(GLO)- 1 tỷ đồng, đó là số tiền Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam-Viettinbank tài trợ xây dựng nhà cho 20 hộ dân vùng khó tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Mùa mưa lũ năm nay, 20 hộ dân, hàng chục nhân khẩu, không còn phải lo toan mỗi khi nước mưa, nước lũ đổ về làng.
Ấm áp những ngôi nhà chống lũ
Những ngày này, cơn mưa đầu mùa ở vùng trũng Phú Thiện dù chỉ mới bắt đầu, nhưng những ngôi nhà ọp ẹp, tạm bợ của nhiều hộ dân làng Kte Nhỏ, xã Ia Yeng ẩm ướt, nền nhà ướt sũng đầy bùn đất… khiến cho cuộc sống của họ khó khăn lại thêm phần khổ nhọc. Đó là chưa nói đến chuyện, nước lũ từ đầu nguồn đổ về làng vào giữa đêm, làm cho tất cả vật dụng trong nhà số bị cuốn đi, nơi thì bị ngập trong nước.
Ngôi nhà mới của chị Ksor Poi. Ảnh: Nguyễn Giác |
Gặp chúng tôi, ông Rơ Mah Nhen, 52 tuổi, nói: Rất lâu rồi, vợ chồng và các con tôi đã ở trong ngôi nhà nhỏ ở dưới đất kia. Thiếu cái rẫy, sức khỏe không tốt nên không có nhiều tiền để sửa lại nhà. Nay thì cả nhà mình vui rồi, sắp được ở nhà mới rồi. Từ khi làm nhà, ngày nào cha, con mình cũng xem họ làm có theo cái bụng mình không, nếu thiếu cái cây, tấm gỗ nhỏ thì mình tìm mua để ngôi nhà sớm hoàn thành trước khi cơn mưa to, nước lớn kéo về- ông Nhen vui vẻ nói.
Cùng với niềm vui của hộ ông Nhen, cả nhà chị Ksor Poi và đứa em của mình phấn khởi khi có đoàn công tác của huyện đến kiểm tra ngôi nhà vừa dựng xong. Đứng bên ngôi nhà mới, chị Ksor Poi cười nói: Từ lúc biết nhà mình được chọn dựng nhà mới, ai cũng vui và từng ngày mong ngôi nhà được dựng lên. Thấy từng cột gỗ to được chôn xuống đất, những tấm ván, tấm tôn dày được mang đến, dựng lên ngôi nhà mới, mình vui lắm, để ngôi nhà mình được to, đẹp hơn, cả nhà mình góp thêm 6 triệu đồng để mua thêm cây, tôn để cả nhà sinh sống được tốt hơn- chị Poi nói. Cha mẹ lo chuyện dựng nhà, cho ngôi nhà lớn rộng hơn, còn những đứa con của chị Poi, bọn trẻ tìm lấy những tấm gỗ nhỏ đóng lại thành hộp, đổ đất rồi tìm những loại hoa rừng về trồng, trang trí cho ngôi nhà mới của mình.
Vui cùng niềm vui của dân làng, ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện cho biết: Vì là vùng trũng nên mỗi khi có mưa, nước kéo về nhiều thì cả làng Kte Nhỏ và nhà dân ở khu vực lân cận cũng đều bị ngập nước, rất bất tiện trong sinh hoạt. Hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân ở đây cố lắm cũng chỉ đủ tiền sửa chữa lại đôi chút cho căn nhà đã quá cũ, còn lại lo cho cuộc sống hàng ngày. Khi được chính quyền và đặc biệt được sự quan tâm từ phía Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng 20 ngôi nhà mới cho người dân trong xã, trị giá mỗi căn nhà lên đến 50 triệu đồng, ai nấy nhận được tin đều rất hứng khởi. Ngày đêm, chủ nhà cùng với nhóm thợ giúp nhau hoàn thành ngôi nhà vừa đẹp theo kiểu dáng truyền thống và chống nước lớn trong mùa lũ năm nay.
Ngôi nhà cũ đã dột nát của gia đình ông Rơ Mah Nhen. Ảnh: Nguyễn Giác |
Chung tay xóa nhà tạm cho dân
Với tinh thần trách nhiệm chung tay vì cộng đồng, trích một phần lợi nhuận trong kinh doanh, chúng tôi đóng góp một phần nhỏ bé của mình, nhằm chung tay cùng với các cấp chính quyền trong tỉnh xóa dần những ngôi nhà tạm, giúp các hộ nghèo có được những mái ấm, ổn định cuộc sống trong tương lai- đó là tâm sự của ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Ngân hàng Viettinbank-Chi nhánh Gia Lai về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà cho các hộ dân còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Được biết, từ khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam có chủ trương hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng 200 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai với kinh phí 35 triệu đồng/căn. Phía tỉnh Gia Lai rất hoan nghênh về dự án này. Qua trao đổi các bên cùng thống nhất theo phương án hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng lên 50 triệu đồng/căn và kiến trúc nhà được xây dựng theo kiểu dáng của ngôi nhà sàn Jrai truyền thống, với trụ cột được đúc bằng bê tông, kết hợp với chất liệu gỗ và mái lợp tôn mạ màu. Sau khi mẫu công trình nhà sàn có khả năng chống lũ do Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai thiết kế được phê duyệt, các địa phương nhận triển khai dự án khẩn trương thành lập đội kỹ sư xây dựng chính là những dân làng có kinh nghiệm trực tiếp thi công công trình với sự giám sát của huyện và chủ nhà. Một điều được những hộ dân vui mừng nhất khi được dựng nhà mới chính là kiểu dáng của ngôi nhà được thiết kế đẹp, phù hợp với nếp sống văn hóa cũng như điều kiện khí hậu tại địa phương. Công trình không bó buộc về quy mô, chất liệu. Do vậy, các hộ dân có thêm điều kiện kinh phí, có thể mở rộng diện tích xây dựng dựa trên thiết kế chuẩn.
Những ngôi nhà mới tại làng Kte. Ảnh: Nguyễn Giác |
Đến nay, sau hơn một năm triển khai, tất cả 200 căn nhà với tổng kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đầu tư cơ bản hoàn tất, trong đó các địa phương đã được nghiệm thu công trình gồm: Chư Prông 50 căn, Chư Pưh 30 căn, Phú Thiện 30 căn, Krông Pa 30 căn, Mang Yang 30 căn. Vì điều kiện giao thông không thuận lợi và thời tiết nên 30 ngôi nhà tại huyện Chư Sê vẫn chưa thể hoàn thành, tuy nhiên, tất cả đang tập trung mọi nguồn lực để công trình hoàn thành sớm nhất. Dự kiến trong tháng 8-2014 này, phía Ngân hàng Viettinbank tổ chức lễ bàn giao nhà cho các hộ dân.
Nguyễn Giác