Dập dềnh phiên chợ Tây Đô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trời chưa sáng mà trên sông, xuồng ghe lớn nhỏ đã như mắc cửi. Khoác lên người chiếc áo phao nhân viên Ban quản lý chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đưa cho, chúng tôi bước xuống chiếc xuồng máy để bắt đầu cuộc hành trình tìm về tập quán sinh hoạt đã trở thành nét văn hóa riêng có ở miền Tây Nam bộ. Bức tranh quê vẽ lên trước mắt sau vài chục phút cưỡi sóng.
Sông Hậu mênh mang, đủ chỗ cho hàng trăm chiếc ghe đại chở cả vựa trái cây cắm sào neo đậu giữa dòng. Những chiếc xuồng “năm bản”, “vỏ lãi”, “ba lá”... nhiều như lá tre, cứ men theo luồng dọc đôi bờ mà đi về với chợ. Hồn cốt của một miền đất hiện ra trong tiếng máy nổ xình xịch, giọng chào mời mua bán gióng giả xen giữa tiếng sóng ì oạp vỗ mạn thuyền.
Độc đáo chất quê trên sóng
Tối hôm trước, biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về sinh hoạt chợ độc đáo của xứ Tây Đô, anh Trường (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ) cho biết “Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu thế kỷ 20, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng) và là chợ nổi sầm uất nhất trong vùng. Thăm chợ, phải đi thật sớm, đến nơi đúng lúc nhộn nhịp, sôi động nhất mới thích. Chứ đi muộn, tầm 8-9 giờ đã vãn chợ thì không thấy hết được cái hay”.
4 giờ 30 sáng, khi bóng tối vẫn loang trên bến Ninh Kiều, cả đoàn đã có mặt để lên xuồng đi thăm chợ nổi Cái Răng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại nơi mua vé xuống đò tham quan chợ nổi có một dãy các giá treo sẵn áo phao cho du khách. Sau vài phút chuẩn bị, chúng tôi bước xuống con đò máy (cole). Hành trình tìm về một tập quán sinh hoạt phổ biến ở miền vọng cổ 6 câu bắt đầu. Gió trên sông thổi vù vù, sông lớn sóng to vỗ mạn xuồng, tạo cảm giác rờn rợn với người không biết bơi.
Anh Tuấn, người lái đò máy vanh vách kể, chợ nổi kéo dài khoảng 1.300-1.500 m trên sông Cái Răng (một nhánh của dòng Hậu Giang), thuộc địa phận phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, trên trục đường thủy sông Cần Thơ - kênh xáng Xà No, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km, cách bến Ninh Kiều khoảng 30 phút chạy tàu. Đây là nơi hợp lưu giữa 4 con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé) nên mặt sông rất rộng, từ 100-150m.
 
Bà Tám Thu - người bán hàng trên chợ nổi.
Trước đây, chợ liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Đến thập niên 90 của thế kỉ trước, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1 km. Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m. Hằng ngày có khoảng 300-400 ghe họp chợ từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8-9 giờ thì vãn.
Sản vật trao đổi trong chợ chủ yếu là nông sản, trái cây như mít, dứa, dưa hấu, bưởi, chanh, mận... các thương lái ở đây thường bán sỉ cho các vựa trái cây trên bờ hoặc khách du lịch mua với số lượng nhiều.
Hỏi về xuất xứ tên chợ Cái Răng, Trần Lĩnh - cậu phóng viên trẻ của Cơ quan đại diện Báo CAND tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tỏ ra am hiểu: “Có 2 cách giải thích về cái tên này. Theo truyền thuyết, vào thời khẩn hoang có con cá sấu rất to dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này, tên gọi “Cái Răng”.
Còn theo tác giả Vương Hồng Sển viết trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam” thì cái tên Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer “karan”, nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer xưa ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan”, chở bằng ghe lớn đến neo đậu bán hàng ở chỗ chợ Cái Răng ngày nay. Lâu dần, đọc “trại” từ karan thành “Cái Răng”, rồi trở thành địa danh ở đây”. Nghe giải thích, tôi đoán hẳn là cậu đã phải trả lời nhiều câu hỏi tương tự trước đó.
Theo TS. Đào Ngọc Cảnh (Đại học Cần Thơ) thì chợ nổi Cái Răng hình thành do nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi xưa, chợ là nơi tụ họp ghe hàng của người Việt bán trái cây, rau củ; ghe buồm của người Khmer chở bán cà ràng (bếp bằng đất nung); nhà bè của người Hoa bán tạp hóa...
Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá cũng lên tụ họp buôn bán, khiến cho chợ ngày càng sung túc. Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi rất phong phú, gồm nhóm hàng nông sản; nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày...”.
 Dọc đường lên với chợ nổi, chiếc đò máy dưới đôi tay điều khiển khéo léo của anh Tuấn, chở chúng tôi luồn lách giữa hàng trăm ghe thuyền xuôi ngược mà không hề va quệt. Họp chợ, người mua và người bán đều đi bằng xuồng, ghe. Giữa dòng, những chiếc ghe đại cồng kềnh, chứa cả vựa trái cây neo đậu chờ khách ghé mua. Những chiếc xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản, vỏ lãi và ghe máy... nhiều như lá tre, len lỏi điệu nghệ giữa các khoảng trống, chở các loại đồ ăn như phở, hủ tiếu, cà phê, trái cây... tiếp cận các chiếc đò chở du khách chào mời mua hàng.
Điều lạ lẫm là trên nhiều chiếc ghe lớn đều cắm những cây sào tre dài khoảng 3-5m, trên đó treo lủng lẳng các loại củ quả. Anh Tuấn lái đò giải thích: “Thường thì mỗi ghe ở chợ này sẽ chuyên bán một mặt hàng nào đó. Cây bẹo là hình thức chào hàng độc đáo. Bán gì trong ghe thì treo loại hàng đó lên cây sào, chẳng hạn nếu ghe bán xoài thì treo vài quả xoài để người mua biết “ở đây có bán xoài”. Những ghe như thế gọi là ghe bẹo”.
Riêng cái sự “treo” ở đây cũng có khối cái để kể. “Ở đây có 4 loại treo. Loại 1 là “treo gì bán nấy” để quảng cáo hàng hóa như anh đã thấy. Loại 2 là “treo mà không bán”, đây là ghe của những hộ gia đình sinh sống trên sông nước, lấy ghe làm nhà ở, trên ghe có sào treo phơi quần áo. Loại 3 là “không treo mà bán”, tức là những chiếc thuyền, ghe nhỏ len lỏi để bán các mặt hàng ăn nhẹ, giải khát như bánh, phở, hủ tiếu, cà phê hay trái cây, phục vụ khách đi chợ và tham quan. Loại 4 là “bẹo lá bán ghe”.
Nếu nhìn thấy ở trên cái ghe nào đó có cây bẹo (sào) nhưng không treo nông sản, trái cây, mà treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa, thì phải hiểu ngay rằng chủ nhân muốn bán chính chiếc ghe, xuồng có cắm cây bẹo đó” - anh Tuấn cho biết thêm.
Vào gần đến chợ, chợt có chiếc ghe máy nhỏ chở trong lòng cả đống cam, sầu riêng, măng cụt, dứa, dừa... còn tươi ngon, chạy song song với đò của chúng tôi rồi áp sát. Bà lái ghe nhanh nhẹn quàng sợi dây buộc liên kết chiếc ghe vào con đò khách rồi cất tiếng chào mời mua hàng. Phát hoảng, tôi bảo: “Chị lai áp mạn thế này rất nguy hiểm, tai nạn đường thủy chủ yếu cho việc lai dắt đâm va”.
Bà bán hàng cười rỏn rẻn, như kiểu chưa từng nghe có chuyện chìm ghe, đắm thuyền. Nhìn quanh chiếc ghe trái cây, cũng không thấy có chiếc phao nào. Trần Lĩnh như hiểu ý nên giải thích: “Dân thương hồ nơi đây bơi như rái cá, nên họ không cần phao. Anh thấy chỉ có du khách mới mặc áo phao đấy thôi”. Nhìn những chiếc ghe đang chạy xung quanh, tôi tin lời Lĩnh nói.
Cuộc mua bán diễn ra khá lâu vì chúng tôi tận dụng thời gian, tranh thủ hỏi bà Tám Thu - (người bán hàng) về cuộc sống, tình người của cư dân chợ nổi. Tay thoăn thoắt bổ quả cam “tiếp thị” cho khách, bà Thu kể rằng dòng sông, cái chợ này chính là nơi mưu sinh của cả gia đình bà từ bao đời nay. Dân thương hồ lấy thuyền làm nhà, cuộc sống trên nước, buồn vui gắn liền với nước. Bây giờ số gia đình sống trên ghe ít dần, đa số có nhà ở trên bờ. Trẻ con được gửi cho ông bà nội, ngoại trông nom để đi học, còn cha mẹ chúng xuống sông làm ăn quanh năm suốt tháng.
 
 
 
 
Giao thương tấp nập trên sông.
Bà Tám Thu kể dù là chốn chợ búa nhưng ở đây hiếm có chuyện tranh giành cãi vã vì không ai cố gắng tranh giành phần thắng mà lựa nhau, nhìn nhau mà đi, lựa nhau mà bán, nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ nhau mà sống. Âu đó cũng là cái tình giữa những người dân bình dị. Vì phải vất vả mưu sinh trên sông nước hằng ngày nên họ sống với nhau bằng cái tình của sông, của nước mênh mông và cởi mở.
Sau hơn 1 giờ du ngoạn chợ nổi, điều đọng lại trong chúng tôi không chỉ là cái tươi ngon của hoa trái mà chính là sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, hiện ra qua sự cởi mở và hiếu khách của những con người miền Tây sông nước.
Giữ “hồn” cho chợ
Theo quan sát của chúng tôi, cứ 5-6 chiếc ghe chở du khách tham quan chợ nổi, có đến 3-4 chiếc chở người ngoại quốc. Họ tỏ ra rất thích thú trước khung cảnh náo nhiệt và lạ lẫm của chợ. Chẳng thế mà tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã mô tả chợ nổi Cái Răng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới” và bình chọn đây là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới.
Trong danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á đăng tải trên website “Youramazingplaces” có chợ nổi Cái Răng. Chợ là nơi hội tụ của dân thương hồ khắp nơi đổ về, tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế, Chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016, trở thành một trong những điểm nhấn du lịch sông nước của TP Cần Thơ.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị kinh tế, văn hóa, dân sinh của chợ nổi Cái Răng hiện đang đối diện với những vấn đề nan giải. Trước hết, do đường bộ ngày càng phát triển, nên hoạt động giao thương trên sông đã giảm sút trông thấy.
Theo Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, mật độ nhóm họp chợ nổi Cái Răng cách đây vài chục năm từ 500-600 tàu, ghe/ngày. Nhưng đến nay, chợ nổi chỉ còn khoảng 350-400 tàu, ghe. “Về lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20-30 tàu, ghe thì đến năm 2035-2040, chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất” - nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) lo ngại.
Ngoài ra, tình trạng gây ô nhiễm môi trường của chợ cũng rất đáng báo động. Theo Báo Cần Thơ, ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng gần 1 tấn rác trực tiếp thải xuống lòng sông. Hiện trạng ngổn ngang trên sông bởi các trạm xăng nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi... đã hạn chế luồng lạch. Tình trạng lái ghe áp mạn, cắt mũi chào mời mua hàng hóa... vẫn diễn ra, gây mất an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, hiện hữu nguy cơ mất vệ sinh, thực phẩm không an toàn từ các ghe hàng bán đồ ăn uống trên sông. Trước tình hình đó, TP Cần Thơ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp về bảo tồn và khắc phục các vấn đề tồn tại của chợ nổi.
Được biết, vào năm 2016, đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” do Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ biên soạn đã được phê duyệt. Theo đó, có 13 hạng mục chính, được chia thành 2 giai đoạn triển khai, từ 2016-2018 và từ 2019-2020. Sau hơn 2 năm triển khai đề án, có 9/13 hạng mục công trình đã thực hiện, trong đó tiêu biểu là phân luồng giao thông; duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc triển khai hỗ trợ vốn vay; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung cấp cho chợ nổi; tổ chức thu gom rác bảo vệ môi trường; quầy hàng nổi; nhà vệ sinh công cộng...
Hiện giai đoạn 2 đang được triển khai với 4 hạng mục còn lại là trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông... Với quyết tâm đó, tin rằng chợ nổi Cái Răng mãi là một điểm đến kỳ thú cho những du khách muốn trải nghiệm cuộc sống dân dã, bình dị, được dập dềnh trên sóng và đắm mình trong cái khoáng đạt, hồn hậu và nồng ấm của người dân Tây Đô.
Đào Trung Hiếu (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.