"Cơ ngơi xanh" của chàng trai 9X

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chọn cho mình một không gian rộng rãi cách xa thành phố, chàng trai Nguyễn Văn Thanh Long (27 tuổi, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) dần cởi bỏ mác “công tử bột” để làm nông nghiệp. Trên mảnh đất ấy, Long ngày ngày vun đắp ước mơ biến nơi này thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách.
Bỏ phố về vườn
Một buổi chiều cuối tháng 10, tôi đến thăm Longs Rose Farm-khu vườn cổ tích được chàng trai 9X Nguyễn Văn Thanh Long gầy dựng với hơn 6.000 gốc hoa hồng các loại và hàng trăm cây ăn quả. Khi chúng tôi đến, Long đang trộn vữa để lát gạch làm lối đi cho khu vườn. Gác lại công việc, anh đưa tôi đi tham quan và kể về quyết tâm biến khu đất bỏ hoang thành mảnh vườn ngập tràn sắc hoa này.
Trước đó, trong những năm theo học Khoa Kiến trúc-Đại học Yersin tại “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt, Long xin làm thêm tại các nhà vườn trồng hoa quả, rau màu nên học hỏi được nhiều kiến thức về nông nghiệp. Nhận thấy khí hậu của Gia Lai và Đà Lạt khá tương đồng, gia đình lại có mảnh đất rộng nằm trên trục tỉnh lộ 664, anh mạnh dạn xin cha mẹ cho đầu tư làm trang trại. Ban đầu là trồng và cung cấp các giống hoa hồng, các loại cây ăn quả, sau là để làm du lịch. May mắn là cha mẹ anh đồng lòng ủng hộ.
  Anh Nguyễn Văn Thanh Long chăm sóc vườn hồng của mình. Ảnh: P.L
Anh Nguyễn Văn Thanh Long chăm sóc vườn hồng của mình. Ảnh: P.L
Tháng 6-2018, Long rời Đà Lạt về Gia Lai. Tháng 8 anh bắt tay vào san ủi mặt bằng, bắt đầu giai đoạn “thai nghén” cho khu vườn mơ ước. Để tiết kiệm chi phí, anh tự tay làm tất cả mọi việc. “Tôi là con út trong một gia đình có 3 chị em. Từ nhỏ đến lớn tôi được cưng chiều nhất nhà, không phải làm việc nặng nhọc nên thường bị bạn bè gọi là “công tử bột”. Vậy mà bây giờ ngày nào cũng làm quần quật ngoài vườn với đủ thứ việc, từ đào đất, làm cỏ, bón phân, tỉa cành… Dù mệt nhưng cảm thấy rất thoải mái, hạnh phúc vì đang hiện thực hóa ước mơ của mình”-anh Long chia sẻ.
Để thuận tiện chăm sóc, trông coi, anh không ở cùng cha mẹ tại trung tâm TP. Pleiku mà chuyển đến sống hẳn tại vườn. Sau một năm lao động chân tay, Long đã trở thành chàng trai chững chạc, rắn rỏi. Khu đất rộng rợp cỏ dại đã được thay thế bằng màu xanh cây cối, rực rỡ sắc màu của hoa. Riêng vườn hoa hồng với khoảng 6.000 gốc thuộc hơn 50 loại, được đầu tư đến 400 triệu đồng hiện đang bắt đầu nhân giống và kinh doanh. Doanh thu của vườn hồng sau một năm đã đạt gần 200 triệu đồng, giúp chủ nhân có vốn để tái đầu tư. Trên khu vườn này, các loại cây trái như cam, quýt, sầu riêng, thanh long, mít Thái, bơ, vú sữa… cũng đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ấp ủ ước mơ làm du lịch
Lối dẫn vào khu vườn của Long mùa này cỏ đuôi chồn hoang dại thảm dày ấn tượng. Đã định hình về một khu vườn làm du lịch trong tương lai nên anh chia mảnh đất thành từng phân khu, mỗi khu phân bố một loài cây. Từ cổng đi vào sẽ là vườn cây ăn trái, tạo cảm giác xanh mát. Tiếp đến là vườn hoa hồng chia thành từng ô đất trồng hồng cổ Sa Pa, hồng thân gỗ, các loại hồng ngoại, hồng đã vào chậu, hồng giống… Giữa các khu trồng cây đều có lối đi do tự tay anh lát từng viên gạch. Long còn hàn những chiếc cổng vòm đặt ở các lối đi và trồng hoa hồng leo để khu vườn thêm thu hút. “Tôi tự tay làm theo sở thích, từ việc nhỏ nhất. Quyết tâm làm vườn nên mình không nề hà bất kỳ việc gì. Tôi cũng xác định làm du lịch là việc lâu dài, không được vội. Khi khu vườn trở nên thật bài bản, cây cối xanh mát, hoa trái rực rỡ cùng với các dịch vụ đi kèm hoàn thiện, tôi sẽ mở cửa đón khách. Tôi muốn Longs Rose Farm là điểm dừng chân thật hấp dẫn đối với mọi người”-anh tâm sự. Không lâu nữa, khách đến tham quan tại đây sẽ được dạo chơi, chụp ảnh giữa vườn hồng rộng lớn, ngát hương, thưởng thức hoa quả hay được trải nghiệm làm nông dân, nếu có nhu cầu.
Để hiện thực giấc mơ anh Long tự tay mình chăm chút tỉ mỉ cho khu vườn. Ảnh: P.L
Để hiện thực giấc mơ anh Long tự tay mình chăm chút tỉ mỉ cho khu vườn. Ảnh: P.L
Ý tưởng làm du lịch trên của anh Long nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Bà Bùi Hương Thảo-Phó Trưởng phòng Thông tin-Xúc tiến Du lịch (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) chia sẻ: “Đây là một mô hình du lịch rất thú vị. Là người trẻ nhưng anh Long đã có định hướng rất rõ ràng và cụ thể. Nếu thành công, mô hình sẽ là điểm dừng chân lý tưởng, có thể kết nối với các điểm du lịch khác ở địa bàn Ia Grai như vườn chôm chôm Ia Tô, bến đò A Sanh, đồi Chư Nghé, thác Mơ hay sông Sê San…”. Cũng đánh giá khá cao mô hình trang trại của anh Long, ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh-cho rằng: “Mô hình của Longs Rose Farm cho thấy ngày càng có nhiều người trẻ có ý thức làm du lịch bền vững. Để mang lại hiệu quả, khu vườn của Long cũng cần đầu tư thêm các hạng mục phụ trợ nhằm thu hút du khách”.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Khấm khá nhờ... rắn độc

Khấm khá nhờ... rắn độc

Nghe tin anh Phan Thanh Bình - ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - quyết định nuôi và kinh doanh rắn hổ mang, nhiều người quen biết đã can ngăn vì lo ngại loài này có nọc độc nguy hiểm nhưng anh vẫn thản nhiên.
Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

Nay H’Juh khởi nghiệp từ ẩm thực Jrai

(GLO)- Lớn lên bên căn bếp của bà ngoại, chị Nay H’Juh (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) yêu vô cùng những món ăn của người Jrai. Năm 30 tuổi, chị mạnh dạn khởi nghiệp từ ẩm thực truyền thống của dân tộc.
“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

“Thủ lĩnh” Đoàn làm kinh tế giỏi

(GLO)- Với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều “thủ lĩnh” Đoàn ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

Nơi hình thành và chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp

(GLO)- Sau khi thành lập, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku đã tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo. Tại đây, những ước mơ khởi nghiệp, những ý tưởng kinh doanh đã được chia sẻ một cách cởi mở, sôi nổi.

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Vợ chồng “khoa bảng”

Vợ chồng “khoa bảng”

(GLO)- Là tôi đang nói đến vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Vân và anh Nguyễn Văn Long. Chị là Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Lâm nghiệp-Phân hiệu tại Gia Lai.
15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

15 tuổi thực tập tại tờ báo của ĐH Harvard

Không bằng lòng với những gì đạt được, mỗi bạn trẻ đã thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình với những nỗ lực không mệt mỏi ngoài năng lực thiên bẩm để 'bản đồ' thế giới trong từng lĩnh vực đều có tên Việt Nam.