Nhân Ngày gia đình Việt Nam và Ngày của Cha, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Cha và con”, tập hợp bài viết về người cha của 44 tác giả.
Đúng như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngữ Văn Lưu Khánh Thơ, chủ biên cuốn sách tâm sự thay cho lời giới thiệu, tôi “đã đọc các bài viết với tình cảm và hứng thú đặc biệt”. Trước hết vì hầu hết những người cha và những người con trong sách tôi đã được nghe tên, ngưỡng mộ từ lâu, có người còn là chỗ quen biết. Người biên tập đã khéo sắp xếp trước sau theo vần A-B-C tên người viết. Mọi người cha và những người con ở đây là như nhau, không phân biệt tuổi tác, địa vị, danh tiếng.
Nhưng cũng phải thú thật một điều là chỉ đến khi đọc đến bài viết “Bài thơ viết trước mộ cha” của nhà báo Trần Anh Thái (Phóng viên báo Quân đội nhân dân), có một sự thôi thúc bắt tôi phải cầm bút. Ông thân sinh ra Thái là cụ Trần Văn Rư (1907-1985) là một nông dân. Thái chỉ kể về một sự kiện, nhưng lại là một sự đau lòng nhất khi đứa con về ăn Tết với bố, cứ nghĩ rằng ông đang khoẻ, đâu có ngờ rằng đấy là cái Tết cuối cùng các con được ăn Tết cùng bố.
Sách "Cha và con". |
Sau Tết Ất Sửu (1985) ít ngày, Thái đi công tác tận Bình Trị Thiên, biền biệt gần tháng trời không liên lạc được với cơ quan và gia đình. Đến khi trở về, chỉ còn nhìn thấy “tấm ảnh cha mờ hương khói trên bàn thờ” mà lòng đau thắt. Bài thơ “Trước mồ cha” ra đời như thế: “Một mình con trước mồ cha/ Chiều chưa xuống đã sương sa đầm đầm/ Cha nằm hút cõi xa xăm/ Hắt hiu nấm cỏ âm thầm nắng mưa/ Thoảng như gió tự ngàn xưa/ Bao nhiêu buốt lạnh đã lùa vào con…”.
Cũng là niềm ân hận của người con là câu chuyện “Ngôi nhà sàn ở Phúc Yên” của nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi. Người con dựng tặng ông bố một ngôi nhà sàn bằng gỗ bạch đàn ở vùng bán trung du Phúc Yên để cuối đời ông có thể hoàn thành một tiểu thuyết lớn về Điện Biên Phủ (theo Nguyễn Đình Chính kể, giữa cái Tết năm 1982, Nguyễn Đình Thi đã kể cho con nghe chương đầu tiên của bộ tiểu thuyết). Nào ngờ, nhà văn lớn, tác giả của “Bên bờ sông Lô”, “Con nai đen”, “Nguyễn Trãi ở Đông quan”… tác giả của những bài hát và bài thơ nổi tiếng chỉ kịp nhìn thấy ngôi nhà mà không có dịp được sống ở đấy mà sáng tác…
Tôi kể ra đây hai niềm ân hận của hai người con, cũng chỉ muốn nêu lên một nhận xét: những người con ở đây đã giữ trọn “đạo làm con” với người sinh thành ra mình. Giữ trọn “đạo làm con” không chỉ là làm”tròn chữ hiếu”, mà trước hết là đã là những người có ích cho xã hội, hầu hết đều đã dấn thân vào cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc, cuộc chiến đấu mà những người cha đã sống trọn đời mình.
Tôi đọc “Thư gửi người đã khuất” của Trần Việt Trung, con trai thiếu tướng Trần Tử Bình, mà lòng cứ rưng rưng. Tôi biết tên Thiếu tướng rất sớm. Tấm bằng tốt nghiệp Lục quân khoá 6 từ đầu những năm 1950 của anh cả tôi, ghi rõ: Hiệu trưởng: thiếu tướng Lê Thiết Hùng, chính uỷ: Thiếu tướng Trần Tử Bình. Ông nổi danh như vậy nhưng thời gian dành cho các con thật ít.
Là con út, Trần Việt Trung sinh ra (1959) khi người cha đi công tác xa. Thời gian lâu nhất được ở gần cha là từ tháng 3/1964 đến tháng 3/1965. Trần Việt Trung viết: “Lần cuối cùng con ở bên cha là chiều ngày 28/1/1967. Con nhớ rất rõ ngày này. Hôm đó là thứ bảy. Buổi trưa, con đi đò từ Vạn Phúc qua sông Nhuệ sang Mỗ Lao, rồi đi bộ ra bến tàu điện Hà Đông như mọi lần. Tàu dừng ở Cửa Nam, con đi dọc hết phố Phan Bội Châu là về đến nhà. Leo hết bậc cuối cùng của cầu thang lên tầng hai, con thấy căn phòng của cha mẹ khép cửa. Mẹ vẫn đi làm. Con đẩy nhẹ cánh cửa nhìn vào. Cha đang nằm nghỉ trên giường, thấy khuôn mặt của con ngấp nghé nơi khe cửa, đã vẫy con lên giường để nằm với cha…
Đã 2 năm rồi, con lại được nằm cạnh cha… Cha bảo lần này về họp gấp, tình hình đất nước rất khó khăn, nên ai cũng phải làm việc khẩn trương hơn. Rồi cha ngồi dậy ra mở cửa sổ để căn buồng đỡ ngột ngạt. Con thấy cha ôm đầu, kêu chóng mặt… Đúng hai tuần sau, vào ngày 11/2, tức mùng 3 Tết (Đinh Mùi) cha đã mãi mãi ra đi. Lên 8 tuổi con đã mồ côi cha”.
Những người cha nổi tiếng mà những người con tưởng nhớ, những Trần Huy Liệu, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Nguyễn Thế Truyện… là những người đã sống trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những nhân cách lớn ấy đã sống trọn “Đạo làm người”, và cũng trọn “Đạo làm cha” với những người con thân yêu của mình…
Và còn những người cha khác là những giáo sư, những hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà văn, nhà báo, nhà thơ lớn: Trương Tửu, Văn Cao, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Lưu Quang Thuận, Thôi Hữu, Lưu Quang Vũ, Hữu Mai, Hoàng Ngọc Hiến, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Phan Chánh, Trần Vũ, Tạ Mỹ Duật. Những học giả lớn: Phan Khôi, Nguyễn Đức Vân, Hoàng Tuệ… Các nghệ sĩ Văn Hanh, An Thuyên, Thanh Tòng… Các nhà văn Khái Hưng, Nhất Linh… lần lượt được khắc họa. Có khi chỉ là những nét chấm phá rất khái quát, làm nổi rõ tính cách của từng người đã sống trọn đạo làm cha.
Cuốn sách “Cha và con” in trên giấy tốt, trình bày trang trọng với phần mở đầu mỗi bài viết là chân dung, tên tuổi người cha cùng vài dòng vắn tắt về sự nghiệp. Kế đó là nhân thân, người viết. Đây cũng là những tư liệu rất quý cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc… những ai muốn tìm hiểu xem gia đình, tình cha con đã ảnh hưởng lớn lao đến nhân cách và sự phát triển của những người con nói riêng, của thế hệ kế tục dòng giống Lạc Hồng ra sao.
Khép lại bài viết này, tôi muốn thêm vào ba từ "Đạo làm người” sau từ “và” của nhan đề bài viết. “Đạo làm con – Đạo làm cha và Đạo làm người” - đó là điều tôi nhận được khi đọc hết tập sách này.
CTV Thanh Vũ/VOV