư… Tựa hồ như điệp khúc vang ngân trong cõi lòng về cái nắng khó phai trong tiềm thức, về những kỷ niệm về loài hoa loa kèn mà cô hàng hoa mỗi sáng đi ngang nhà… Tháng tư đằm dịu, khẽ khàng bao tâm trạng, lúc thảng thốt, níu nương những đợt mưa phùn dịu ngọt của mùa xuân, khi run rẩy, nồng nàn trước cơn gió sang mùa mang theo hơi nóng… Nhưng kỳ lạ thay, dẫu chưa rõ rệt hai mùa mà khi bước chân về phố quen lòng cứ ngẩn ngơ trước đất trời gửi trao những điều sắp đến.

Tháng tư về, nắng dịu dàng, gió miên man. Và lá đổ từng chiều… Tất cả dệt nên khung trời thơ mộng, giúp tôi tìm về nhung nhớ tưởng lùi xa…



http://baodaklak.vn/channel/3613/202104/di-trong-mau-nang-thang-tu-5731364/

Theo  Sơn Trần (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.