Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Đảng bộ huyện Kbang nâng cao hiệu quả công tác giám sát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong những năm qua, đặc biệt là kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Ban Thường vụ Huyện ủy Kbang (tỉnh Gia Lai) đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám sát của Đảng đạt được nhiều kết quả.

Giám sát góp phần phòng ngừa vi phạm

Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo tổ chức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy và Huyện ủy về công tác giám sát; căn cứ văn bản của cấp trên, kịp thời cụ thể hóa để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy với các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan, các quy định, quy trình để thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác giám sát của Đảng đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả trong toàn Đảng bộ; định kỳ tổ chức nghe UBKT báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ giám sát; lãnh đạo thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, tổng kết về công tác giám sát của Đảng, qua đó đề xuất với cấp có thẩm quyền những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản về công tác giám sát của Đảng… Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy, các tổ chức cơ sở Đảng và UBKT xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát đề ra.

Về kết quả giám sát thường xuyên, ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội, các cấp ủy và UBKT từ huyện đến cơ sở đã thông báo phân công cấp ủy viên, ủy viên UBKT cấp mình phụ trách các tổ chức Đảng để thực hiện công tác giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; phương pháp giám sát thông qua việc tham dự các hội nghị, giao ban trực báo và giám sát gián tiếp thông qua văn bản của các cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới cung cấp. Nhiệm vụ giám sát thường xuyên đã được các cấp ủy, UBKT thực hiện ngày càng có nền nếp, đã kịp thời phát hiện, góp ý, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ổn định tình hình, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Về kết quả giám sát chuyên đề, từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy, tổ chức Đảng và UBKT các cấp đã tiến hành giám sát 208 lượt tổ chức Đảng, 468 lượt đảng viên. Trong đó: Ban Thường vụ Huyện ủy giám sát 14 tổ chức Đảng, 31 đảng viên; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Huyện ủy giám sát 24 tổ chức Đảng, 17 đảng viên; Đảng ủy cơ sở giám sát 85 tổ chức Đảng, 111 đảng viên; chi bộ cơ sở giám sát 194 đảng viên; UBKT Huyện ủy giám sát 10 tổ chức Đảng, 14 đảng viên; UBKT cơ sở giám sát 75 tổ chức Đảng, 101 đảng viên. Cấp ủy viên các cấp được giám sát có 317 đồng chí, chiếm tỷ lệ 67,73%. Qua giám sát đã kết luận 191 lượt tổ chức Đảng, 412 đảng viên có thiếu sót, hạn chế, chuyển kiểm tra dấu hiệu vi phạm 2 tổ chức Đảng, 5 đảng viên.

Quang cảnh lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kbang lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Hà Duyệt

Quang cảnh lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kbang lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Hà Duyệt

Đối với tổ chức Đảng đã tập trung giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực như: việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; chấp hành quy chế làm việc; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác quản lý, sử dụng tài chính, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng; việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác tổ chức cán bộ… Đối với đảng viên, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc chấp hành quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.

Kết quả giám sát đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cảnh báo, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời nhắc nhở, uốn nắn, chấn chỉnh nhiều tổ chức Đảng và đảng viên trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước; có tác dụng tốt trong công tác phòng ngừa vi phạm kỷ luật Đảng; giúp các tổ chức đảng, đảng viên được giám sát nhận ra thiếu sót, khuyết điểm để tự điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám sát vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát chưa đồng đều ở các cấp, vẫn còn một số cấp ủy, UBKT còn e ngại, thiếu quyết tâm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nên số lượng các cuộc giám sát chưa nhiều; việc xác định nội dung giám sát trong chương trình, kế hoạch giám sát hàng năm của một số cấp ủy, UBKT còn dàn trải, hình thức, chưa tập trung lựa chọn, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm; chất lượng công tác giám sát thường xuyên còn nhiều hạn chế, một số khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên chậm được phát hiện để kiểm tra, xử lý kịp thời…

Tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nói chung và công tác giám sát của Đảng nói riêng cần phải được các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp đặc biệt coi trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ công tác giám sát; qua đó giúp cán bộ, đảng viên nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát của Đảng; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT các cấp. Tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát; phối hợp chặt chẽ giữa công tác giám sát của Đảng với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội. Chủ động cung cấp thông tin sau mỗi kỳ họp UBKT, nhất là kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết và giám sát.

Hai là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, quy trình, hướng dẫn về công tác giám sát theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát để chủ động phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc vi phạm, khuyết điểm của tổ chức Đảng và đảng viên theo phương châm: “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Ba là, đổi mới công tác giám sát thường xuyên và chủ động tiến hành giám sát chuyên đề. Các cấp ủy viên, ủy viên UBKT các cấp được phân công phụ trách tổ chức Đảng cần đổi mới công tác nắm tình hình theo hướng bám sát hoạt động của cơ sở, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, yêu cầu tổ chức Đảng, đảng viên khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người trở thành vi phạm của cả tập thể.

Chủ động tiến hành giám sát chuyên đề đối với tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung giám sát các nội dung, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: việc thực hiện quy chế làm việc; công tác cán bộ; công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và đầu tư công; việc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán… Quá trình giám sát phải coi trọng khâu thẩm tra, xác minh, kết luận rõ, chính xác khuyết điểm, vi phạm để cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên khắc phục, sửa chữa khuyết điểm và nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển sang kiểm tra hoặc chỉ đạo UBKT tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm.

Bốn là, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn UBKT và cơ quan UBKT hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có dũng khí đấu tranh, thực sự công tâm, khách quan, chính trực, tinh thông nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN HỮU TUYẾN

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy

Có thể bạn quan tâm

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

(GLO)- Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

(GLO)- Thời gian qua, Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng trẻ hóa đội ngũ cấp ủy chi bộ khu dân cư. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, ham học hỏi và chủ động ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc, đội ngũ này đã tạo ra “làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc

Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày Bác kính yêu đi xa, nhưng những chỉ dạy, những lời dặn dò của Người vẫn luôn được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và thực hiện, đặc biệt là Di chúc - một di sản vô giá, kết tinh tinh hoa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.