Đắk Lắk pháy huy mọi điều kiện lý tưởng để phát triển cây cacao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy cacao Đắk Lắk được đánh giá có chất lượng tốt nhất cả nước bởi tỉnh có điều kiện đất đai, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, thu hoạch cacao ở vườn của gia đình. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, thu hoạch cacao ở vườn của gia đình. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng được đánh giá là nơi có điều kiện lý tưởng để phát triển cây cacao.

Cùng với tính cần cù, ham học hỏi của nông dân và đầu ra thuận lợi, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế, tiềm năng, cơ hội để phát triển cây cacao.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1.140ha trồng cacao, năng suất đạt khoảng 15,56 tạ/ha, sản lượng cacao bình quân hàng năm đạt khoảng 1.525 tấn. Một số huyện có diện tích cacao lớn như Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Ea H’leo.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy cacao Đắk Lắk được đánh giá có chất lượng tốt nhất cả nước bởi tỉnh có điều kiện đất đai, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp cho cây ca cao sinh trưởng, phát triển tốt.

Hơn nữa, cây cacao sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất trồng càphê già cỗi, sâu bệnh phải thanh lý, không thể tái canh càphê, vùng đất bạc màu.

Ngoài ra, đây là cây ưa bóng, thích hợp trồng xen với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày hoặc cây lâm nghiệp, không cạnh tranh nhiều với các loại cây trồng khác, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1.140ha trồng cacao. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 1.140ha trồng cacao. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Gia đình chị La Thị Thùy Linh, thôn 14, xã Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk trồng gần 1ha cacao. Năm nay, năng suất của gia đình đạt 2,5 tấn hạt khô.

Nếu như năm trước, giá cacao dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg thì năm nay, giá cacao tại huyện tăng gấp đôi, từ 150.000-180.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 250 triệu đồng.

Theo chị Linh, giá cacao thu mua qua từng năm đều tăng. Gia đình chị tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ cacao huyện Ea Kar, được hợp tác xã thu mua tận vườn.

Tương tự, gia đình ông Võ Văn Sỹ, thôn Tân Tiến, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cũng trồng khoảng 1ha cây cacao.

Năm nay, gia đình ông thu được gần 1 tấn hạt cacao khô, với giá bán 150.000 đồng/kg thì gia đình lãi khoảng 135 triệu đồng.

Theo ông Sỹ, năm nay, do thời tiết, sâu bệnh hại, năng suất vườn cacao không đạt, giảm gần 50% sản lượng so với năm 2023 song giá cao, gia đình vẫn có lãi, tiếp tục rửa vườn, chăm sóc cho vụ sau.

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế từ cây cacao, ông Sỹ và nhiều hộ dân trong xã đã liên kết thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất cacao hạt Tân Thành vào năm 2023 để phát triển bền vững.

Cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất cacao hạt Tân Thành, tỉnh Đắk Lắk cùng thành viên đánh giá tiềm năng phát triển của cây ca cao. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất cacao hạt Tân Thành, tỉnh Đắk Lắk cùng thành viên đánh giá tiềm năng phát triển của cây ca cao. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ông Thái Đăng Đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ cacao huyện Ea Kar, cho biết cacao là cây trồng mới, có mặt ở địa bàn huyện hơn 10 năm nay.

Hợp tác xã hiện có 65 thành viên, liên kết với 179 hộ dân, diện tích hơn 300ha ca cao ở 6 xã, thị trấn.

Sản phẩm của Hợp tác xã hiện có bột cacao, bơ cacao, chocolate và rượu vang cacao; trong đó, Hợp tác xã đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk... đã hỗ trợ hợp tác xã về vốn, máy móc, truy xuất nguồn gốc, giúp máy móc, thiết bị của Hợp tác xã tương đối đầy đủ.

Định hướng sắp tới, Hợp tác xã phát triển từ 10-15 ha cacao/năm, chọn giống chuẩn để canh tác bền vững, mở rộng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh những lợi thế về sản xuất, nhìn chung, thị trường tiêu thụ cacao thuận lợi, dự báo trong tương lai cung vẫn thấp hơn cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 6 doanh nghiệp thu mua cacao xuất khẩu với khoảng hơn 20 đại lý thu mua trên địa bàn các huyện.

Ngoài ra, có các công ty khác thuộc tỉnh như Công ty cổ phần Cao Nguyên Xanh, Công ty TNHH cacao Nam Trường Sơn cũng tham gia thu mua cacao. Hạt cacao lên men của tỉnh được các công ty thu mua trong và ngoài nước đánh giá là có chất lượng tốt, thị trường ưa chuộng vì có cỡ hạt lớn.

Giám đốc Công ty TNHH cacao Nam Trường Sơn Trương Ngọc Quang cho biết giá cacao tăng vượt ngoài dự đoán của doanh nghiệp (doanh nghiệp dự đoán tăng ở mức 110.000-120.000 đồng/kg).

Giá cacao tăng, người dân hưởng lợi và tăng thu nhập, từ đó chú trọng hơn trong việc đầu tư, chăm sóc cũng như mở rộng diện tích cây trồng, góp phần tăng sản lượng và hướng tới phát triển bền vững.

Ông Trương Ngọc Quang cho biết thêm Công ty đang liên kết với 2 hợp tác xã, diện tích khoảng 250ha tại các huyện Krông Ana, Ea Kar và Buôn Đôn, sản lượng đạt 200-250 tấn/năm.

Từ năm 2013 đến nay, Công ty đã hỗ trợ người dân, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn để xây dựng chuỗi liên kết.

Mục tiêu của doanh nghiệp là tăng cường xây dựng chuỗi liên kết để phát triển cây cacao bền vững; hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, lên men để bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Từ những tiềm năng, thuận lợi, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng "Đề án phát triển ngành hàng cacao" phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng ngành hàng cacao phát triển theo chuỗi giá trị, đảm bảo bền vững về mặt kinh tế, xã hội, môi trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cacao ngày càng tăng ở thị trường xuất khẩu và nội địa.

Mặt khác, nhiều nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thử nghiệm, triển khai mô hình vừa sản xuất cacao vừa gắn với du lịch trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm thưởng thức hạt cacao tươi ngay tại vườn của người dân ở xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Du khách trải nghiệm thưởng thức hạt cacao tươi ngay tại vườn của người dân ở xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hắc Hiển cho biết việc sản xuất cây cacao trên địa bàn tỉnh đã theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh xây dựng "Đề án phát triển ngành hàng cacao," tỉnh rà soát lại những địa phương có khả năng trồng cây cacao; đồng thời rà soát lại ngành hàng cacao từ khâu tổ chức, sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ và rà soát các chính sách để phát triển ngành hàng bền vững.

Trong Đề án phát triển ngành hàng cacao, các chuyên gia đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp nhưng khâu quan trọng nhất là khâu chọn giống, đồng thời cần làm tốt khâu chế biến và phòng trừ sâu bệnh.

Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định phát triển ngành hàng cacao phải lấy hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác là chính, do vậy cần có các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, các thành phần kinh tế tư nhân có điều kiện tham gia phát triển cacao.

Đồng thời, phát triển ngành hàng cacao trong giai đoạn tới phải theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí carbon.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.