Đám cưới đặc biệt: Niềm vui chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi đã vượt qua thời điểm dịch bệnh khó khăn nhất, nhiều y, bác sĩ cùng tổ chức đám cưới tập thể để đời, rất ý nghĩa để cùng vui niềm vui chung.
Từ sáng 10.2, nhiều cặp đôi tham gia đám cưới đặc biệt do Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) tổ chức đến sớm để chuẩn bị. Sửa soạn xong, đại úy Lê Quang Vinh, BS (BS) Bệnh viện (BV) Quân y 175 và thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Thoa, điều dưỡng (ĐD) tại đội điều trị Vùng 4 Hải quân trong bộ quân phục, lên sân đáp trực thăng ngay tại BV Quân Y 175 để chụp hình cưới lúc sáng sớm.
Cùng nhau đi chống dịch
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bác sĩ (BS) Vinh cho biết, anh cùng ĐD Thoa yêu nhau được 3 năm, khi dự định tổ chức đám cưới thì đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM. Sau kỳ nghỉ lễ 30.4.2021, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, BS Vinh và ĐD Thoa lần lượt nhận nhiệm vụ đi chống dịch. Khi đó, BS Vinh được tăng cường làm BS điều trị cho Trung tâm điều trị Covid-19 thuộc BV Quân y 175 tại TP.HCM; còn ĐD Thoa được điều động tăng cường ở BV dã chiến số 4 tại Khánh Hòa.
 
BS Lê Quang Vinh (bên trái) chống dịch tại Trung tâm điều trị Covid-19 BV Quân y 175, còn ĐD Nguyễn Thị Kim Thoa chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Khánh Hòa). Ảnh: NVCC
BS Lê Quang Vinh (bên trái) chống dịch tại Trung tâm điều trị Covid-19 BV Quân y 175, còn ĐD Nguyễn Thị Kim Thoa chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Khánh Hòa). Ảnh: NVCC
Thời gian đầu cuộc chiến với Covid-19 còn gặp nhiều khó khăn khi chưa hiểu rõ hoàn toàn về cơ chế bệnh, quá trình điều trị cho bệnh nhân (BN) cũng rất mới. Nhưng qua các lớp đào tạo và trải qua quá trình điều trị cho BN, sự lo lắng đã không còn. Đây là thời điểm căng thẳng đối với cả anh chị, khi áp lực công việc nặng nề với số ca bệnh lớn, sự lo lắng từ phía gia đình cả 2 khi ngày cưới đã cận kề. Tuy nhiên, anh chị nhận thấy việc cần thiết ngay lúc này là ngăn chặn dịch Covid-19, cần hoãn lại niềm vui riêng để thực hiện nhiệm vụ trong khó khăn chung của cả nước.
 
Cặp đôi chụp ảnh cưới tại BV Quân y 175. Ảnh: Độc Lập
Cặp đôi chụp ảnh cưới tại BV Quân y 175. Ảnh: Độc Lập
Làm việc trong khu điều trị Covid-19 nên BS Vinh không thể ra ngoài được; ĐD Thoa thì lại chống dịch tại BV dã chiến số 4 ở tận Khánh Hòa. Việc hoãn đám cưới được quyết định và thông báo cho gia đình 2 bên bằng điện thoại.
Tạm hoãn lại hạnh phúc của mình, mỗi người chiến đấu một nơi suốt 6 tháng trời, anh chị dành hầu hết thời gian cho việc điều trị và chăm sóc BN. Thời gian cả 2 dành cho nhau cũng vì thế mà ít đi. Mọi áp lực trong công việc, sự nhớ nhung vì xa nhau lâu ngày chỉ có thể bày tỏ qua cuộc điện thoại vào giờ nghỉ. “Chúng tôi đã định ngày cưới từ tháng 9 âm lịch năm trước rồi, nhưng dịch bệnh bùng phát nhanh quá, mình cũng không thể tổ chức đám cưới trong khi anh em, đồng nghiệp đang chống dịch nơi tuyến đầu được nên phải gác lại để đi chống dịch trước, khi nào tình hình ổn định rồi sẽ cưới”, ĐD Thoa bộc bạch.
“Đến nay, khi chúng tôi đã vượt qua thời điểm dịch bệnh khó khăn nhất, được các cấp thủ trưởng quan tâm, các đồng nghiệp trước đây cùng mình chống dịch và nay cùng tổ chức đám cưới nên rất có ý nghĩa, nhất là đám cưới lại được tổ chức tại nơi mình công tác. Với sự quan tâm từ lãnh đạo BV, nhiều anh chị em khác cũng tham gia đám cưới có thể nói là để đời này, lời cảm ơn cũng khó mà nói hết được”, BS Vinh nói.
 
Khoảnh khắc đẹp của BS Lê Quang Vinh và ĐD Nguyễn Thị Kim Thoa. Ảnh: Độc Lập
Khoảnh khắc đẹp của BS Lê Quang Vinh và ĐD Nguyễn Thị Kim Thoa. Ảnh: Độc Lập
Những chia sẻ từ BS Vinh cũng là những lời cảm ơn mà ĐD Nguyễn Thị Kim Thoa muốn nói. Chị cho hay, đã chuẩn bị xong hết mà phải hoãn lại ai cũng buồn; đưa ra quyết định cũng không dễ dàng, nhưng là một người lính, ĐD thì đây là việc phải làm. Khi đi chống dịch, gặp được nhiều cặp đôi cũng như mình, mọi người cũng chia sẻ, cùng quyết tâm hơn”, ĐD Thoa tâm sự.
Khi được hỏi, ai là người thường xuyên động viên người còn lại hơn, BS Vinh khẳng định “hai vợ chồng mình, ai cũng mạnh mẽ”.
Qua dịch cưới nhau
Tham gia chống dịch từ tháng 7.2021 đến nay tại Khoa Hồi sức Covid-19 BV Quân y 175, ĐD Trần Thị Thúy Hằng lúc mới đi chống dịch vẫn chưa có ý định kết hôn, nhưng sau nhiều tháng xa gia đình và người yêu, qua Tết Nhâm Dần 2022 chị cùng người yêu là anh Phạm Tuân, tính chuyện tổ chức đám cưới. “Nghe tin BV tổ chức đám cưới chung cho tất cả nhân viên có nguyện vọng sau tết nên hai chúng tôi đăng ký tham gia”, ĐD Hằng cho biết và kể thêm: “Suốt nhiều tháng trời tập trung chống dịch và dành hầu hết thời gian trong BV, đặc biệt là trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, anh luôn cố gắng mang những món ăn hay đồ dùng mà tôi cần gửi vào BV. Lúc đầu đi chống dịch rất sợ vì lúc đó chưa hoàn toàn hiểu rõ Covid-19, cũng chưa chuẩn bị tâm lý nếu mắc Covid-19”. Thế nhưng chị Hằng cùng nhiều đồng nghiệp luôn động viên nhau “là những người được tiêm vắc xin sớm cộng với việc còn trẻ nên có mắc cũng vượt qua được”. Thời điểm số ca mắc tăng cao, chị cùng nhiều đồng nghiệp trong khoa lao vào công việc, mỗi ngày ngủ không đủ 8 tiếng, tuy rất áp lực và mệt mỏi nhưng đây là lúc BN cần được giúp đỡ nên không ai bỏ cuộc. ĐD Hằng nhớ lại: công việc của chị và đồng nghiệp trong khoa thường kéo dài từ 7 giờ đến 23 giờ mới nghỉ. Điều khiến chị vơi bớt áp lực là khi gọi điện về nhà, được nghe giọng nói của người thân.
Chống dịch trong BV nhiều tháng không ra ngoài, ĐD Hằng cùng người yêu cũng chẳng thể gặp nhau. Không thể gặp nhau trực tiếp, anh Tuân chỉ có thể hỏi thăm qua những cuộc gọi Zalo, Messenger… “Dù không được gặp nhau nhưng tôi không bao giờ nghĩ là sẽ vì vậy mà dừng lại. Hầu như 2 chúng tôi dành toàn bộ thời gian cho công việc”, ĐD Hằng nói.
Kể về lúc nghe tin người yêu nhiễm Covid-19, sau đó là nhiều người thân quen của mình đều nhiễm Covid-19, chị Hằng không giấu được nước mắt, tự trách mình khi không ở bên người thân lúc họ cần được chăm sóc nhất. “Nhiều khi tôi rất buồn vì mình đi chống dịch, chăm sóc cho các BN như người thân của họ, nhưng khi người nhà bị bệnh thì lại không thể ở bên để chăm sóc. Chỉ có thể liên lạc qua điện thoại làm tôi cảm thấy bất lực”, ĐD Hằng bộc bạch.
Trong những cuộc gọi, anh Tuân đều giấu để người yêu không phải lo lắng cho đến khi gần khỏi. Anh biết rằng, áp lực công việc đã khiến chị quá mệt mỏi nên không muốn người yêu mình phải lo lắng thêm. Vượt qua những tháng ngày dịch bệnh kinh hoàng nhất, anh Tuân và ĐD Hằng càng thêm trân quý tình cảm cả 2 dành cho nhau, từ đó quyết định tổ chức đám cưới sau tết vì tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, đúng lúc BV Quân y 175 tổ chức đám cưới đặc biệt để tri ân các nhân viên y tế từng phải gác lại hạnh phúc riêng để chống dịch, nên lập tức đăng ký.
Cùng nhiều cặp đôi khác bận rộn chuẩn bị cho đám cưới đặc biệt sắp tới, anh Tuân và ĐD Hằng không khỏi háo hức khi tổ chức ngày trọng đại của mình, để vui một niềm vui chung.

Niềm cảm hứng từ màu áo lính, chiếc “mũ nồi xanh”

Theo nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, người thiết kế bộ áo dài cho đám cưới đặc biệt này, đây là thời điểm tốt nhất để bà nói lời cảm ơn, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với những nhân viên y tế đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để chống dịch trong một khoảng thời gian dài. Những trang phục mà cô dâu là y BS quân y mặc, NTK Minh Hạnh muốn diễn tả được phần nào những công việc cô dâu, chú rể đã làm không chỉ trong thời gian dịch mà cả nhiệm vụ với tư cách là những y, BS quân đội, thực hiện nhiệm vụ từ đất liền đến Trường Sa; chiếc “mũ nồi xanh” đặc trưng của những chiến sĩ tham gia đội gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. “Tất cả điều đấy tôi muốn thể hiện hết thông qua áo dài, vì áo dài là một di sản…”, NTK Minh Hạnh cho biết.

Theo Khánh Trần (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.