(GLO)- Bằng nhiều cách làm khác nhau, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh luôn chủ động, tích cực bám sát cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và không ngừng xây dựng, củng cố thế trận lòng dân.
Vững vàng phên giậu biên cương
Nhắc đến biên cương, không thể không nhắc đến những người lính “Quân hàm xanh” đang đêm ngày vững tay súng quản lý, bảo vệ hơn 90 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Bao năm qua, những người lính Biên phòng luôn bám dân, bám địa bàn, không ngừng củng cố, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó quân dân và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Lực lượng vũ trang huyện Ia Pa giúp dân làm cỏ lúa. Ảnh: A.H |
Được phân công về tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) từ năm 2015 đến nay, Trung tá Nguyễn Hồng Châu (Đồn Biên phòng Ia Pnôn) cho biết: “Sau 4 năm, từ 1 xã đặc biệt khó khăn, Ia Pnôn đã có nhiều đổi thay, hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, thu nhập người dân cũng được cải thiện. Đặc biệt, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm được 3,9% (cao hơn 0,9% so với nghị quyết đề ra) và hiện toàn xã còn 117 hộ nghèo/1.202 hộ”.
Hiện ở tất cả các xã biên giới trên địa bàn tỉnh đều có cán bộ Biên phòng tăng cường, trong đó có 6 cán bộ giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Bên cạnh đó, các Đồn Biên phòng cũng phân công 49 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, làng và 211 đảng viên phụ trách 1.024 hộ gia đình. Thượng tá Rơ Mah Tuân-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-khẳng định: “Đây là cơ sở để Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cho địa phương trong xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn biên giới”. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các Đồn Biên phòng còn thường xuyên củng cố, duy trì thực hiện có hiệu quả 48 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng; 11 tổ tự quản đường biên, cột mốc; 1 tổ tàu thuyền tự quản và 2 tổ tự quản an ninh trật tự trong đồng bào có đạo. Đồng thời, các đơn vị làm tốt công tác đối ngoại biên phòng với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia để kịp thời trao đổi, nắm bắt tình hình và xử lý, giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tương tự, những năm qua, Binh đoàn 15 cũng đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh vùng biên. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, Binh đoàn đã đầu tư 43,7 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông liên xã, liên thôn, cơ sở y tế, các công trình văn hóa...; đầu tư 3,8 tỷ đồng cho công tác giáo dục; chi trên 22,8 tỷ đồng thăm, tặng quà và trợ cấp cho các cháu tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam, thương-bệnh binh, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... Với phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, đến nay, các đơn vị trong Binh đoàn đã kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.617 hộ người Kinh gắn kết với 4.617 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Sự gắn kết ấy không chỉ giúp thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân mà còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị trong việc giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, giúp địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cán bộ biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Ảnh: Anh Huy |
Nói về công tác dân vận của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, ông Phạm Văn Cường-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ-nhấn mạnh: “Các đơn vị quân đội đã có nhiều việc làm thiết thực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp dân phát triển kinh tế, như: hỗ trợ bò giống, giúp dân trồng lúa, xây dựng các công trình giao thông, xây dựng nhà cho các gia đình chính sách... Những việc làm ý nghĩa ấy đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương ngày càng phát triển và xây dựng khu vực biên giới ổn định”.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Chia sẻ với chúng tôi về việc xây dựng 2 phân viện thuộc Bệnh xá của Công ty đứng chân trên địa bàn 2 xã: Ia Din (huyện Đức Cơ) và Ia O (huyện Ia Grai), Đại tá Trịnh Hà Tâm-Giám đốc Công ty 75 (Binh đoàn 15) cho biết: “Chúng tôi luôn trăn trở với những khó khăn của người dân, nhất là người dân 2 xã nói trên. Đơn vị xây dựng 2 phân viện này nhằm kịp thời khám và điều trị bệnh cho người dân cũng như chủ động xử lý các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Khi có sức khỏe ổn định thì người dân mới có thể tập trung để phát triển kinh tế”. Không chỉ quan tâm, chăm sóc sức khỏe người dân, từ đầu năm đến nay, Binh đoàn 15 còn tạo điều kiện để người dân, nhất là người dân tộc thiểu số canh tác hoa màu trên diện tích 726,4 ha cao su tái canh; giúp dân 15.825 ngày công để thu hoạch, chăm sóc 409,09 ha hoa màu và hỗ trợ cày đất 5,6 ha; xây dựng 300 nhà vệ sinh; trao tặng 8 cặp bò giống cho 8 hộ nghèo, cận nghèo...
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng gia sản xuất. Ảnh: Đức Thụy |
|
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã có nhiều mô hình, cách làm hay, như: “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”... để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em học sinh nghèo trên biên giới. Theo Thượng tá Rơ Mah Tuân, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện đang “Nâng bước em đến trường” đối với 50 cháu, trong đó có 4 cháu người Campuchia và nhận đỡ đầu 1 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh. Đặc biệt, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh luôn duy trì mô hình “Bếp ăn tình thương” giúp 14-16 cháu học sinh nghèo. Mới đây, các đơn vị cũng triển khai thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và đến nay đã nhận 11 cháu đưa về nuôi dưỡng ngay tại đơn vị.
Với phương châm “Quân với dân như cá với nước”, những năm qua, Quân đoàn 3 đã triển khai cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp nhân dân phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ thực tiễn công tác dân vận, các đơn vị đã có nhiều cách làm hay đem lại hiệu quả cao, như: Sư đoàn 320 có chủ trương “3 bám sát, 4 kịp thời, 2 nâng cao và 5 tăng cường” mục đích để đội ngũ cán bộ bám sát, hướng về cơ sở; Sư đoàn 10 có chủ trương “Bám làng, bám dân, bám địa bàn” vận động đồng bào dân tộc thiểu số không vượt biên; Lữ đoàn Pháo binh 40 phát động thực hiện chương trình “Tấm áo tình thương”, “Hũ gạo nghĩa tình” để chia sẻ với những cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, người dân trên địa bàn còn gặp khó khăn...
Các đơn vị trực thuộc Quân khu 5 như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 368, Lữ đoàn Công binh 280... đã duy trì và thực hiện tốt chủ trương về “xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo”. Đại tá Nguyễn Hồng Xuân-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế của từng gia đình sau khi khảo sát, các đơn vị đã có những cách làm khác nhau để giúp xóa nghèo. Có đơn vị hỗ trợ cây giống, phân bón nhưng cũng có đơn vị hỗ trợ con giống, vật liệu làm chuồng trại chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật... Trong năm 2019, các đơn vị nhận giúp xóa nghèo 42 hộ, đến nay đã xóa được 8 hộ, các hộ còn lại đang tiếp tục giúp đỡ”.
Bên cạnh các mô hình cụ thể, 17 đơn vị quân đội đang làm công tác dân vận tại 72 xã trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước cải thiện cuộc sống. Đồng thời, mỗi năm, các đơn vị còn tham gia hàng chục ngàn ngày công giúp dân thu hoạch mùa màng, nạo vét kênh mương, làm đường bê tông, làm hàng rào, đào hố rác... góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, qua đó xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.
VĨNH HOÀNG-PHƯƠNG DUNG