Đắk Nông: Để mất hơn 33 ha rừng, doanh nghiệp bị buộc bồi thường gần 10,5 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông bác toàn bộ khiếu nại của Công ty Nguyên Vũ và tiếp tục buộc công ty này phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng do đã để mất hơn 33 ha rừng trồng.
Rừng thông gần 40 năm tuổi bị tàn phá, bức tử trên quy mô lớn. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Rừng thông gần 40 năm tuổi bị tàn phá, bức tử trên quy mô lớn. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngày 29/8, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa ký quyết định về việc giải quyết khiếu nại của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Nguyên Vũ (Công ty Nguyên Vũ) về trách nhiệm khi để mất rừng và việc bồi hoàn cho Nhà nước.

Ủy ban Nhân dân tỉnh bác toàn bộ khiếu nại của Công ty Nguyên Vũ và tiếp tục buộc công ty này phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng do đã để mất hơn 33 ha rừng trồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, cuối năm 2015, đầu năm 2016, Công ty Nguyên Vũ được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao 162ha rừng, đất rừng để thực hiện dự án quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp. Trong số này, có hơn 158ha là đất có rừng (loại rừng thông có nguồn gốc rừng trồng).

Sau ba năm thực hiện dự án, đến cuối năm 2018, tổng diện tích rừng thông đã giao cho Công ty Nguyên Vũ bị mất, bị phá hơn 33ha, chiếm gần 21%.

Đến cuối năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi dự án của Công ty Nguyên Vũ và giao lại toàn bộ diện tích rừng, đất rừng nói trên cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn (trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông) quản lý, bảo vệ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh sau đó đã buộc Công ty Nguyên Vũ phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng do đã để hơn 33ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm trong quá trình thực hiện dự án.

Công ty Nguyên Vũ sau đó đã có đơn khiếu nại, khẳng định vào tháng 1/2016, công ty đã nộp gần 5,8 tỷ đồng kèm theo bảng thống kê về quyền sở hữu rừng trồng nên toàn bộ rừng thông trên diện tích hơn 158ha là tài sản của công ty. Do đó, công ty không có trách nhiệm bồi thường khi để mất một phần tài sản này.

Thêm nữa, Công ty Nguyên Vũ khẳng định trong quá trình thực hiện dự án, công ty đã lập nhiều biên bản về việc rừng thông bị phá và đã báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhiều lần việc này. Do đó, việc ngành chức năng tỉnh Đắk Nông quy trách nhiệm công ty làm mất hơn 33ha rừng trong quá trình thực hiện dự án là không đúng thực tế.

Tại quyết định giải quyết khiếu nại vừa được ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định việc giao hơn 158ha rừng cho Công ty Nguyên Vũ là để công ty này quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng. Do đó, Công ty Nguyên Vũ không có quyền sở hữu, định đoạt rừng mà Nhà nước đã giao.

Việc để mất hơn 33ha rừng là do công ty chưa thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hiệu quả. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về công ty.

Việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông buộc Công ty Nguyên Vũ phải bồi thường cho Nhà nước gần 10,5 tỷ đồng là căn cứ theo quyết định về đơn giá rừng bình quân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được ban hành vào tháng 10/2013.

Theo các ngành chức năng huyện Đắk Glong, sau gần 6 năm kể từ thời điểm Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông thu hồi dự án quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp của Công ty Nguyên Vũ, nhiều hệ lụy của dự án này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mới đây nhất, ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn đã tổ chức cưỡng chế nhiều trường hợp lấn, chiếm đất rừng ven Quốc lộ 28 với diện tích hơn 2,8ha.

Diện tích đất nêu trên nằm trong tổng số hơn 162ha rừng, đất rừng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Nguyên Vũ quản lý, bảo vệ.

Theo Hưng Thịnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.