Đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc bắc-nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiến độ và chất lượng thi công đường cao tốc bắc-nam phía đông đã có chuyển biến rất rõ sau chuyến thăm, kiểm tra của Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua.

 Gia tải chống lún trên tuyến đường cao tốc bắc-nam thuộc dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (Thanh Hóa- Nghệ An). (Ảnh THẾ ANH)
Gia tải chống lún trên tuyến đường cao tốc bắc-nam thuộc dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (Thanh Hóa- Nghệ An). (Ảnh THẾ ANH)


Ngay trong những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên tuyến đường cao tốc đoạn qua các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh, các ban quản lý dự án và đơn vị thi công đang huy động tối đa nhân lực và trang thiết bị hiện đại nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ sớm đưa “con đường thiên lý” vào vận hành, sử dụng.

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi trở lại công trường các dự án thành phần đường cao tốc trọng điểm: Mai Sơn-quốc lộ 45, Nghi Sơn-Diễn Châu và Diễn Châu-Bãi Vọt. Bất ngờ hơn khi có mặt tại dự án xây dựng hầm Thung Thi (xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) thuộc dự án Mai Sơn-quốc lộ 45 sau gần hai tháng đã thấy hình hài một đường hầm Thung Thi mới và cảm nhận được sức nóng trên công trình trọng điểm này.

Vượt nắng thắng mưa

Phó Giám đốc Ban điều hành dự án Hoàng Đình Thịnh cho biết: Hầm Thung Thi là một trong những hạng mục thi công phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao nhất của toàn tuyến cao tốc Mai Sơn-quốc lộ 45 và là hầm xuyên núi lớn nhất của dự án với chiều dài 6,68 km (gồm 6 km đường, hai ống hầm dài 680 m) có điểm đầu tại Km 301+000, điểm cuối tại Km 306+760.

“Đây là hạng mục thi công đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, hơn nữa chúng tôi quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rút ngắn thời gian thi công trước ba tháng”, ông Thịnh nhấn mạnh. Để đưa hầm Thung Thi về đích trước ba tháng, Ban điều hành dự án đã triển khai thi công ba ca/ngày với nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng, hiện đại.

Đặc biệt, đơn vị thi công-Tập đoàn Đèo Cả đã có các giải pháp triển khai 10 mũi thi công hạ cốt nền đường, áp dụng công nghệ NATM của Áo trong việc thi công vòm ngược trong thi công hầm; trong đó, có nhiều sáng kiến kỹ thuật được áp dụng như biện pháp khoan, nổ, giảm số lượng mũi khoan nhưng vẫn phát huy công năng, hiệu quả khi nổ mìn phá đá... góp phần đẩy nhanh tiến độ, an toàn thi công dự án.

Ngược vào điểm cuối dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (Nghệ An), hơn 100 công nhân cùng 45 thiết bị thi công hiện đại của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn đang hối hả thi công đoạn từ Km 429+100 đến Km 430+000, trong đó có nút giao Diễn Cát với quốc lộ 7. Hòa trong tiếng máy lu nền đường đang vận hành hối hả, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) Phạm Văn Minh cho biết: Quá trình triển khai dự án, mặc dù gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng của dịch Covid-19, mưa lụt, giá nhiên liệu tăng... song với nội lực, các đơn vị thi công đã, đang huy động tối đa nhân lực cùng máy móc hiện đại, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ.

Nhờ đó, sau hơn bảy tháng, các nhà thầu đã đồng loạt triển khai 60 mũi thi công, với hơn 700 cán bộ kỹ sư, công nhân ngày đêm trên công trường, gần 340 thiết bị... đến nay tiến độ đã đạt hơn 20% kế hoạch (vượt kế hoạch đề ra).

Tại điểm thi công trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Công ty TNHH Đại Hiệp huy động hàng trăm cán bộ, công nhân triển khai hai mũi thi công tuyến Km 479+000 - Km 479+120; nút giao và cầu vượt quốc lộ 8A. Phó Chỉ huy công trường Hà Huy Nguyên chia sẻ: Ngoài việc giá vật liệu tăng đang ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ thi công, hiện đơn vị chúng tôi vẫn chưa mở được đường công vụ để vận chuyển vật liệu vì liên quan công tác quản lý an toàn đê La Giang do đang đợi các cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Dự án đường cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt được đầu tư theo hình thức PPP, được khởi công tháng 5/2021 và dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, gồm vốn doanh nghiệp (nhà đầu tư) 5.090 tỷ đồng và phần vốn nhà nước tham gia trong dự án 6.067 tỷ đồng. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng Nguyễn Quốc Việt, ngay sau khi triển khai ký kết nguồn vốn và nhận bàn giao mặt bằng, đến nay công ty và các nhà thầu đã triển khai 58 mũi thi công, với 182 thiết bị để tiếp tục đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ dự án.  

Ngoài dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, tỉnh Hà Tĩnh còn triển khai ba dự án đường cao tốc thành phần giai đoạn 2021-2025. Các dự án này có tổng chiều dài khoảng 102,5 km, với tổng mức đầu tư khoảng 20.230 tỷ đồng; đi qua địa bàn các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Để phục vụ thi công cho các dự án này, Hà Tĩnh sẽ phải di dời 600 hộ dân, 950 ngôi mộ, xây dựng 21 khu tái định cư phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng đang được tỉnh rốt ráo thực hiện, địa phương phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng sạch vào cuối năm 2022 cho các đơn vị thi công. Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 24/3, Ban quản lý dự án đã bàn giao mốc lộ giới cao tốc đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi cho hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện Can Lộc và Đức Thọ; dự kiến đến cuối tháng 6, sẽ bàn giao toàn bộ hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng cho các địa phương còn lại...

Bảo đảm tiến độ, chất lượng

Tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các chủ đầu tư, địa phương triển khai dự án giai đoạn 2017-2020 khẩn trương tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc về vật liệu, giá nhiên liệu... để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ cam kết.

Nhằm hiện thực hóa cam kết với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm đưa tuyến cao tốc này vào hoạt động, nối thông với đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, đặc biệt triển khai vào giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến công trường cũng như tác động của thời tiết mưa nhiều, cùng với giá nhiên liệu tăng cao..., bên cạnh việc huy động tối đa nhân lực, vật liệu, thì các ban dự án đã chỉ đạo các nhà thầu giải quyết những khó khăn về nguyên vật liệu, áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả vào thi công; ưu tiên đầu tư mua mới máy thi công chuyên dùng hiện đại nhất để đẩy nhanh tiến độ...

Theo báo cáo của các ban quản lý dự án, do giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo các nguyên vật liệu phục vụ thi công “phi mã”, mong muốn lớn nhất của các nhà thầu đang thi công trên tuyến chính là Chính phủ sớm có chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan xem xét, điều chỉnh giá vật liệu phù hợp thực tế. “Hiện dự án đã đạt hơn 55% khối lượng công việc, tới đây sẽ thảm đường, nhưng giá xăng dầu tăng tác động đến các phương tiện vận tải, nhất là giá nhựa đường tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thi công công trình.

Dù vậy, bằng bất cứ giá nào chủ đầu tư, các nhà thầu thi công cũng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công đoạn cao tốc bắc-nam phía đông qua tỉnh Thanh Hóa”, Giám đốc Ban điều hành dự án Mai Sơn-quốc lộ 45 Lương Văn Long khẳng định.

Trong khi nhu cầu vật liệu sử dụng cho dự án rất lớn, nhất là cát, đất san lấp, nên trong quá trình triển khai, hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nguồn cung ứng vật liệu. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 và đặc biệt tại chuyến kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các địa phương bước đầu đã tháo gỡ được khó khăn và đến nay cơ bản đáp ứng nguồn vật liệu cung cấp cho dự án.

Đơn cử như ở Thanh Hóa, hiện đang có 132 mỏ đá được cấp phép khai thác với công suất 4,5 triệu m3/năm (trong đó nhu cầu đá xây dựng cao tốc khoảng hơn 2,7 triệu m3). Nguồn đất đắp cần cho các dự án cao tốc khoảng 11,68 triệu m3, hiện có 24 mỏ có trữ lượng 16,1 triệu m3 đang cung cấp cho các dự án này... Tương tự, Nghệ An và Hà Tĩnh cũng chủ động giải quyết các thủ tục liên quan để sớm cân đối nhu cầu sử dụng vật liệu cho các dự án cao tốc qua địa bàn...

Hiện nay, ngoài tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương tại Nghệ An, Hà Tĩnh đang gặp một ít khó khăn do liên quan rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất qua các khu dân cư, đất nông nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện), mồ mả… Cùng với đó, giá vật liệu tăng đột biến, trong đó giá vật liệu chủ yếu tăng mạnh như giá nhựa đường tăng 28%, xăng dầu tăng 102%, thép tăng 46%... dẫn đến chi phí xây dựng của dự án tăng lên 10-13% là những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, hiện Bộ đang tổng hợp, đánh giá ảnh hưởng của các biến động giá vật liệu xây dựng để phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan có các đề xuất, kiến nghị giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phù hợp. “Mặt khác, lãnh đạo Bộ và các địa phương thường xuyên “nằm vùng” tại công trường, ngoài việc thúc đẩy tiến độ, giám sát, kiểm soát thi công, bảo đảm dự án hoàn thành đúng cam kết cả về thời gian và chất lượng, giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.

 

Tuyến đường cao tốc từ Thanh Hóa vào đến Hà Tĩnh đang được thi công bốn dự án thành phần gồm: dự án Mai Sơn-quốc lộ 45 chiều dài hơn 63 km; quốc lộ 45-Nghi Sơn hơn 43 km; Nghi Sơn-Diễn Châu 50 km và Diễn Châu-Bãi Vọt hơn 49 km. Trong đó, đoạn qua địa bàn Thanh Hóa dài hơn 98 km, Nghệ An hơn 88 km và Hà Tĩnh gần 5 km. Tuyến cao tốc này có quy mô sáu làn xe; giai đoạn phân kỳ quy mô bốn làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ...


https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/day-nhanh-tien-do-thi-cong-duong-cao-toc-bac-nam-691064/

LÊ ĐỨC NGHĨA, THÀNH CHÂU và NGÔ TUẤN
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất