Ông Nguyễn Văn Nông |
Từ khi được công nhận là đô thị loại II vào năm 2009, công tác chỉnh trang đô thị, tôn tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã tạo cho thành phố một diện mạo mới, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố…
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến một bộ phận dân cư chưa theo kịp nếp sống văn minh đô thị trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường sống, ý thức bảo vệ tài sản công, ứng xử giao tiếp… Chính vì thế, thực hiện đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị là xây dựng nếp sinh hoạt văn minh cho mỗi người và cho cả cộng đồng sao cho xứng tầm với một đô thị loại II và tiến tới đô thị loại I năm 2020.
* Thành phố đã có những biện pháp gì để đưa đề án vào thực tế cuộc sống, thưa ông?
- Ngay trước khi triển khai đề án này, TP. Pleiku đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân đối với dự thảo đề án và chỉnh sửa, tổ chức tập huấn đồng thời tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương pháp cổ động trực quan; phát 50.000 tờ quy ước thực hiện đề án cho người dân và các cơ quan đơn vị quy định về nếp sống văn minh như giữ gìn môi trường, trật tự đô thị và giao thông, giao tiếp ứng xử…, nhưng nhìn chung, nội dung của đề án đều được soạn thảo, tổng hợp dựa trên những quy chuẩn của pháp luật. Đề án này được xem là một phần tiêu chí đánh giá trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Vừa qua, thành phố cũng đã tổ chức lễ phát động điểm tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku), qua đó năm 2010 cũng được chọn là “Năm văn minh đô thị” của TP. Pleiku. Chúng tôi hy vọng từ nay đến năm 2015, các công dân của TP. Pleiku sẽ có những chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ và hành động để tiến tới xây dựng xã hội văn minh hơn.
* Những biểu hiện tích cực nào có thể nhận thấy sau khi triển khai thực hiện đề án?
- Đề án cũng chỉ mới đưa vào thực hiện vài tháng nên chưa thể nói là đã có những chuyển biến rõ rệt; tuy nhiên, qua thẩm định của thành phố về việc thực hiện, công nhận các gia đình và khu dân cư văn hóa từ ngày 12-10 đến 25-10 vừa qua, chúng tôi nhận thấy tại nhiều hộ gia đình đã có chuyển biến bước đầu, chẳng hạn như nhiều hộ đã tự giác hơn trong vấn đề vệ sinh môi trường hay trong giao tiếp ứng xử… Đây là tiền đề tốt cho việc thực hiện đề án một cách sâu rộng, từ đó đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện đề án tại một số công sở trên địa bàn TP. Pleiku.
* Việc thực hiện đề án được xem như một tiêu chí để bình xét công sở văn hóa, khu dân cư văn hóa… Theo ông, điều này có khiến người dân, cán bộ công chức, các khối phố thực hiện đề án chỉ là vì… phong trào?
- Không đơn giản là như vậy, mà điều này còn phụ thuộc vào phạm trù đạo đức truyền thống. Đề án này được soạn thảo cũng là nhằm giúp người dân nhận thức tốt hơn, phân biệt rạch ròi được mặt tích cực, mặt hạn chế trong sinh hoạt thường ngày và chọn cái tích cực làm cách ứng xử. Đề án, theo tôi, cũng sẽ tạo ra được sự gắn kết cộng đồng, một khi cộng đồng nhận thức tốt thì sẽ có sự tự giáo dục trong cộng đồng.
* Thực tế, nhiều quy định trước đây được ban hành nhưng không hiệu quả vì không có chế tài cụ thể. Theo ông, liệu có cần có những chế tài kèm theo đối với đề án này?
- Mục tiêu của đề án là làm sao cho dân hiểu và làm đúng và sắp tới thành phố sẽ đẩy mạnh việc xử lý nếu người dân vẫn vi phạm. Hiện tại chúng tôi cũng đang soạn thảo một số nội dung quy ước thực hiện nếp sống văn minh đô thị liên quan đến các quy định xử lý của pháp luật theo các điều, khoản của các nghị định như: Nghị định 73, Nghị định 81, Nghị định 34, Nghị định 150… để các xã, phường nắm bắt rõ hơn về các chế tài này, theo đó các mức phạt thấp nhất cho hành vi vi phạm nếp sống văn minh đô thị là 50 ngàn đồng, cao nhất là 20 triệu đồng.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Duyên (thực hiện)