(GLO)- “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”-thực tiễn sinh động đã chứng minh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ chỗ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chăm lo nâng cao đời sống người dân, đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, bà con vùng dân tộc thiểu số được cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn, đầy đủ để từ đó chủ động loại bỏ dần nhiều hủ tục đè nặng lên cuộc sống.
Mưa dầm thấm lâu
Được đánh giá là người “có tài vận động”, song khi nói về quá trình làm công tác dân vận, bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh-vẫn thừa nhận: “Khó lắm! Có nhiều hủ tục tồn tại dai dẳng vài chục năm, thậm chí từ đời này sang đời khác, nếu không kiên trì tuyên truyền, vận động, đấu tranh thì làm sao xóa bỏ?”.
Bà H’Yéo chia sẻ, câu cửa miệng của phần đông người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số khi nhắc đến việc xóa bỏ hủ tục đều là: “Làm sao mà bỏ được”. Là một phụ nữ Jrai, hơn ai hết bà hiểu rất rõ cách nghĩ đã ăn sâu trong tâm thức của số đông, nhưng cũng chính vì vậy mà bà càng muốn thay đổi. Bà đúc kết, nói một lần người dân chưa nghe thì nói 2 lần, 3 lần. Nói làm sao để người dân từ chỗ không tin, chưa tin thì sau đó tin hoàn toàn. Từng làm công tác binh vận trong những năm kháng chiến chống Mỹ đến công tác tuyên truyền, vận động khi đảm nhận các chức vụ: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, khi xuống với bà con các làng xã, bà luôn khẳng định: “Tập tục do chính con người tạo ra thì cũng có thể thay đổi được. Xã hội ngày càng phát triển, con người cũng vậy, phải tiếp cận với cái mới. Nếu không học hỏi, tiếp thu cái tiến bộ, văn minh thì tránh sao khỏi đói nghèo bủa vây”.
Giải thích, vận động không chưa đủ, bà H’Yéo còn nêu những dẫn chứng cụ thể để thuyết phục, như hủ tục chôn chung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người trực tiếp mở nắp hòm, gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh thế nào. Hay tục hiến sinh quá nhiều trong tang ma, lễ hội vừa phung phí, vừa làm kiệt quệ kinh tế gia đình ra sao…
|
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể, một số hủ tục đã từng bước bị đẩy lùi, diện mạo xã Đak Rong (huyện Kbang) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Phương Duyên |
So sánh, chứng minh cũng là biện pháp mà chị Đinh Thị Đới-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kon Lanh (xã Đak Rong, huyện Kbang) thực hiện để góp phần đẩy lùi vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thời gian qua. Chị luôn chú trọng việc tuyên truyền trực quan, so sánh để bà con hình dung đầy đủ hoàn cảnh của gia đình có người tự tử với gia đình có đủ vợ đủ chồng cùng chăm lo làm lụng, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Chị còn thường tìm kiếm những mô hình mới, cách làm hay để hướng dẫn, phổ biến đến chị em trong làng; vận động họ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Hiện 131 hộ dân trong làng đang vay hơn 5 tỷ đồng từ ngân hàng để chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả rất tốt. Cũng theo chị Đới, ý thức người dân còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khó xóa bỏ hủ tục. Để nâng cao dân trí, chị thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể đến từng nhà vận động học sinh đi học đúng độ tuổi, chuyên cần; tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, từ đó chung tay đẩy lùi vấn nạn tự tử cũng như những hủ tục khác trên địa bàn.
Đề cập đến kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền xóa bỏ hủ tục chôn chung tại làng Bôn Tông Sê (xã Ia Trok), ông Huỳnh Vĩnh Hương-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa-cho rằng: “Phẩm chất quan trọng nhất của người làm công tác dân vận là tôn trọng người dân, phải lắng nghe họ nói gì và mong muốn điều gì. Mặt khác, cần tìm người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng để thuyết phục, khi đó mọi việc sẽ thuận lợi hơn”. Một kinh nghiệm khác mà ông Hương rút ra trong quá trình vận động người dân xóa bỏ hục tục chôn chung đó là chia sẻ, đồng hành song phải quyết liệt thì mới thành công.
Cần tiếp tục chung tay
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội: “Thực tế cho thấy, có những yếu tố văn hóa trước kia bị coi là mê tín dị đoan, giờ lại được xem là giá trị đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Nói như thế để chúng ta thấy rằng, xem xét các hiện tượng văn hóa cần có cách nhìn biện chứng, vừa khách quan nhưng cũng cần có cả cách tiếp cận của người trong cuộc. Điều duy nhất mà tôi khuyến nghị là, trong bài trừ hủ tục cần có sự phối hợp, tham gia chủ động của các cộng đồng chủ thể, những người sở hữu sinh hoạt văn hóa đó, để họ có tiếng nói trong việc lựa chọn những nét đẹp và giá trị văn hóa của chính họ. Dù sao, họ cũng chính là những người thực hành các sinh hoạt văn hóa đó, vì thế, mọi sự can thiệp từ phía Nhà nước nên được giới hạn bằng việc cung cấp những hiểu biết đúng đắn, đầy đủ nhất để người dân chủ động lựa chọn. Làm được như thế, chúng ta không những bài trừ được những tập tục không phù hợp mà còn tạo điều kiện để các sinh hoạt văn hóa tốt đẹp tiếp tục được thực hành, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như kinh tế-xã hội đất nước”. |
Nhằm góp thêm tiếng nói trong việc xóa bỏ hủ tục trên địa bàn, năm 2019, TS. Sử học Nguyễn Thị Kim Vân đã đăng ký thực hiện với vai trò chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Một số hủ tục trong vùng đồng bào Bahnar, Jrai ở tỉnh Gia Lai”. Sau khi đề tài được nghiệm thu năm 2020, TS. Vân tóm tắt nội dung để ra mắt “Sổ tay tuyên truyền nhằm giảm thiểu một số hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai ở tỉnh Gia Lai” với 3 ngữ: Kinh-Bahnar-Jrai. Sổ tay giúp nhận diện rõ các hủ tục, vấn đề xã hội trên một số lĩnh vực: nghi lễ và lễ hội; hôn nhân và gia đình; một số hủ tục đặc biệt khác. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm từng bước giảm thiểu những hủ tục và vấn đề xã hội này (từ góc nhìn phong tục tập quán và luật tục), góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng đồng bào Bahnar, Jrai. Đây được xem là tài liệu tham khảo có giá trị thực tiễn, giúp chính quyền địa phương có thêm tài liệu tuyên truyền nhằm giảm thiểu các hủ tục và vấn đề xã hội mới phát sinh trong quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư tại chỗ với bộ phận dân cư mới đến.
|
Bà Ksor H'Điu (bìa trái) trò chuyện cùng lãnh đạo UBND xã, Bí thư Chi bộ thôn và bà con làng Bôn Tông Sê (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) về chuyện bỏ tục chôn chung. Ảnh: Phương Linh |
Phân tích về từ “khéo” trong mục tiêu dân vận khéo để xóa bỏ các hủ tục ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ông Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-cho hay: Một số hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, vì vậy không thể giải quyết nóng vội. Đặc biệt, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ khối đại đoàn kết, do đó, công tác dân vận càng phải khéo léo. Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đội ngũ “tuyên truyền viên” luôn “3 bám, 4 cùng”, người dân đã dần hiểu rõ những hậu quả nghiêm trọng của hủ tục, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe và cả tính mạng của cá nhân, gia đình nói riêng, đời sống kinh tế-xã hội nói chung nên chủ động xóa bỏ.
Tiến sĩ Vân cũng chia sẻ quan điểm: Hiện nay, một số hủ tục như chôn chung, chôn con theo mẹ cơ bản đã được đẩy lùi. Bên cạnh đó, hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” đã giảm nhiều nhưng chưa triệt để; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết có giảm nhưng còn khá phức tạp. “Người Jrai vùng Cheo Reo (nay là các huyện Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa) quan niệm trai gái cùng họ (Siu, Ksor, Nay…) thì không được kết hôn trong khi luật pháp không cấm. Tuy nhiên, họ lại cho phép con cô-con cậu, con cậu-con dì được lấy nhau (do khác họ) dù quan hệ huyết thống rất gần gũi. Điều này dẫn đến những hệ lụy đối với sức khỏe thể chất, trí tuệ của thế hệ sau, gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, vô hình trung tạo ra gánh nặng cho gia đình, xã hội”-TS. Vân chia sẻ. Đây cũng là lý do để bà đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đẩy lùi hủ tục này trong thời gian tới.
Là mục tiêu khó nhưng phải quyết tâm thực hiện, do đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND ngày 4-5-2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II). Theo đó, mục tiêu đặt ra là giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.
Đề cập các giải pháp nhằm duy trì kết quả đạt được và tiếp tục bài trừ các hủ tục, vấn nạn gây nhức nhối, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng cho hay: Ngành dân vận có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thuyết phục bà con giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, loại bỏ các tập tục lạc hậu. Đồng thời, các ngành, các cấp, các địa phương cần chú trọng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; chủ động nắm bắt những vấn đề phát sinh trong đời sống để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Cũng theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội phải đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức, chú trọng nhân rộng, lan tỏa các mô hình, điển hình về công tác dân vận trong vùng dân tộc thiểu số.
NHÓM PHÓNG VIÊN