Đầu bếp trẻ Nguyễn Tuấn Hùng: Ước mơ đưa ẩm thực Tây Nguyên vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi còn trong quân ngũ, anh Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1995, phường An Bình, thị xã An Khê) đã ấp ủ giấc mơ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.

Hiện nay, anh đã khẳng định chỗ đứng trong làng ẩm thực phố núi khi vừa giành 3 huy chương đồng tại cuộc thi Đầu bếp Việt Nam tài năng năm 2024. Đây là động lực để anh tiếp tục thực hiện ước mơ nâng tầm ẩm thực Tây Nguyên.

Trưởng thành từ quân ngũ

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở phường An Bình (thị xã An Khê), năm 20 tuổi, anh Hùng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và được biên chế về Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Anh được đơn vị giao nhiệm vụ làm công tác hậu cần phục vụ tại nhà bếp.

Anh Nguyễn Tuấn Hùng trình diễn phần thi trước giảm khảo người nước ngoài (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Nguyễn Tuấn Hùng trình diễn phần thi trước giảm khảo người nước ngoài (ảnh nhân vật cung cấp).

Hàng ngày, dõi theo đôi bàn tay thoăn thoắt làm việc của các “anh nuôi” để đem đến những món ăn ngon miệng cho đồng đội, anh Hùng nhận thấy bản thân ngày càng yêu thích nghề đầu bếp. Trong quá trình làm việc, anh tranh thủ học hỏi cách thức chế biến cũng như kinh nghiệm nấu ăn của các “anh nuôi”. 2 năm khoác trên mình màu áo lính, niềm đam mê ấy càng thôi thúc anh nhiều hơn và quyết tâm trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp trong tương lai.

Nhưng để biến giấc mơ ấy thành hiện thực với anh Hùng là một hành trình đầy gian truân. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Hùng ngỏ ý với cha mẹ nguyện vọng được theo nghề đầu bếp và đã vấp phải sự ngăn cản của gia đình. Tuy nhiên, anh Hùng vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ và khăn gói lên TP. Pleiku vào các nhà hàng xin phục vụ và học nghề.

Anh được nhận vào làm tại một nhà hàng mới khai trương, rất đông khách trẻ. Mỗi ngày, anh làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến khoảng 1-2 giờ đêm để nhận đồng lương vỏn vẹn 3 triệu đồng. Không chỉ nhặt rau, rửa thực phẩm, anh phải làm cả việc móc cống, dọn vệ sinh… “Đợt ấy, nhà hàng có 4 người cùng vào xin phụ bếp như tôi, nhưng sau tuần đầu tiên, 3 người xin nghỉ. Lắm lúc mệt mỏi quá, tôi cũng có ý định đó. Nhưng nghĩ lại việc muốn trở thành đầu bếp thực thụ nên tôi bám trụ với công việc”-anh Hùng trải lòng.

Hơn 1 năm theo đuổi, chật vật với đồng lương ít ỏi song anh Hùng vẫn kiên trì học nghề. Có lẽ những trải nghiệm trong thời gian quân ngũ đã giúp anh vượt qua tất cả. Anh bộc bạch: “Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi được rèn luyện rất nhiều về ý chí, nghị lực. Điều đó giúp tôi trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và thấu đáo hơn. Tôi nghĩ rằng nghề nào cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn thì mới có nhiều bài học cho hành trình dài sau này. Những thử thách, khó khăn đã giúp tôi hiểu hơn cộng sự của mình sau này khi đứng bếp hỗ trợ nhau làm việc”.

Đầu bếp trẻ tài năng

Từ một nhân viên phụ bếp, anh Hùng dần dần được giao nhiệm vụ đứng thớt, đứng tủ, chảo xoong rồi thành bếp trưởng. Dù đã có thời gian làm việc tại nhiều nhà hàng đắt khách trong tỉnh, song anh thấy mình vẫn phải học hỏi nhiều nên tiếp tục “cơm đùm cơm nắm” học nghề tại nhà hàng tại Quảng Ngãi, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh...

“Tôi đi nhiều nơi để học được nhiều thầy, đàn anh đi trước và khám phá thêm văn hóa ẩm thực đặc trưng của các vùng miền, khẩu vị người dân ở các nơi. Tôi cũng thường xuyên học qua sách vở, trên mạng internet, tìm hiểu tinh hoa ẩm thực của nhiều nước trên thế giới.

Tôi nhớ có người từng nói rằng, nghề bếp là phải học, học mãi, bởi ẩm thực vô cùng phong phú; những gì một đầu bếp biết được chỉ là một phần rất nhỏ trong thế giới ẩm thực phong phú, rộng lớn. Và, thực sự việc được thử sức ở nhiều nơi, dành thời gian cho việc học đã giúp tôi trải nghiệm khác hoàn toàn so với những ngày mới vào nghề”-anh Hùng chia sẻ.

Anh Nguyễn Tuấn Hùng (thứ 2 từ phải sang) giành được 3 huy chương đồng tại cuộc thi Đầu bếp Việt Nam tài năng lần thứ 10 (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Nguyễn Tuấn Hùng (thứ 2 từ phải sang) giành được 3 huy chương đồng tại cuộc thi Đầu bếp Việt Nam tài năng lần thứ 10 (ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2023, anh Hùng xin vào làm bếp tại Nhà hàng Biển Hồ Xanh (đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku). Với vai trò Bếp phó của nhà hàng có đối tượng khách đa dạng, anh phụ trách nấu các món chuyên về bữa cơm gia đình, tiệc nhậu nhóm nhỏ hay bữa tiệc lên đến 500-600 khách. Tại đây, anh cũng được tiếp cận và nấu những món ăn đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên với những nguyên liệu chất lượng, phong phú và đậm đà hương vị.

Là một người con Tây Nguyên, anh mong muốn lan tỏa những món ăn thuần tự nhiên, mang phong vị núi rừng đến với thực khách. Đó là lý do anh tham gia cuộc thi Đầu bếp Việt Nam tài năng lần thứ 10 do Hiệp hội Đầu bếp thế giới và Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hồi tháng 3-2024. Đây là sân chơi chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế dành cho các tài năng ẩm thực trong nước và quốc tế với sự tham gia của hơn 400 đầu bếp dưới sự đánh giá của gần 20 giám khảo, hầu hết là người nước ngoài.

Chị Hoàng An Nhiên-Quản lý Nhà hàng Biển Hồ Xanh: “Nguyễn Tuấn Hùng là đầu bếp trẻ có trách nhiệm cao với nghề. Các món ăn của Hùng góp phần đem đến sự đa dạng, phong phú cho menu của nhà hàng và được thực khách đánh giá cao. Chúng tôi luôn hỗ trợ, đồng hành cùng Hùng khi tham gia các cuộc thi về nghề bếp để không chỉ nâng cao tay nghề mà còn giúp lan tỏa ẩm thực đặc sắc của Tây Nguyên”.

Trong cuộc thi này, ở nội dung “Món ngon Việt Nam”, anh Hùng mang đến 4 món gồm: canh gà lá sâm, cá lăng Sê San kho tộ, gỏi lươn hoa chuối và sườn heo rim mặn. Các món ăn của chàng trai đất An Khê được đánh giá cao và đã giành 2 huy chương đồng ở chất lượng hương vị và hình thức trình bày. Ngoài ra, trong nội dung các món nướng BBQ, anh cũng giành được 1 huy chương đồng.

Anh Hùng bày tỏ: “Lần đầu tham gia cuộc thi lớn, trước những giám khảo nước ngoài và hàng trăm đầu bếp khắp nơi, tôi không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau đó, tôi trấn an tinh thần, bình tĩnh chế biến, chăm chút từng món ăn với những chi tiết nhỏ nhất. Tôi rất vui vì đã được Ban giám khảo đánh giá cao về những món ăn mang hương vị Tây Nguyên.

Tham gia cuộc thi này, tôi được nhìn nhận, đánh giá khách quan về những nỗ lực của bản thân. Với kết quả đạt được, tôi lấy đó làm động lực để tiếp tục trau dồi, học hỏi. Tôi mong có thêm thời gian trải nghiệm, khám phá, biến tấu những món ăn ngon, độc đáo của người dân Jrai, Bahnar để giới thiệu và phục vụ thực khách gần xa”.

Cũng theo anh Hùng, với xu hướng phát triển, anh mong muốn xây dựng tổ chức Hội các đầu bếp Gia Lai để có cơ hội phát triển tốt hơn, giúp các đầu bếp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, cũng như tổ chức các cuộc thi để khai thác tiềm năng cũng như nâng tầm ẩm thực Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.