Xuân Nhâm Dần 2022 đến trong bối cảnh cả nước vẫn đang nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19. Trong sắc xuân rực rỡ mai vàng đào thắm, nhà giáo chúng tôi xin gửi gắm những ước vọng về một nền giáo dục nhân văn.
|
Màn chào hỏi có tên Lời chào yêu thương do cô Lê Nguyễn Thanh Phương, giáo viên Trường THCS Trần Cao Vân (TP.Huế), thực hiện vào năm 2019 được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Nhân văn với trò
Năm học nào cũng xôn xao một vài vụ việc giáo viên có hành xử chưa đúng với học sinh. Mỗi câu chuyện qua đi đều để lại trong lòng người biết bao vết hằn đớn đau về mối quan hệ thầy - trò, về phương pháp giáo dục nặng tính bạo hành thân thể người học.
Mỗi đứa trẻ đến trường đều mang trong mình sự thiếu hụt về kiến thức, sự chểnh mảng trong nhận thức, hành vi, nhân cách. Và các con sẽ dần hoàn thiện, bổ khuyết đức - trí - thể - mỹ bằng lòng nhiệt tâm uốn nắn, dạy dỗ của thầy cô giáo. Khi con trẻ làm sai, thầy cô có thể nghiêm khắc giáo dục các con bằng nhiều phương pháp, hình thức xử phạt.
Và bao giờ ngành giáo cũng nêu cao tinh thần kỷ luật tích cực, loại trừ các hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm người học. Tiếc thay, có một số người thầy còn nhầm lẫn giữa xử phạt học sinh với bạo hành thân thể, còn mặc định quyền uy của người thầy khi ra sức đánh, mắng, tát tai trò cho hả cơn tức giận, như một cách giải tỏa áp lực nghề nghiệp!
Bởi vậy nên ước vọng năm mới đầu tiên xin gửi đến quý thầy cô giáo đang gánh vác nhiệm vụ “trồng người” về việc trau dồi lòng yêu nghề mến trẻ cùng với việc trui rèn phương pháp giáo dục nhân văn, nhân bản hơn.
Nhân văn với thầy
Một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong mấy năm trở lại đây có lẽ là “trường học hạnh phúc”. Ngành giáo dục đang ra sức phát động và xây dựng mô hình trường học hạnh phúc để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” trọn vẹn ý nghĩa.
|
Trường học muốn hạnh phúc thì trước hết phải làm cho người thầy cảm thấy hạnh phúc. |
Và tất nhiên, trường học muốn hạnh phúc thì trước hết phải làm cho người thầy cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc nội tại, người thầy sẽ lan tỏa ngọn lửa của tình yêu thương, sự tử tế cùng nhiều giá trị sống đến với học sinh. Vậy nhưng, rõ ràng là người thầy trong bối cảnh hiện nay đang cảm thấy bức bối khi nhiệt tâm giáo dục trò bị thử thách bởi nhiều lý do.
Nếu giáo dục được ví như một mặt trận thì người thầy đang bị đẩy ra chiến trường mà không hề có bất kỳ “vũ khí” nào trên tay. “Hai vũ khí của giáo viên phổ thông đã bị tước đoạt”, PGS.TS Lê Khánh Tuấn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, đã phát biểu như thế vào cuối năm 2019 tại một hội thảo do Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.
Hai thứ vũ khí đang bị tước đoạt của người thầy chính là quyền xử phạt học sinh và quyền cho điểm chính xác.
Học sinh lười học không dám phạt và học sinh hư không thể phạt, đó là một thực tế đáng buồn hiện nay. Vì sao ư? Vì bất kỳ hành động xử phạt nào của giáo viên cũng đều dễ dàng bị quy chụp là xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự người học. Ngành giáo dục nghiêm cấm điều đó, phụ huynh săm soi trả đũa, dư luận sẵn sàng “ném đá” bất chấp thực hư vụ việc.
Ranh giới giữa xử phạt với bạo hành, nghiêm khắc giáo dục với bạo lực học đường cực kỳ mong manh. Và người thầy dần co mình lại, tìm giải pháp an toàn cho nghề. Điều đó thật sự nguy hại.
Mặt khác, nếu trước đây học sinh đến lớp lo học bài, làm bài đầy đủ vì sợ điểm xấu thì bây giờ bọn trẻ có phần lơ là chuyện bài vở. Bởi các con biết rằng rất nhiều điểm số, danh hiệu của mình được sự nâng đỡ bởi “bệnh thành tích”. Bởi phụ huynh biết rằng thầy cô cũng đang phải phấn đấu không ngừng nghỉ cho thành tích lớp, thành tích trường.
Chạnh lòng vậy thôi chứ chắc chắn rằng trên "mặt trận" giáo dục, lớp lớp thế hệ nhà giáo đang và sẽ tiếp tục sứ mệnh “trồng người”. Chỉ là nhân năm mới, với ước vọng một nền giáo dục nhân văn, chúng tôi hy vọng sẽ cho người thầy điểm tựa, niềm tin, sự đồng hành, thấu hiểu để tiếp tục hành trình.
Trang Hiếu (TNO)