Để công chức sống được bằng lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Nghị quyết 27 của BCH T.Ư khóa XII và mới đây nhất là Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, đội ngũ công chức và viên chức sẽ chính thức được áp dụng hệ thống lương mới kể từ ngày 1.7.2024.

Chính sách cải cách đột phá tiền lương lần này được kỳ vọng sẽ giúp người làm việc trong khu vực công thoát cảnh lương không đủ sống đeo đẳng suốt hàng chục năm qua. Song, vấn đề trước mắt chúng ta cần làm gì để chủ trương này đi vào cuộc sống thực sự hiệu quả?

Kể từ năm 2000 đến nay, mức lương cơ sở trong khu vực công đã được điều chỉnh tăng 18 lần, tuy nhiên mức tăng vô cùng nhỏ (từ 120.000 đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng). Với đồng lương ít ỏi, cùng với lạm phát trong hơn 20 năm tăng cao, cá biệt có năm tăng 19 - 20%, càng khiến cuộc sống của cán bộ, công chức khó khăn, nặng gánh hơn. Đó là chưa kể giá điện, xăng, dịch vụ y tế, lương thực, thực phẩm… không ngừng tăng. Rồi thuế thu nhập cá nhân, các loại phí bủa vây.

Vì vậy, quyết sách của T.Ư cũng như Quốc hội được cán bộ, công chức, viên chức cả nước rất ủng hộ. Nhưng điều họ mong muốn là khi đi vào thực tế, bảng lương, mức lương cần phải phản ánh đúng sức lao động, chất xám bỏ ra; đúng vị trí việc làm, chức năng, đảm bảo được sự công bằng.

Theo đó, các cơ quan thực thi nên xây dựng và ban hành hệ thống thang, bảng lương mới theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành. Xây dựng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và các chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Lương không thể cào bằng, tùy từng vị trí theo năng lực, khả năng cống hiến, kết quả công việc có mức trả tương xứng. Đặc biệt, phải xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới gồm các công việc: xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức; mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương; hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn... Bên cạnh đó, sắp xếp lại các khoản phụ cấp hiện hành theo hướng, những khoản phụ cấp thuộc chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên thì nghiên cứu đưa vào mức lương "cứng"; những việc riêng biệt thì để phụ cấp "mềm".

Tiền lương không chỉ để tái sản xuất sức lao động mà còn phải có tác động kích thích người lao động làm việc có hiệu quả; giúp họ có tích lũy. Trong ngắn hạn, chúng ta đã bố trí đủ nguồn ngân sách để tăng lương (hơn 560.000 tỉ đồng). Song, về dài hạn cần phải có những giải pháp từ T.Ư đến địa phương để tăng thu, dành riêng nguồn ổn định để tăng lương một cách đều đặn tương xứng với lạm phát, trượt giá, thuế, phí… cho công chức, viên chức.

Chỉ còn khoảng hơn 7 tháng nữa, hệ thống lương mới sẽ chính thức được áp dụng, công việc phía trước còn rất nhiều, đặc biệt công tác sắp xếp vị trí việc làm, tính toán thang, bảng lương chi tiết. Khối lượng công việc đó đòi hỏi quyết tâm rất cao của các cơ quan thực thi. Một bộ máy hành chính muốn có được người tài, có động lực cống hiến, sáng tạo, dám làm, dám chịu thì họ phải được đảm bảo mức lương xứng với những gì họ bỏ ra. Khi bộ máy đó vận hành vững chắc, minh bạch, thông thoáng sẽ là nền tảng để người dân, doanh nghiệp được "cởi trói" khỏi các thủ tục hành chính, giúp quốc gia ngày càng giàu có, thịnh vượng.

PGS-TS Ngô Trí Long

nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Bước then chốt về sáp nhập

Bước then chốt về sáp nhập

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sau giai đoạn tăng tốc vừa qua, hiện đứng trước bước quyết định: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.