Đầu tư kỹ thuật số - thương vụ hay canh bạc - Bài 1: Thế giới Coin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Trong sự phát triển của công nghệ số và mạng xã hội, đầu tư tài chính online, tiền kỹ thuật số… trở thành xu hướng thu hút nhiều người. Nhưng cũng chính từ đây, không ít biến tướng, chiêu trò mà lằn ranh giữa thương vụ đầu tư hay một canh bạc rất đỗi mong manh.
Không phải đợi đến khi vượt mốc 30.000 USD đầu tháng 1-2021 thì đồng Bitcoin (BTC) mới được chú ý, mà những năm gần đây, BTC hay các loại tiền kỹ thuật số khác đang trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư. 

Giao diện điện tử một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đang thu hút nhiều người hiện nay
Giao diện điện tử một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đang thu hút nhiều người hiện nay
Bà nội trợ cũng lên sàn
Câu chuyện về chính người hàng xóm của mình khiến chúng tôi thấy rõ sự ảnh hưởng của đồng tiền này. Từ một bà nội trợ, chị N. (49 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) trở thành một nhà đầu tư tiền kỹ thuật số có kinh nghiệm. “Trước đây, tôi làm thợ may rồi nội trợ, đưa đón con cái đi học. Từ khi con gái lớn vào đại học, vợ chồng tôi bắt đầu tìm hiểu về tiền kỹ thuật số và tôi tham gia 3 khóa học ngắn hạn về lĩnh vực này. Hiện ngoài con trai út đang học đại học thì cả nhà tôi, mỗi người đều có khoản đầu tư vào tiền kỹ thuật số”, chị N. kể.
Một chút luyến tiếc khi nhìn vào giá BTC trên thị trường hiện tại đã vượt mốc 30.000 USD, chị N. kể thêm: “6 năm trước, con gái lớn của tôi đầu tư vào BTC, cả nhà ngăn cản, không ai tin nên bây giờ cũng thấy hơi tiếc khi giá nó lên cao gấp cả trăm lần. Gia đình tôi đầu tư vào vài đồng kỹ thuật số nổi bật, con gái tôi thì sở hữu thêm BTC, nó nhất quyết giữ vì nhận định tương lai có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh”.
Theo dõi thị trường, đọc tin tức tìm hiểu thêm và mua bán… đều được chị N. thực hiện trên điện thoại. “Từ khi chuyển qua đầu tư tiền kỹ thuật số, thu nhập gia đình đỡ hơn rất nhiều, nhưng nói nào ngay là nhờ những mối quan hệ của gia đình, mình gặp đúng người hỗ trợ tốt, rồi tôi đi học để biết cách nhìn thị trường mà đầu tư nên mới có lời, chứ chụp giật thì chỉ có cháy sạch vốn thôi. Tôi chọn hình thức mua và trữ các đồng tiền trong ví điện tử, khi có lời thì bán chứ không để lên sàn giao dịch, đặt lệnh mỗi ngày vì điều này rất khó. Đặt lệnh, nếu thắng, lợi nhuận tăng rất nhanh, nhưng ngay cả chuyên gia còn không dự đoán thị trường được, thì đặt lệnh mỗi ngày mang tính may rủi nhiều hơn”, chị N. chia sẻ kinh nghiệm.
Cùng nhận định với chị N., nhiều người đầu tư BTC cho rằng, cách an toàn để đầu tư vào BTC là trữ trong ví điện tử, người mua BTC có thể trữ trong ví nóng (ngắn hạn) hoặc ví lạnh (dài hạn) và bán ra khi cảm thấy lợi nhuận như mong muốn, hoặc đem lên sàn giao dịch vào thời điểm đã đón đầu được thị trường. Riêng một số ví trữ hiện nay còn hỗ trợ khả năng ký gửi, người chơi có thể ký gửi theo thời hạn 5 tháng/13 tháng/34 tháng, tương ứng lợi nhuận 8%/13%/21%.
Những năm gần đây, lượng người tìm hiểu và đầu tư vào BTC ngày càng nhiều. Có thể hiểu một cách đơn giản, BTC là một đồng tiền kỹ thuật số, người chơi BTC có thể mua để giao dịch trực tiếp ở các sàn hoặc trữ trong ví lâu dài và bán khi giá BTC tăng ở mức lợi nhuận mong muốn. Việc giao dịch trên các sàn đòi hỏi người chơi phải nắm bắt được thị trường tài chính, bởi biên độ dao động giá BTC lên xuống rất mạnh. Trong vài giây đặt lệnh, người chơi có thể kiếm lời vài trăm USD và ngược lại, nếu không đón đầu được thị trường, đặt lệnh sai coi như lỗ vốn, thậm chí mất trắng. 
Làn sóng đầu tư từ giới trẻ
Khái niệm đầu tư trong thời buổi 4.0 không chỉ gói gọn ở những người có tiền, nhiều bạn trẻ hiện nay bắt đầu “nhảy” với thị trường tiền kỹ thuật số, bởi đây là cách kiếm thêm nhẹ nhàng, không mất nhiều thời gian.
Thị trường hiện tại có hàng ngàn đồng tiền kỹ thuật số phổ biến, sau BTC, các đồng Altcoin cũng là một thị trường thu hút những nhà đầu tư trẻ. Altcoin được hiểu là “con” của BTC, cũng như Ethereum, XRP, Litecoin, Binance Coin, Dash… Các đồng tiền kỹ thuật số này cũng ứng dụng công nghệ Blockchain và ra đời sau nên khắc phục một số nhược điểm của BTC như tốc độ giao dịch. 

Nhiều người quan tâm và tìm hiểu về BTC cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác
Nhiều người quan tâm và tìm hiểu về BTC cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác
Hiện tại, BTC chỉ có khả năng xử lý khoảng 4 giao dịch/giây, trong khi công cụ thanh toán quốc tế như VISA xử lý 4.000 giao dịch/giây và mở rộng lên 65.000 giao dịch/giây. Và với mức giá hiện tại không quá cao, nên người đầu tư nhỏ lẻ hoặc mới bắt đầu dễ “nhảy” vào hơn. Dĩ nhiên, đầu tư BTC hay Altcoin đều có chung một nguyên tắc đầu tư là “mua thấp và bán cao” để kiếm lời.
Ngoài công việc là một giáo viên dạy bơi, Lê Quốc Tuấn (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đầu tư khá nhiều vào các Altcoin: “Tôi đầu tư từ 3 năm trước, nhưng tình hình hiện tại rớt giá quá, có lẽ số mình chưa đủ duyên làm giàu nhanh”. Bước vào thị trường tiền kỹ thuật số nhưng không có kinh nghiệm hay qua trường lớp bài bản, việc chịu lỗ giúp anh Tuấn có cách nhìn nhận thị trường.
“Ban đầu, tôi được người anh họ hướng dẫn, đầu tư, rồi lỗ vài lần là có kinh nghiệm. Mà nói thật, thị trường này mênh mông, muốn hiểu được thì phải đầu tư mà đầu tư rồi cũng chưa chắc hiểu hết, thị trường biến động liên tục. Mới thống kê hôm trước, hôm sau BTC có thêm 3 đồng nữa dẫn đầu thị trường, nhưng hôm nay dính một vụ kiện, đồng XRP rớt giá thê thảm, nhiều sàn ngừng giao dịch hẳn, người đầu tư còn giữ các đồng này chỉ còn nhìn vào màn hình điện thoại coi như kỷ niệm. Có người giữ nhiều coi như mất trắng vài tỷ đồng trong phút giây. Đầu tư mà rủi ro thì phải chịu thôi”, anh Tuấn chia sẻ.
BTC hay tiền kỹ thuật số khác không chỉ là một thành tựu công nghệ mà còn là xu hướng của tương lai. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, sau 2 năm đi làm, Huỳnh Ngọc Lợi (25 tuổi, giám sát phân phối bán hàng, ngụ quận 8, TPHCM) cho biết: “Ban đầu, tôi không hứng thú với đầu tư tiền kỹ thuật số, nhưng bây giờ tôi quyết định đầu tư nghiêm túc vào thị trường này. Một phần để có thêm khoản phụ và tôi nghĩ đây là xu hướng trong tương lai, dù muốn hay không thì tiền kỹ thuật số sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới kinh tế”.
Không chỉ với người đi làm, sinh viên kinh tế - tài chính, nhiều sinh viên những ngành học khác cũng chọn đầu tư vào tiền kỹ thuật số để kiếm thêm. Đang học năm 2 Nhạc viện TPHCM, Ngọc Huy (19 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đã sở hữu kha khá đồng Ducatus coin. “Tôi không rành về tài chính, nhưng tìm hiểu trên mạng và nghe các anh chị trong ngành chia sẻ nên chọn đầu tư vào đồng kỹ thuật số này. Tôi mua và ký gửi theo thời hạn trong ví chứ không đặt lệnh giao dịch trên sàn. Tôi chọn cách chậm mà chắc”, Huy chia sẻ.
Tiền kỹ thuật số/tiền mã hóa/tiền thuật toán được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, được trao đổi, giao dịch hoàn toàn trong môi trường Internet. Điển hình của tiền kỹ thuật số chính là BTC, đồng tiền mã hóa đầu tiên chính thức xuất hiện trên thị trường tài chính vào năm 2009 và cũng là đồng tiền kỹ thuật số có giá nhất hiện nay. Sàn thương mại điện tử PayPal (Mỹ) đã chấp nhận dùng BTC để thanh toán mua hàng.
Giao dịch tiền kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi Satoshi Nakamoto, khi ông Satoshi gửi 10 BTC cho ông Hal Finney vào tháng 1-2009 (ông Finney là một nhà mật mã học - PV). Nhưng người sử dụng tiền kỹ thhuật số đầu tiên để mua hàng là ông Laszlo Hanyecz vào năm 2010, ông đã dùng 10.000 BTC để mua 2 chiếc bánh pizza, đây là lần đầu tiên BTC được sử dụng để mua một thứ gì đó.
BTC hoạt động được là nhờ Blockchain (công nghệ chuỗi khối), với tính năng rất đặc biệt là truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian nào để xác nhận thông tin. Ví dụ khi người A gửi cho người B 10 BTC, chỉ sau vài phút là người B sẽ nhận được trực tiếp 10 BTC mà không cần thông qua bất kỳ ngân hàng nào. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi có Internet, mất một khoản phí nhưng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí giao dịch qua ngân hàng.
Đây là một hệ thống đảm bảo sự an toàn rất cao cho các dữ liệu trước các nguy cơ bị đánh cắp, nhất là các dữ liệu nhạy cảm như tài khoản ngân hàng online, tài khoản thẻ thanh toán… Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain bị tấn công, các phần khác không bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin, dữ liệu.
KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.