Dấu ấn người lính...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với việc kịp thời huy động lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, đưa cán bộ về tăng cường cơ sở, hỗ trợ bò giống giúp hộ nghèo… lực lượng vũ trang huyện Đak Đoa đã ghi đậm dấu ấn trong lòng nhân dân.

Ngôi nhà quân-dân

Chúng tôi trở lại xã Ia Pết (huyện Đak Đoa), nơi hơn một tháng trước, cơn mưa kèm theo lốc xoáy đã khiến 219 ngôi nhà bị thiệt hại. Những ngôi nhà bị hư hại đã được dựng lại và người dân cũng đã ổn định cuộc sống, tiếp tục bắt tay vào sản xuất. “Nếu không có bộ đội giúp sức thì rất khó khăn cho địa phương khắc phục hậu quả lốc xoáy”-ông Đỗ Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Ia Pết, khẳng định.

 

Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa thăm hỏi, động viên gia đình bà Er. Ảnh: A.H
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa thăm hỏi, động viên gia đình bà Er. Ảnh: A.H

Nói về việc giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lốc xảy ra chiều 3-5, Trung tá Trần Đại An-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa, cho biết: Sau khi nắm tình hình mưa lốc tại địa phương, đơn vị đã nhanh chóng triển khai, huy động lực lượng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nhằm giúp dân khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức hiệp đồng với Lữ đoàn 234 và Tiểu đoàn Thông tin 29 (Quân đoàn 3) tăng cường lực lượng giúp nhân dân. Cùng với việc giúp dân dựng lại nhà, các đơn vị còn tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và tổ chức lực lượng bảo vệ tài sản của nhân dân. Với tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, sau 2 ngày, các lực lượng đã cơ bản giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Bị sập nhà nhưng lại không cho bộ đội làm nhà với lý do muốn lấy tiền hỗ trợ để dùng vào việc khác, đó là trường hợp của bà Er (thôn Ngơm Thung, xã Ia Pết). Bà Er cũng là một trong 3 người bị thương trong đợt mưa lốc. Thấy giông gió nổi lên, bà Er đang ở dưới bếp vội chạy lên nhà để di chuyển mấy bao lúa nhưng vừa vào trong nhà, bà bị cây cột rớt trúng đầu bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Giải thích lý do không chịu để bộ đội giúp dựng lại nhà, bà bảo muốn nhận tiền hỗ trợ dựng nhà để chữa bệnh vì bị đau ốm thường xuyên mà không có tiền. Sau khi được bộ đội và chính quyền tuyên truyền, vận động, giải thích, 3 mẹ con bà Er đã vui vẻ đồng tình. Ngôi nhà mới được dựng lại trên nền xi măng cũ, xung quanh tận dụng những tấm tôn cũ, riêng các cây cột và tôn lợp mái được mua mới. “Nhà mới đẹp và chắc chắn hơn, mình cảm ơn bộ đội nhiều lắm!”-bà Er phấn khởi.

Nhà của ông Plăk là ngôi nhà được dựng sau cùng trong tổng số 16 nhà bị sập hoàn toàn. Được tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng, gia đình gom góp thêm được 3 triệu đồng và nhờ công sức của bộ đội, dân quân, chỉ trong một ngày, gia đình ông đã dọn vào nhà mới để ở. “Nếu không có chính quyền địa phương hỗ trợ, không có bộ đội giúp sức thì chẳng biết đến khi nào mình mới có nhà để ở. Bộ đội nhiệt tình lắm! Họ làm nhà cho mình còn chắc chắn và đẹp hơn nhà cũ”-ông Plăk vui vẻ.

Giúp dân thoát nghèo

Ngoài giúp dân khắc phục hậu quả do hạn hán, thiên tai gây ra, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa còn có nhiều hoạt động dân vận thiết thực, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cải thiện cuộc sống của nhân dân. Theo Trung tá Trần Đại An, năm 2016, đơn vị tiếp tục thực hiện chủ trương “xóa hộ đói, giảm hộ nghèo” tại hộ ông Mli (làng Kueng Grai, xã Hà Bầu). Sau khi khảo sát, đơn vị hỗ trợ gia đình một con bò sinh sản theo phương pháp nuôi rẽ để gia đình vừa có thể chăn nuôi, vừa tận dụng nguồn phân bón cho hoa màu; đồng thời hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Mặt khác, đơn vị cũng hỗ trợ kinh phí và cử tổ công tác phối hợp với gia đình, thanh niên trong làng sửa chữa nhà ở, làm chuồng bò cho gia đình… Ông Mli chia sẻ, thu nhập gia đình chỉ biết dựa vào 2 sào lúa nước và 1 sào cà phê nhưng vì không có vốn nên năng suất không cao. Bao năm qua, 4 nhân khẩu vẫn sống trong căn nhà tạm rộng chừng 24 m2. Vì vậy, nguyện vọng của gia đình là mong muốn được thoát nghèo.

Gần 5 năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Đoa còn tổ chức nuôi bò rẽ giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã: Hà Bầu và Kon Gang. “Hiện đơn vị có 18 con bò sinh sản và cả 18 con đều được giao cho các hộ khó khăn nuôi cải thiện cuộc sống”-Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho hay. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên đưa cán bộ về tăng cường cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xã Hà Đông củng cố về quốc phòng-an ninh; phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp...

“Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Hội Cựu chiến binh huyện khảo sát, lựa chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo người mà con em đang thực hiện nghĩa vụ quân sự để giúp về ngày công lao động… nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình”-Trung tá An nhấn mạnh.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.