Để du lịch Kon Tum 'cất cánh' - Bài 1: Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Kon Tum đã thu hút được gần 500.000 lượt khách, đạt trên 53% kế hoạch và tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, qua đó mang về doanh thu trên 110 tỷ đồng, tăng 81,5% so với cùng kỳ.
Đây là những tín hiệu khả quan đối với ngành du lịch – ngành kinh tế bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. “Sức bật” trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng du lịch bền vững, gắn liền với lợi ích của người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hậu COVID-19.
Bài 1: Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng
Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm với tổng lượt khách giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 1,8 triệu lượt người; trong đó khách quốc tế đạt 645.130 lượt người, khách nội địa đạt trên 1,1 triệu lượt. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch của Kon Tum phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh hiện có.
Tiềm năng lớn 
 
Nhà thờ gỗ Kon Tum nổi bật giữa cái nắng của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Nhà thờ gỗ Kon Tum nổi bật giữa cái nắng của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, các điều kiện tự nhiên của Kon Tum, đặc biệt là địa hình đa dạng đã tạo cho tỉnh một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, hấp dẫn với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Trong đó phải kể đến là rừng thông Măng Đen (huyện Kon Plong), vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đắk Glei).
Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, Kon Tum cũng có một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng phong phú và đa dạng. Với lịch sử gần 110 năm hình thành, phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa trở thành truyền thống tốt đẹp, phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa riêng của các tộc người thiểu số, thể hiện ở các loại hình như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông - nhà dài, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ - chữ viết, điêu khắc - hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát... Trong không gian văn hóa lễ hội, phong tục tập quán, “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, luôn là điểm nhấn trong du lịch ở Kon Tum.
Nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdam cho rằng, Kon Tum là tỉnh có rất nhiều thuận lợi về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ, bởi nơi đây có tới 7 tộc người bản địa và mỗi tộc người có một nền văn minh, văn hóa riêng biệt. Chính nhờ những sự riêng biệt đó mà du khách luôn muốn đến tìm hiểu, trải nghiệm.
“Không chỉ di sản được UNESCO công nhận, sự đa dạng văn hóa của cộng đồng 43 dân tộc đang sinh sống trên vùng đất này là nét hấp dẫn nếu chúng ta biết khai thác du lịch, bởi lẽ sản phẩm du lịch luôn gắn liền với dấu ấn văn hóa. Cộng đồng các dân tộc chính là những người đang kiến tạo, làm nên và giữ gìn những giá trị truyền thống. Họ chính là chủ nhân để thực hành các hoạt động du lịch khi chúng ta triển khai mạnh dự án du lịch cộng đồng”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá.
Phát triển chưa tương xứng
 
Du khách lựa chọn thác Đambri là điểm đến đầu tiên cho hành trình khám phá cao nguyên Lâm Viên. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Du khách lựa chọn thác Đambri là điểm đến đầu tiên cho hành trình khám phá cao nguyên Lâm Viên. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lượng khách quốc tế đến với Kon Tum trong giai đoạn 2015 – 2019 (giai đoạn trước đại dịch COVID-19) đạt trên 181.000 lượt người, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên, chỉ sau Lâm Đồng (trên 2 triệu lượt khách). Dù vậy, lượng khách nội địa đến với Kon Tum trong giai đoạn này lại thấp nhất khu vực, với trên 1,1 triệu lượt khách, thấp hơn Đăk Nông (gần 1,4 triệu), Gia Lai (trên 2,7 triệu), Đăk Lăk (trên 3,3 triệu) và Lâm Đồng (hơn 28,5 triệu). Chính điều này đã khiến tổng thu du lịch của tỉnh chỉ đạt gần 1.100 tỷ đồng, đứng thứ 4/5 trong khu vực, chỉ xếp trên Đăk Nông.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, dù lượng khách du lịch đến với Kon Tum có chiều hướng tăng lên ở mức khoảng 18%/năm, song tổng thu du lịch tại tỉnh vẫn còn ở mức thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (đạt 297 tỷ trong tổng sản phẩm GRDP gần 14.800 tỷ đồng năm 2019).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch Kon Tum có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển khả quan, là tỉnh đi sau về du lịch nhưng có cơ hội là điểm đến mới, xu hướng du lịch mới sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, do hạ tầng kết nối chưa thuận lợi, môi trường, nguồn lực còn nhiều hạn chế... nên du lịch Kon Tum vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Là đại diện một doanh nghiệp đến với Kon Tum để khảo sát phát triển các dự án du lịch, bà Trần Nguyện, Trưởng ban kinh doanh Sun World, Tập đoàn Sun Group nhận định, dù tiềm năng du lịch lớn, song kỹ năng  của người dân bản địa còn thiếu và yếu, chưa tiếp xúc, đào tạo với dịch vụ du lịch bài bản. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng về du lịch của tỉnh vẫn còn nghèo nàn. Các sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách. Bà Trần Nguyện nhấn mạnh, nếu Kon Tum khắc phục được những nhược điểm này thì ngành du lịch của tỉnh tuy đi sau nhưng sẽ đi rất nhanh.
Chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để giải quyết những vấn đề này, ngoài việc liên kết hành động, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Kon Tum phải tính toán, lựa chọn các giải pháp theo hướng phục hồi du lịch gắn với gói phục hồi kinh tế như Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đề ra. (Còn nữa)
Bài 2: Khai thác triệt để lợi thế du lịch
Theo Dư Toán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.