Đề án thành phố Huế trực thuộc TW: Còn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các khu vực nông thôn của Huế còn tương đối nhiều. Mặc dù trong tiêu chuẩn về cơ cấu đơn vị hành chính, địa phương này đã đạt, nhưng về mặt bản chất thì khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thảo luận tại tổ sáng 31/10 về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, nhiều đại biểu cho rằng đây là điều kiện rất tốt cho Huế phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng thành một đô thị văn hóa - mảnh đất địa linh nhân kiệt, vùng đất cố đô - mang đúng tầm vóc lịch sử và văn hóa của Huế.

Song, không ít ý kiến còn băn khoăn khi các loại hình phát triển kinh tế của Huế chưa thực sự nổi bật, hiện thu ngân sách của địa phương chưa cao, chỉ đạt 11 nghìn tỷ đồng, so với các địa phương khác còn khiêm tốn.

Đây là một khó khăn cho địa phương trong việc bố trí nguồn lực để xây dựng trung tâm đô thị.

Các khu vực nông thôn của Huế còn tương đối nhiều. Mặc dù trong tiêu chuẩn về cơ cấu đơn vị hành chính, địa phương này đã đạt, nhưng về mặt bản chất thì khu vực nông thôn vẫn là chủ yếu.

Nội thị mới có 2 quận, có 3 thị xã, nhưng ngay thị xã khu vực nông thôn cũng vẫn còn nhiều, đây là thách thức trong quá trình quy hoạch phát triển, quản lý.

Đưa nông thôn và đô thị xích lại gần nhau

Đi vào cụ thể, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nêu ra các bài toán cần giải khi đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ông cho rằng, câu chuyện liên quan đến phát triển các vùng núi của Huế như A Lưới, Phong Điền, Nam Đông là vấn đề cần chú ý, đặc biệt A Lưới là địa bàn rất rộng, vùng núi cao hiểm trở, đồng bào dân tộc rất nhiều, gắn với đó là vấn đề bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng tuyến biên giới đoàn kết hữu nghị với Lào, là thách thức trong vấn đề nguồn lực và trong tổ chức các hoạt động liên quan đến chính quyền đô thị.

Bên cạnh đó là vấn đề lao động, việc làm, giải quyết bài toán di cư từ khu vực nông thôn ra thành phố và di cư trong những khu vực cần phải bảo tồn; sắp xếp các tổ chức bộ máy chính quyền; kiện toàn, sắp xếp, bố trí đào tạo đội ngũ cán bộ khi chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn sang mô hình chính quyền đô thị.

"Chúng ta đi theo hướng là đô thị về văn hóa, các trung tâm về y tế, giáo dục lớn. Đây là một định hướng rất phù hợp với Huế. Tuy nhiên, để so với gia tăng tốc độ phát triển đối với các tỉnh, các đô thị xung quanh, chẳng hạn Đà Nẵng phát triển theo hướng công nghiệp, thì vấn đề việc làm sẽ khó hơn, đây là bài toán cần phải tính toán," Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành lưu ý.

Cũng băn khoăn về Đề án này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho hay, điểm chung của việc đưa một địa phương cấp tỉnh lên thành phố là tỷ lệ nông thôn, nông nghiệp chiếm khối lượng khá lớn.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có khu vực đô thị, miền núi và nông thôn, với đặc điểm tự nhiên, địa hình, dân cư như vậy, nếu đưa lên trở thành thành phố thuộc Trung ương mang tính chất định hướng là đô thị thì sẽ có khoảng cách giữa nông thôn và các khu vực còn lại, phải tính toán để nhanh chóng đưa các khu vực này xích lại nhau.

Dẫn chứng việc đưa Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đến nay một số huyện "vẫn còn khoảng cách khá xa," đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, đã lên thành phố trực thuộc Trung ương hướng là đô thị thì phải xử lý bài toán "xích lại giữa miền núi và miền xuôi, giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn".

Sau khi được thông qua chủ trương, Chính phủ, đặc biệt là thành phố Huế, phải giải bài toán này cho khu vực miền núi, cần có nhiều đột phá hơn. Đề án xác định Huế là một thành phố di sản, thành phố định hướng về du lịch xanh, thì phải tính thêm cả vấn đề sức ép hạ tầng đô thị, các tiện ích xung quanh.

Ông Trịnh Xuân An cũng bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực về quốc phòng, an ninh, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự của thành phố, trong đó có vấn an ninh truyền thống và phi truyền thống; việc kết nối giữa hai thành phố trực thuộc Trung ương nằm sát cạnh nhau là Đà Nẵng và Huế, khi hai thành phố có hai sân bay quốc tế, hai cảng biển quốc tế; kết nối với Quảng Trị, kết nối ngang.

"Cần đánh giá thêm nội dung này để có phân vùng, phân chia phù hợp, nếu không chúng ta sẽ có sự cạnh tranh không cần thiết và làm dàn trải nguồn lực, dàn trải địa hình tự nhiên… Xác định như thế nào để chúng ta có lợi thế cạnh tranh nhất," đại biểu Đồng Nai nói.

Phải vươn lên để giải phóng tư tưởng

"Rõ ràng Thừa Thiên-Huế còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, mặc dù chúng ta áp dụng theo tiêu chí của thành phố đô thị nhưng còn rất nhiều thách thức," nêu quan điểm này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phân tích, số đơn vị hành chính cấp huyện là nông thôn còn nhiều, còn những huyện bãi ngang, nhiều xã. Khi rà soát sắp xếp lại, vẫn còn 78 xã, có 48 phường, thị trấn, tốc độ đô thị hóa đến thời điểm này mới đạt tỷ lệ khoảng 63%.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Làm sao để thay đổi tư duy từ vùng nông thôn trở thành tư duy, nhận thức và tư tưởng của một đô thị lớn không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà phải nỗ lực rất lớn. Bên cạnh đó là những giải pháp để tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế và tới đây là thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Bà cho biết, tới đây sẽ đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 38, đề nghị với Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng cho yêu cầu phát triển của thành phố Huế thời gian tới để đảm bảo cho Huế "một cái áo đầy đặn, toàn diện, đủ sức để có thể hội nhập, mang tính dẫn dắt không phải chỉ cho miền Trung mà dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cả nước, đồng thời dẫn dắt cho sự phát triển của hệ thống đô thị".

"Không phải riêng gì Trung ương quan tâm, mà cả nước quan tâm cho người dân Huế. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế phải nhận thức được đầy đủ vấn đề này để thấy mình phải thay đổi, phải vươn lên để giải phóng tư tưởng, thay đổi nhận thức, cố gắng đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị; đồng thời có nhiều giải pháp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện nay và đặc biệt là thành phố Huế trực thuộc Trung ương khi được Quốc hội thông qua", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.