Đi 'săn' trên tàu 48

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lính trẻ Hải đoàn 48 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng quen ngư dân và biển cả hơn trong đất liền. Ngày hôm nay biên đội tàu ở Bình Định, ngày mai đã xuất hiện ở vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… Đoàn tàu thường xuất kích vào lúc mờ sáng, nửa đêm, lúc mưa gió mù mịt.
Điểm "đợi cơ"
Vài lần lỡ hẹn với biên đội tàu tuần tra của Hải đoàn 48, cuối cùng tôi cũng có mặt trên boong tàu vào lúc 3 giờ 30 phút sáng. Hải trình của biên đội tàu thường không được thông báo trước, nên phải vào TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định chờ đợi hàng tuần lễ thì mới “đón” được ngày biên đội 34 lên đường.
 
Tàu Hải đoàn 48 xuất kích vào lúc mờ sáng.
Dẫn đầu biên đội là tàu BP 48-98-01. Tàu nhổ neo khi có trong tay những thông tin quan trọng về tình hình trên biển. Từ đỉnh núi 338, trạm ra đa Núi Ghếch vừa quét ra những mục tiêu đang di động ở phía ngoài khơi giữa Bình Định và Quảng Ngãi. “Mục tiêu lạ, hướng di chuyển lạ. Liên tục đi lại ở vùng tiếp giáp…”. Biên đội 34 của Hải đoàn 48 khởi hành lặng lẽ, không hụ còi và tiến ra khơi đến tọa độ x.
"Đợi cơ" là cụm từ nghiệp vụ của ngành hàng hải. Nhưng cũng có thể tạm hiểu đó là vị trí tạm dừng để đợi lệnh, chờ cơ hội xuất phát. Lúc mờ sáng, tiếng trung tá Bùi Đình Quang, biên đội trưởng tàu 34 phát khẩu lệnh: “Theo kế hoạch đã phân công, toàn biên đội di chuyển đến vị trí đợi cơ”.
Sau khẩu lệnh, tàu BP 48-01-03 rời cầu cảng và mất hút vào biển đêm. Hai con tàu đi kẹp gần nhau vài phút rồi tách ra thành đội hình trước - sau. Từ trên tàu nhìn ngắm thành phố Quy Nhơn chìm trong giấc ngủ thanh bình, thiếu tá Đặng Duy Thắng, Chính trị viên biên đội cho biết: “Rất nhiều chuyến đi, tàu không vào các đảo mà chỉ ngấp nghé ngoài ngoài ghành để đợi cơ, nên anh em ngắm nhìn phố xá từ hướng biển”.
Biên đội lên đường để thực hiện các nhiệm vụ: Tuần tra kiểm soát, bắt giữ các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền; kết hợp tàu trinh sát bắt giữ các tàu buôn lậu; tuyên truyền cho các tàu vận tải, bà con ngư dân về việc chấp hành pháp luật trên biển. Nhưng trong những nhiệm vụ trên thì “mục tiêu lạ, hướng di chuyển lạ” mà trạm ra đa Núi Ghếch thông báo vẫn là mục tiêu chính. Khi bình minh đỏ rực phía đông, biên đội tàu đã đến ngang khu vực có những mỏm đá nhô lên giữa biển và được gọi là hòn Ông Căn, Ông Cơ.
Đêm 27 rạng 28 tết năm 2019, cũng tại khu vực hòn Ông Căn, Ông Cơ, ba tàu cá Trung Quốc thân vỏ gỗ, gắn máy tốc độ cao từ ngoài vùng lãnh hải băng thẳng vào. Ra đa Score 3000 ở núi Ghếch quét tín hiệu và “soi” những chiếc tàu lạ. Trung tá Hoàng Thanh Hải, trạm trưởng ra đa nhấc điện thoại chia sẻ tình hình. Giữa lúc các gia đình đang rộn ràng không khí xuân thì “lệnh báo động chiến đấu” được phát ra toàn Hải đoàn 48.
Tàu chiến đấu của Hải đoàn 48 có mũi sắt nhọn đang đợi cơ ở đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi để trực tết nên tàu BP 48-01-01 phải đi thay. Chiếc tàu này phóng vút ra tiếp cận mục tiêu, đài thông tin báo cáo ngay với đất liền: “Tàu cá Trung Quốc, họ vô sát nên rất hung hăng”.
Lính ở Hải đoàn 48 không lạ gì hình ảnh tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản. Nhưng lần giáp mặt này được thiếu úy Nguyễn Văn Hòa, thuyền phó tàu BP 48-01-01 báo cáo ngay là “con tàu này không bình thường”. Chiếc tàu cá sơn màu xanh nhạt khi phát hiện tàu biên phòng với bệ súng 2 nòng thì đã co cụm lại gần nhau, thả dây sau lái rồi xoay mũi về hướng đông 90 độ.
Điều bất thường trên những con tàu cá Trung Quốc là thành tàu được rào lưới để ngăn người nhảy sang; sau đuôi tàu được thả chùm dây, lưới rách gây quấn chân vịt để chống tiếp cận. Trong thời gian tàu BP 48-01-01 quần đảo với tàu cá Trung Quốc, các tàu trực chiến ở đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ luôn trong tư thế cảnh giác đề phòng kế nghi binh dương đông, kích tây.  
Quen dông bão
Biển cả mênh mông, không có bờ kè, rào chắn như trong đất liền, nhưng mỗi khu vực thì mặt biển lại có biểu hiện thời tiết khác nhau khá kỳ lạ. Tàu đi ở vùng biển Bình Định thì mặt biển lặng sóng, nhưng khi đến vùng biển phía Đông của huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi thì sóng nhấp nhô, cuồn cuộn.
Khi tàu vừa qua khỏi vùng biển nước chảy thì lạc vào giữa vùng sóng bạc đầu, gió thổi vít con tàu về một hướng. Từng đụn sóng nhấp nhô không ngừng biến mặt biển thành vô số những lõm sâu như ổ gà. Thuyền trưởng phải liên tục đảo bánh lái. Tàu cá nhỏ của ngư dân nếu chạy hướng Bắc vào Nam thì sẽ bị quăng quật tơi bời.
Trên đường hải trình của biên đội, tàu tuần tra dừng lại vài lần để cập mạn tàu cá của bà con ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Thiếu tá Đặng Duy Thắng, Chính trị viên biên đội cùng anh em sang tàu gặp gỡ ngư dân, tặng cờ tổ quốc, phát tờ rơi, nhắc nhở các quy định về đánh bắt cá phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật.
Biên đội tàu tiếp tục hành trình đến tọa độ x. Khi mặt trời chưa kịp tụt xuống phía chân trời thì biển bỗng tối sầm một cách khó hiểu. Từ phía Tây, một đụn mây trườn nhanh lên bầu trời, giống như một con cáo đang treo lơ lửng, hình thù khá hãi hùng. Đám mây đen phản chiếu xuống mặt biển khiến mọi thứ trở thành màu tím sẫm. Chưa kịp bấm vài chục kiểu ảnh thì gió đã thổi liên hồi. Một cơn giông biển ập đến khiến cho kế hoạch tiếp cận tàu ngư dân trên đường hành trình phải gác lại. Cơn giông đi qua thật nhanh và biển lại sáng tỏ. Con tàu lao nhanh với tốc độ 14 hải lý/giờ. Đảo Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam hiện ra trước mũi.
Đêm xuống, tiếng máy thông tin trong buồng lái tàu BP 48-98-01 nhận chỉ thị mới “tiếp tục khép chặt hướng ra phía Bắc”. Bên đội trưởng quyết định nán lại để chờ Chị nuôi. “Chị nuôi” là con tàu hậu cần do thiếu tá Nguyễn Ngọc Tráng làm thuyền trưởng đang hải trình đến muộn. Mãi đến ngày hôm sau, con tàu lặc lè chở 50 khối dầu, 25 khối nước vượt sóng mới gặp nhau tại tọa độ x. Thiếu tá Tráng với mái tóc bạc sớm hơn tuổi tác nên luôn né máy ảnh với chút ngại ngùng.
Hít thở một hơi dài, nhìn ra mặt biển, thiếu tá Tráng tâm sự “quê tôi ở núi, tận huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nhưng lại gắn bó với đời lính biển, lâu lắm mới về miền Bắc thăm gia đình một lần”.
 
Lính trẻ trên tàu chào hỏi ngư dân trên tàu cá Quảng Ngãi.
Khi được chiếc tàu “chị Nuôi” tiếp thêm nhiên liệu, biên đội tàu lại tiếp tục tuần tra, đi về hướng mục tiêu. Con tàu BP 48-98-01 rung lên khi 2 chiếc máy Cumin KTA 3000 mã lực đang tăng tốc hơn 2000 vòng/phút. Cỗ máy này chỉ hoạt động công suất cực đại trong một số tình huống. Vụ đuổi theo tàu Nhật Minh 26 vào tháng 4 vừa qua, chiếc máy cũng chạy hết công suất. Đáng nhớ nhất là lần vượt sóng lớn đuổi theo tàu Daina 8 Bangkok 16467 chở 2100 tấn xăng, giữa lúc biển động cấp 7. Khi tàu đến ngang đảo Lý Sơn thì Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã phối hợp đưa tàu ra chặn bắt, cùng dẫn giải về cảng Dung Quất.
Biển động không có đường rút, phải mất nửa tháng, thuyền trưởng mới báo cáo trung tâm chỉ huy: “48-98-01 xin trở về nhà”.

Ngày 26/4/2019, Hải đoàn 48 đã bắt giữ tàu Nhật Minh 26 chở 1,1 triệu lít xăng không rõ nguồn gốc. Cũng trong ngày, một mũi tuần tra khác từ đảo Cồn Cỏ bắt 2 tàu cá Trung Quốc là Quỳnh Đan Châu, Quỳnh Đan Ngư vì hành vi đánh bắt trộm hải sản.

Lê Văn Chương (Nông nghiệp Việt Nam/Kiến thức gia đình số 31)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.