"Đầu tàu" của làng Wâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiệt tình, thân thiện là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Hưn-Trưởng thôn Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku. Không chỉ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vị trưởng thôn sinh năm 1980 này còn luôn đi đầu trong mọi phong trào, vận động người dân tích cực xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Điển hình phát triển kinh tế
Bên ấm trà xanh, chúng tôi có dịp được nghe anh Hưn kể chuyện làng, chuyện gia đình. “Năm 2010, tôi được bà con trong làng tin tưởng và tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn. Ở cương vị này, tôi luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và những người uy tín trong làng để tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”-anh Hưn chia sẻ.
Để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, anh Hưn đã mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển gần 1 ha đất trồng lúa rẫy sang trồng các loại rau màu, chanh dây và nuôi bò. Trước đó, anh dành thời gian học hỏi kinh nghiệm tại vùng rau An Phú (TP. Pleiku), đồng thời tham gia các lớp tập huấn của xã về áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân để rau cho năng suất cao. Nhờ đó, với gần 1 ha trồng rau và chanh dây, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi 8 con bò giúp bổ sung đáng kể nguồn thu nhập. Năm 2014, anh cũng là người đi đầu áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt trong sản xuất. “Tôi tìm hiểu và tự mua nguyên liệu về lắp đặt. Mới đầu, tôi lắp thử nghiệm trên 1 sào đất, hết gần 3 triệu đồng. Sau đó, tôi tiếp tục mở rộng hệ thống trên gần 1 ha”-anh Hưn cho hay.
 Anh Hưn (bìa phải) hướng dẫn lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt  cho ông Ơl. Ảnh: Đ.Y
Anh Hưn (bìa phải) hướng dẫn lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho ông Ơl. Ảnh: Đ.Y
Nhận thấy mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình anh Hưn mang lại hiệu quả, bà con trong làng đến tìm hiểu, nhờ anh chỉ cách thực hiện. Ông Ơl-người cùng làng-cho biết: “Nhờ anh Hưn hướng dẫn, gia đình mình có 4 sào đất trồng lúa năng suất thấp đã chuyển qua trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, 4 sào đất trồng được 2 vụ lúa/năm, thu nhập khoảng 30 triệu đồng thì trồng rau được 4 vụ, mang lại thu nhập cao gấp 5 lần. Năm 2018, gia đình mình còn được UBND xã hỗ trợ nguyên liệu làm hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1 sào đất trồng rau, mình sẽ vay mượn lắp thêm trên 3 sào rau còn lại”. Ngoài hộ ông Ơl, UBND xã Chư Á còn hỗ trợ nguyên liệu giúp 9 hộ khó khăn của làng Wâu lắp hệ thống tưới nhỏ giọt. 
Ông Anơ-người uy tín của làng Wâu-chia sẻ: “Trưởng thôn Hưn tuy trẻ tuổi nhưng có hiểu biết, giúp dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả. Học tập làm theo anh Hưn nên đời sống kinh tế của nhiều hộ khởi sắc, hiện làng Wâu không còn hộ nghèo”.
Tích cực xây dựng làng du lịch cộng đồng
Không chỉ là điển hình về sản xuất giỏi, với vai trò trưởng thôn, anh Hưn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những vướng mắc của dân làng. Cùng với Ban Nhân dân thôn, anh ra sức tuyên truyền, vận động bà con thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, từ khi thành phố chủ trương xây dựng làng Wâu trở thành làng du lịch cộng đồng, anh Hưn đã tích cực tuyên truyền dân làng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục. Ngoài ra, anh còn cùng chi hội Phụ nữ trong làng vận động người dân thực hiện mô hình con đường hoa, hàng rào xanh. Hàng tuần, chị em tập trung tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, các hộ đều tự chăm sóc vạt hoa ở đoạn đường trước nhà.
Anh Hưn cho hay: Làng Wâu nằm cách quốc lộ 19 khoảng 5 km, diện tích gần 32 ha. Ngôi làng Bahnar này có 270 hộ sinh sống, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm. Để phát triển du lịch, làng đã phục dựng khu sinh hoạt cộng đồng bao gồm: nhà rông, giọt nước... “Bằng trách nhiệm của mình, tôi tích cực tuyên truyền vận động dân làng nỗ lực lưu giữ kiến trúc nhà sàn để phát triển loại hình homestay làm nơi lưu trú cho du khách; phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đào tạo người dân làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng”-anh Hưn nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Minh-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á-nhận xét: “Anh Hưn là trưởng thôn trẻ làm kinh tế giỏi, năng động, sáng tạo, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền giao phó và được bà con yêu quý. Anh là gương sáng được UBND TP. Pleiku chọn tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III”.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.