Chiều 10-1, ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, năm 2012, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; trong đó, chú trọng các thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ.
Tuy nhiên, đến nay chương trình vẫn tồn tại nhiều bất cập, tạo ra những khó khăn không nhỏ đối với xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án gây ra bức xúc cho doanh nghiệp tham gia khiến Bộ Công Thương khó chủ động thực hiện Chương trình cũng như làm giảm hiệu quả của các đề án xúc tiến thương mại.
Thách thức không nhỏ trong công tác xúc tiến thương mại là tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, hàng rào bảo hộ có xu hướng gia tăng, các nền kinh tế lớn đang sa vào khủng hoảng, lợi thế cạnh tranh về giá giảm, lạm phát và lãi suất cao làm gia tăng đầu vào, tỷ giá USD/VND biến động, bệnh dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xuất khẩu.
Mới đây Bộ Công Thương đã chính thức chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn để triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nhất là việc tạo khung pháp lý vững chắc cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Theo ông Hải, với từng thị trường, vùng lãnh thổ, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã xác định cụ thể các mặt hàng có thế mạnh với chỉ tiêu kim ngạch rất cụ thể để đạt được mục tiêu tổng thể xuất khẩu 108,5 tỷ USD năm 2012. Điển hình như thị trường châu Âu, chương trình sẽ tập trung xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, các mặt hàng công nghiệp nhẹ với chỉ tiêu phấn đấu đạt mức 11% về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, tại thị trường Ấn Độ, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung cho các mặt hàng cao su tự nhiên và các sản phẩm từ cao su, cà phê, hạt tiêu, quế, hồi, nghệ, chè các loại, hóa chất, sắt thép, vải sợi, thủ công mỹ nghệ... với kim ngạch phấn đấu đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm 2012.
Ông Hải cho rằng, tới đây các thương vụ cần tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường nước sở tại, các rào cản kỹ thuật, cảnh báo sớm nguy cơ bị áp đặt kiện chống bán phá giá, các chương trình ưu đãi về đầu tư, thương mại mà chính quyền sở tại có thể giành cho Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài cũng như tổ chức đoàn giao thương tìm kiếm bạn hàng, đối tác, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu trong năm 2012.
Theo TTXVN