Đi tìm Kỳ lân châu Á:​ Hồn thiêng giữ rừng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo dấu sao la trên những cánh rừng nguyên sinh giữa dãy Trường Sơn, đã có người ngã xuống. Họ vĩnh viễn gửi hồn mình vào từng gốc cây, ngọn cỏ cùng những ước vọng dở dang khi đang bảo tồn loài vật bí ẩn này.
 
Đội tuần tra KBT sao la Thừa Thiên-Huế nghiên cứu bản đồ để vạch tuyến tuần tra
Chôn thức ăn giữa rừng
Tiết trời A Lưới (Thừa Thiên-Huế) những ngày cuối tháng 5 cứ đỏng đảnh. Mới sáng lạnh tanh hơi sương, gần trưa nắng cháy da thì vài giờ sau lại ầm ầm giông đổ. Đội tuần tra ở tiểu khu thuộc xã Hương Nguyên phải nhiều lần dừng lại. Vuốt vội giọt mồ hôi trên má, anh Nguyễn Hữu Hóa, cán bộ Khu bảo tồn (KBT) sao la Thừa Thiên-Huế, kể tuần rừng lo nhất là lúc gặp những trận lũ quét “siêu tốc” do mưa giông ập đến. “Còn mùa đông, anh em vừa đi rừng vừa cắn chặt răng vì quá lạnh. Nền nhiệt trong rừng sâu có khi chỉ 7 - 8 độ C. Lại có khi chúng tôi kẹt trong rừng cả chục ngày liền vì mưa lớn do áp thấp nhiệt đới…”, anh Hóa nói.
Mỗi chuyến đi tìm dấu vết sao la của mỗi đội kéo dài khoảng 6 ngày. Mỗi tháng, mỗi thành viên có ít nhất 22 ngày trong rừng. Trong hành trình di chuyển, phải mang đủ nhu yếu phẩm nên mỗi ba lô nặng đến 20 kg. Chưa kể thác ghềnh, rêu bám trơn như bôi mỡ. Thế mới có chuyện nhiều thanh niên xin vào làm hợp đồng, chỉ sau một chuyến tuần rừng đã vội lặn mất tăm. “Có những tiểu khu giáp với KBT sao la Quảng Nam, chúng tôi phải đi bộ 2 ngày đường mới đến nơi”, anh Hóa kể.
Sau gần 3 giờ di chuyển, chúng tôi dừng chân bên một con suối. Anh em trong đội tuần tra khẩn trương vào việc. Người làm lán, móc võng, người kê đá làm bếp, người làm máng nước… Khoảng 30 phút mới xong. Anh Viên Xuân Liên, nhân viên đội tuần tra, cho hay nếu đóng quân ở tiểu khu xa phải mua thức ăn tích trữ, nhất là cá khô để phòng những ngày kẹt trong rừng. Khi dựng lán phải khảo sát địa hình, địa vật, tránh những cây có nguy cơ mục đổ. Nếu gần khe thì lán phải đặt chỗ dự đoán cao hơn mực lũ dâng. Nói đoạn, anh Liên cầm gói thịt lợn tươi nhảy ùm xuống suối, lặn sâu để lèn gói thịt xuống đáy. “Để đảm bảo sức khỏe cho anh em, thịt tươi cần được ngâm suối lạnh để tránh bị hỏng. Nước uống phải đảm bảo nước ở các khe sạch vì nhỡ bị tiêu chảy thì rất nguy hiểm”, anh Trần Ky, thành viên đội nói thêm.
 
Mọi sinh hoạt ở trong rừng dựa vào nước khe suối nên nhân viên các đội tuần tra thường đối diện với các đợt sốt. ẢNH: HOÀNG SƠN
Ông Nguyễn Thanh, Phó giám đốc KBT sao la Thừa Thiên-Huế, chia sẻ nỗi lo anh em tuần tra vào rừng đúng mùa mưa lũ. Dù đơn vị có phương án tuần tra, nhưng rừng thiêng nước độc nhiều bất trắc. Bởi vậy, đơn vị nảy ra sáng kiến “chôn thức ăn giữa rừng”. “Có nhiều đợt anh em đi rừng thiếu lương thực, phải ăn cây rừng cầm hơi. Ở ngoài này chúng tôi như ngồi trên đống lửa nhưng không thể tiếp tế vì mưa lớn, lũ dâng. Do đó, tranh thủ những ngày nắng, anh em chuẩn bị sẵn các điểm chôn thức ăn. Các anh em đều biết tọa độ của những “hầm lương thực” này, khi có sự cố sẽ đến đó lấy thức ăn. Quá trình tuần tra, anh em cũng xác định những điểm có sóng điện thoại và ghi lại tọa độ để thông báo cho nhau”, ông Thanh nói.
Nằm xuống giữa rừng già
Những người làm công tác bảo tồn sao la ở A Lưới vẫn còn nhắc lại chuyện thoát chết nghẹt thở của Hạt phó Hạt Kiểm lâm KBT, ông Lê Thanh Hướng. Ngày 27.10.2017, ông Hướng cùng nhóm kiểm lâm và biên phòng tổ chức truy quét lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh giữa Nam Đông và A Lưới. Đến ngày 30.10, tổ tuần tra phát hiện nhóm “lâm tặc” 4 người đúng lúc thượng nguồn sông Hương có mưa rất lớn. Tổ buộc phải rút lui. Không may, ghe máy chở ông Hướng cùng 4 “lâm tặc” va phải đá ngầm, trôi luôn động cơ. Giữa nước lũ cuồn cuộn xô vào đá, mọi người đã nghĩ ông Hướng cùng với 4 người không qua khỏi… Trưa 6.11, khi ông Hướng gắng gượng cắt rừng về đến trạm, anh em kiểm lâm ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.
 
Vắt cơm nắm được chuẩn bị để rời lán trại tuần tra
Sau trận mưa, muông thú bắt đầu kiếm ăn. Trong lán trại đơn sơ giữa rừng già, anh Hồ Anh Tuấn, nhân viên đội tuần tra, chỉ cho chúng tôi thấy một con rắn xanh lè đang treo mình lủng lẳng trên nhành cây. Anh nói, rắn lục luôn là nỗi ám ảnh của anh em bảo tồn sao la. “Nó lẫn vào màu lá, không dễ phát hiện. Chỉ đến khi nó ngoạm vào tay, nhìn thấy 2 dấu răng mới cảm nhận cái chết đến bên mình rất gần”, anh Tuấn chia sẻ.
Câu chuyện anh Tuấn kể làm chúng tôi nhớ lại những ám ảnh tương tự của anh em đội tuần tra KBT sao la Quảng Nam. Anh Lê Ka Thắng kể khoảng 50 người đã thực hiện cuộc hành quân “thần tốc” chưa từng thấy vào năm 2018 để cấp cứu đồng nghiệp tên M. “Hôm đó, chúng tôi đã đi được 2 ngày đường và chuẩn bị tiếp cận tiểu khu 20B thì anh M. bị rắn lục cắn. Ngay lập tức, chúng tôi cử người đi dò sóng điện thoại ở các đỉnh núi, số còn lại làm cáng để kịp đưa anh M. ra khỏi rừng. Khi gặp nhóm 40 người dân từ ngoài vào, chúng tôi thay phiên nhau cõng cáng, đi như chạy. Ra đến đường cái, anh M. đã tê cứng, lơ mơ mất tri giác nhưng may mắn vẫn kịp cứu sống”, anh Thắng kể. Chính vì nguy hiểm luôn rình rập nên tại KBT sao la Thừa Thiên-Huế đã có quy chế phối hợp 3 bên, gồm KBT, dự án WWF và Trung tâm y tế H.A Lưới. Khi xảy ra sự cố tai nạn, rắn cắn…, KBT báo tin và xe sẽ đến các địa điểm đã thỏa thuận trước đó để kịp cấp cứu.
 
Lán trại đơn sơ của đội tuần tra bảo tồn sao la Thừa Thiên-Huế giữa rừng sâu
Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh M. Tại KBT sao la Thừa Thiên-Huế, hằng năm cán bộ bảo tồn có một “ngày buồn chung”: ngày giỗ nhân viên V.T.T. Anh T. mất khi đang làm nhiệm vụ vào năm 2015. Nhiều người vẫn không thể quên buổi sáng định mệnh đó. “Khi chúng tôi đang ngủ trong lán trại giữa rừng, giông tố bất ngờ nổi lên. Tấm bạt bị bật sang một bên, tôi vùng dậy gọi anh em cùng che lại, chỉ riêng anh T. nằm im trên võng. Tôi tiến đến thì lặng người, nhìn thấy một nhành cây lớn đè lên chiếc võng mà anh T. nằm. Khi kéo nhành cây ra, máu từ mặt anh T. phun thành dòng”, anh Nguyễn Bá Thành, nhân viên KBT sao la Thừa Thiên-Huế, buồn bã nhớ lại. Anh T. được cáng ra khỏi rừng, đội tuần tra liên tục dò sóng điện thoại gọi xe cấp cứu, cuộc “hành quân” ròng rã 7 giờ đồng hồ nhưng khi đến trung tâm y tế huyện, anh T. đã ngừng thở.
Cán bộ bảo tồn sao la nếm mật nằm gai đã quen. Nhưng lắm lúc anh Nguyễn Bá Thành cùng đồng nghiệp cũng dự tính bỏ nghề. Ở nhà nghỉ ngơi vài hôm, lại bồn chồn vì nhớ rừng, lại đi. “Tôi chỉ mong một ngày gặp được sao la, để rồi kể cho T. nghe như T. từng mong ước trong mỗi chuyến đi rừng chung”, anh Thành rưng rưng.
Đưa pin ra khỏi rừng
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam , cho biết công tác bảo tồn loài sao la phải được thực hiện “từ xa”, như bảo vệ sinh cảnh, ngăn thợ săn xâm hại... Môn thục là loài sao la rất thích ăn nên cũng được bảo vệ. Và vì chuỗi thức ăn này, thời gian qua 6 đội tuần tra phải mang pin qua sử dụng ra khỏi rừng nhằm bảo vệ môi sinh cho sao la. “Chúng tôi phát hiện lượng pin lắp trên các thiết bị tương đối nhiều nên yêu cầu đội tuần tra khi thực hiện xong thì gom pin về đặt tại 6 thùng có đánh số, sau đó KBT hợp đồng với đơn vị thu gom xử lý. Pin thải ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Một số loài không thể mọc lên tại khu vực có pin, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của sao la”, ông Sơn chia sẻ.
Năm 2019, KBT sao la Quảng Nam đã phá hủy gần 3.000 bẫy các loại. Tại Thừa Thiên-Huế, từ năm 2017 - 2019, gần 27.000 chiếc bẫy thú cũng được tháo gỡ.
Hoàng Sơn-Huy Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.